Góc nhìn luật gia

Mua máy xét nghiệm Covid-19 rồi mới “đàm phán” giảm giá: "Hành vi ngụy biện, gian dối!"

“Việc mua máy xét nghiệm Covid-19 rồi mới “đàm phán” để giảm giá là hành vi ngụy biện, gian dối nhằm trốn tội” - Đó là quan điểm thẳng thắn của luật sư Bùi Đình Ứng khi nói về vấn đề nóng được dư luận quan tâm.

Những ngày vừa qua, thông tin về một số tỉnh, thành mua máy xét nghiệm Realtime PCR tự động - xét nghiệm Covid-19 với giá cao hơn rất nhiều so với giá gốc đã làm dư luận “nóng” lên.

Điều khiến người ta ngạc nhiên hơn, đó là ngay sau khi sai phạm tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội bị bộ Công an phát hiện, khởi tố thì một số tỉnh, thành đã khẩn trương “đàm phán”, thương lượng lại với đơn vị cung cấp máy xét nghiệm Covid-19 để giảm giá mua. Điều này khiến cho dư luận hoài nghi về những bất thường trong việc mua máy xét nghiệm.

Xung quanh vấn đề trên, PV Người Đưa Tin Pháp Luật đã có cuộc trao đổi với luật sư Bùi Đình Ứng (đoàn luật sư TP.Hà Nội) để ghi nhận ý kiến dưới góc độ pháp lý.

“Khuất tất, ngụy biện!”

Thưa luật sư, ông nhìn nhận như thế nào về việc một số tỉnh, thành mua máy xét nghiệm Realtime PCR với giá cao hơn rất nhiều so với giá gốc, rồi sau đó lại “đàm phán” giảm giá?

Luật sư Bùi Đình Ứng: Việc mua máy xét nghiệm Covid-19 rồi mới “đàm phán” để giảm giá là hành vi ngụy biện, gian dối nhằm trốn tội.

Tôi cho rằng, ngay từ đầu, khi bộ Công an phát hiện sai phạm của CDC Hà Nội trong việc nâng khống giá mua máy xét nghiệm Covid-19 thì đáng lý ra, Bộ nên chỉ đạo ngay Công an các tỉnh, thành đồng loạt tiến hành xác minh làm rõ việc mua bán máy xét nghiệm.

Bởi vì bộ Công an không thể đủ lực lượng để làm tất cả các tỉnh, thành nên cần công an các địa phương vào cuộc theo tinh thần của Bộ, đồng loạt làm rõ việc mua sắm máy xét nghiệm để đảm bảo tính khách quan, chứ không chỉ “tập trung” vào một vài tỉnh. Tỉnh nào sai thì xử lý thật nghiêm.

Nếu làm quyết liệt như vậy thì làm gì có chuyện “rút dây động rừng”, mua máy xong lại “đàm phán” giảm giá! Việc giải thích rằng “mượn dùng thử” hoặc “giảm bớt giá” khiến dư luận hoài nghi về những “khuất tất” phía sau, thậm chí cảm thấy như chuyện khôi hài.

Hệ thống máy xét nghiệm RT-PCR tự động (ảnh NLĐ).

Dư luận tỏ ra hoài nghi về những “bất thường” khi sự việc “giảm giá” chỉ xảy ra sau khi sai phạm tại CDC Hà Nội bị phát hiện. Quan điểm của ông thế nào?

Luật sư Bùi Đình Ứng: Câu chuyện đặt ra ở đây là giả sử nếu sai phạm của CDC Hà Nội không bị bộ Công an phát giác, các tỉnh có “đàm phán” lại để giảm giá không? Có chuyện “mượn” máy xét nghiệm để dùng thử không? Tôi cho rằng là không! Vậy thì sẽ thất thoát tài sản.

Chúng ta phải nhìn vào vụ án điển hình mà Trung ương chỉ đạo, đó là vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG, cho dù ông Nguyễn Bắc Son có trả lại hết 66 tỷ đồng thì vẫn phải nhận bản án chung thân. Thậm chí trong vụ đại án này, Nhà nước đã thu hồi được toàn bộ số tài sản thiệt hại nhưng các bị cáo vẫn phải nhận bản án nghiêm khắc.

Bởi vậy, tôi cho rằng, đối với các vụ việc tham nhũng tương tự, đặc biệt là lợi dụng dịch bệnh để vi phạm thì càng phải xử lý nghiêm, không thể có chuyện khi bị phát hiện dấu hiệu sai phạm rồi mang tài sản trả lại là thoát tội.

Ông có thể phân tích rõ hơn dưới góc độ pháp lý?

Luật sư Bùi Đình Ứng: Giả sử, nếu một số cán bộ ở các địa phương trục lợi trong việc mua máy xét nghiệm Covid-19, xong lại cố tình “thỏa thuận” giảm giá thì còn phải xử lý nặng hơn. Bởi vì đó là hình thức cố tình che giấu hành vi phạm tội, thủ đoạn tinh vi. Ngay khi ký hợp đồng mua bán và chuyển tiền thì đã cấu thành hành vi phạm tội, còn việc “giảm giá” chỉ là “khắc phục hậu quả”.

Theo điểm L, Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015, quy định về các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là lợi dụng dịch bệnh, thiên thai để phạm tội. Còn theo điểm P của điều luật này, người nào có hành động xảo quyệt để che giấu hành vi phạm tội được coi là tình tiết tăng nặng. Như vậy, nếu việc mua máy xét nghiệm Covid-19 của một số tỉnh, thành bị “nâng khống” giá rồi lại “đàm phán” trả bớt tiền thì những cá nhân liên quan sẽ phải chịu ít nhất 2 tình tiết tăng nặng.

Luật sư Bùi Đình Ứng.

Ai quyết định giá gói thầu mua máy xét nghiệm Covid-19?

Luật sư Bùi Đình Ứng: Liên quan đến thông tin một số lãnh đạo ở các địa phương giải thích rằng, việc mua máy xét nghiệm Covid-19 là “đúng quy trình”. Ông nghĩ sao về điều này?

Luật sư Bùi Đình Ứng: Quy trình là việc thủ tục hành chính, niêm yết... Thế nhưng, rõ ràng giá gói thầu – tức giá khởi điểm đưa ra quá cao so với giá của thị trường thì không thể chấp nhận được. Đấu thầu là giá phải rẻ đi! Vậy ai đã đưa ra giá gói thầu đó? Chỉ những người có chức vụ quyền hạn, có vai trò quyết định trong việc mua sắm thiết bị mới có “quyền” duyệt giá gói thầu. Vậy việc xác định giá gói thầu có đúng “quy trình” hay không? Cần phải làm rõ vấn đề này.

Việc chuyển tiền mua máy xét nghiệm rồi, xong lại được “trả bớt” tiền... mà lãnh đạo nào đó giải thích rằng “đúng quy trình” thì tôi cho rằng họ đang trốn tránh trách nhiệm. Có thể lãnh đạo đó không tham gia trực tiếp vào việc mua máy xét nghiệm mà cấp dưới của họ làm, thế nhưng ở đây là trách nhiệm của người đứng đầu. Lẽ nào vị lãnh đạo đó cho rằng, việc mua máy xét nghiệm với giá cao là không sai? Tôi nghĩ rằng, việc này cần kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm!

Trong vụ án sai phạm khi mua máy xét nghiệm Covid-19, theo ông cần làm rõ những vấn đề gì?

Luật sư Bùi Đình Ứng: Ngoài hành vi vi phạm quy định về đấu thầu, thì cơ quan điều tra cần tiếp tục làm rõ về các hành vi liên quan đến nhóm tội tham nhũng như tham ô tài sản, lạm dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản... Nếu có sai phạm thì cần xử lý nghiêm.

Trân trọng cảm ơn ông!