Thế giới

Mua dầu của Nga với giá hời, Shell trích lợi nhuận viện trợ cho Ukraine

Việc Shell mua dầu thô từ Nga với mức chiết khấu kỷ lục vào ngày 4/3 đã vấp phải những ý kiến chỉ trích từ phía Ukraine.

Tập đoàn dầu khí đa quốc gia của Anh Royal Dutch Shell, thường được biết đến với tên gọi Shell, mới đây cho biết sẽ trích lợi nhuận từ bất kỳ loại dầu nào mà họ mua từ Nga vào một quỹ hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine. 

Trước đó, vào ngày 4/3, hãng Shell đã mua một lô hàng dầu thô từ Nga với giá thấp hơn tiêu chuẩn dầu Brent (Dated Brent) đến 28,5 USD/thùng, giúp tiết kiệm hàng triệu bảng Anh vào thời điểm giá dầu toàn cầu đang tăng mạnh.

Đây là thương vụ đầu tiên của hãng này với Nga sau khi Tổng thống Vladimir Putin tiến hành can thiệp quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tuần trước. Mặc dù thương vụ không vi phạm các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moscow, nhưng đã vấp phải những ý kiến chỉ trích từ Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba.

Trong một tuyên bố phản ứng ngay sau đó, Shell đã bày tỏ bảo vệ thương vụ này, cho rằng quyết định đó là "khó khăn" nhưng cần thiết. Hãng cho biết sẽ tìm kiếm các giải pháp thay thế cho dầu của Nga vào thời điểm nhất định. Tuy nhiên, điều này không thể xảy ra trong một sớm một chiều bởi Nga đóng một vai trò quan trọng đối với nguồn cung toàn cầu. Đại diện hãng bày tỏ sự thấu hiểu với phản ứng của các bên liên quan, đồng thời cho biết trong một tuyên bố: "Chúng tôi không xem nhẹ quyết định này".

Shell cho biết sẽ trích bất kỳ khoản lợi nhuận nào từ số lượng dầu mà hãng mua của Nga vào một quỹ chuyên dụng. Cùng với các cơ quan viện trợ, hãng sẽ xác định những khoản tiền đó được sử dụng ở đâu là tốt nhất, nhằm giảm bớt khó khăn mà người dân Ukraine phải gánh chịu.

Một trạm xăng của Shell ở San Francisco, California, Mỹ, vào ngày 25/2/2022. Ảnh: Getty Images.

Trước đó, vào ngày 28/2, Shell đã tuyên bố sẽ rút lui tất cả các hoạt động với Gazprom - tập đoàn năng lượng khổng lồ do nhà nước Nga hậu thuẫn. Hãng sẽ bán 27,6% cổ phần của mình trong nhà máy khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Sakhalin 2 tại Nga. Shell cũng từ bỏ từ 50% cổ phần của hãng trong Công ty Phát triển Dầu khí Salym và liên doanh năng lượng Gydan, vốn được sở hữu và điều hành bởi Gazprom. Tính đến cuối năm 2021, Shell có khoảng 3 tỷ USD tài sản dài hạn trong các dự án liên doanh ở Nga. 

Đại diện hãng Shell thừa nhận về thiệt hại của động thái này: “Quyết định rút lui khỏi liên doanh với Gazprom và các đơn vị có liên quan sẽ ảnh hưởng đến giá trị tài sản của Shell tại Nga".

Nga là quốc gia cung cấp nguồn năng lượng hàng đầu thế giới, đặc biệt và với các đối tác châu Âu. Tuy nhiên, những biện pháp trừng phạt trong thời gian gần đây đã khiến các nhà xuất khẩu của quốc gia này đối mặt với những vấn đề thách thức về hạn mức tín dụng, vận chuyển và bảo hiểm.

Phạm Thu Thanh (theo Reuters, Evening Standard)