Chính sách

Mua bảo hiểm nào để không bị phạt khi CSGT kiểm tra, giá bao nhiêu tiền?

Nhiều người dân đang đổ xô đi mua bảo hiểm xe máy sau khi lực lượng CSGT ra quân tổng kiểm soát phương tiện xe cơ giới.

Đợt ra quân tổng kiểm soát xử lý vi phạm các phương tiện giao thông của Cục CSGT và CSGT các địa phương vô tình giúp bảo hiểm xe máy từ sản phẩm bị ngó lơ trở nên đắt khách, được đổ xô tìm mua.

Cùng với đó là những tranh cãi gay gắt trên mạng xã hội về chuyện bảo hiểm xe máy bởi nhiều người cho rằng gần như không bao giờ dùng đến, nhiều loại bảo hiểm được bán, mua loại nào đúng để không bị phạt khi CSGT kiểm tra? Mua ở đâu và bảo hiểm xe máy bao nhiêu tiền?

Bảo hiểm xe máy nào buộc phải có khi ra đường và giá bao nhiêu tiền? (Ảnh minh họa)

Mua bảo hiểm nào để không bị phạt khi CSGT kiểm tra?

Theo quy định tại Thông tư 22/2016 của Bộ Tài chính, chủ xe cơ giới khi tham gia giao thông trên lãnh thổ Việt Nam phải tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe.

Bảo hiểm trách nhiệm dân sự là bảo hiểm nhằm giúp chủ xe trong trường hợp chẳng may gây ra tai nạn thì đơn vị bảo hiểm đứng ra bồi thường một khoản tiền cho nạn nhân (tất nhiên, muốn được bồi thường thì phải không thuộc trường hợp mà bảo hiểm không bồi thường). Bảo hiểm trách nhiệm dân sự sẽ không bồi thường trực tiếp cho chủ xe cơ giới.

Hiện nay, bảo hiểm xe máy có thể chia làm 4 sản phẩm: Bảo hiểm trách nhiệm dân sự; Bảo hiểm vật chất xe; Bảo hiểm mất cắp; Bảo hiểm tai nạn cho người ngồi trên xe. Khi tham gia giao thông, bắt buộc bạn phải có bảo hiểm trách nhiệm dân sự, nếu không sẽ bị xử phạt.

Căn cứ Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư 22/2016/TT-BTC, phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe mô tô 2 bánh (đóng trong một năm) như sau:

- Từ 50 cc trở xuống: 55.000 đồng.

- Trên 50 cc: 60.000 đồng.

Căn cứ vào điểm a khoản 2 và điểm b khoản 4 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực; người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô mắc lỗi này sẽ bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.

Về hình thức bảo hiểm đang được bán với giá rất rẻ 10.000 mà nhiều người thấy, đó là bảo hiểm tự nguyện dành cho việc bồi thường tính mạng người ngồi phía sau người lái. Giá trị bồi thường cao nhất khoảng 10 triệu đồng/vụ.

Nó vẫn là loại bảo hiểm hợp pháp, nhưng vì bỏ phí mua ít nên giá trị bồi thường ít. Và như đã nói, đó là bảo hiểm tự nguyện nên không bắt buộc phải có.

Hiện nay, trên thị trường có nhiều đơn vị bán bảo hiểm xe máy như Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo hiểm Quân đội MIC, Tổng công ty bảo hiểm PVI, Bảo hiểm BIC, bảo hiểm PTI của Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện, Bảo hiểm VNI của Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng không…

Vì vậy, người dân có thể liên hệ trực tiếp với công ty bảo hiểm, đến các đại lý phân phối để mua bảo hiểm xe máy.

Bảo hiểm chi trả thế nào khi bị tai nạn giao thông?

Tuy nhiên, bảo hiểm trách nhiệm dân sự không bồi thường cho chủ xe. Chủ xe muốn được bồi thường về xe hay tính mạng cho chính mình, thì phải mua một trong các loại bảo hiểm còn lại, bên cạnh bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc.

Căn cứ vào Điều 9 Thông tư 22/2016/TT-BTC, số tiền tối đa công ty bảo hiểm có thể phải trả đối với thiệt hại về thân thể, tính mạng và tài sản của bên thứ ba và hành khách do xe cơ giới gây ra trong mỗi vụ tai nạn xảy ra thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm như sau:

- Mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về người do xe cơ giới gây ra là 100 triệu đồng/1 người/1 vụ tai nạn.

- Mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản do xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy và các loại xe cơ giới tương tự (kể cả xe cơ giới dùng cho người tàn tật) gây ra là 50 triệu đồng/1 vụ tai nạn.

- Mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản do xe ô tô, máy kéo, xe máy thi công, xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp và các loại xe đặc chủng khác sử dụng vào Mục đích an ninh, quốc phòng (kể cả rơ-moóc và sơ mi rơ-moóc được kéo bởi xe ô tô hoặc máy kéo) gây ra là 100 triệu đồng/1 vụ tai nạn.

Điều đáng lưu ý là thực tế rất nhiều trường hợp chủ xe có mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự, khi chẳng may gây tai nạn cho người khác lại không làm việc với bên bảo hiểm để đền cho bị hại, vì thế mà bên bán bảo hiểm vô tình được lợi rất lớn. Đây là điều mà ai có mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự cần lưu tâm để tránh bị thiệt hại trong trường hợp chẳng may gây tai nạn.

Căn cứ Điều 12 Thông tư 22/2016/TT-BTC, công ty bảo hiểm không phải bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp sau:

- Hành động cố ý gây thiệt hại của chủ xe, lái xe hoặc của người bị thiệt hại.

- Lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy không thực hiện trách nhiệm dân sự của chủ xe, lái xe cơ giới.

- Lái xe không có Giấy phép lái xe hoặc Giấy phép lái xe không phù hợp đối với loại xe cơ giới bắt buộc phải có Giấy phép lái xe. Trường hợp lái xe bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe có thời hạn hoặc không thời hạn thì được coi là không có Giấy phép lái xe.

- Thiệt hại gây ra hậu quả gián tiếp như: giảm giá trị thương mại, thiệt hại gắn liền với việc sử dụng và khai thác tài sản bị thiệt hại.

- Thiệt hại đối với tài sản bị mất cắp hoặc bị cướp trong tai nạn.

- Chiến tranh, khủng bố, động đất.

- Thiệt hại đối với tài sản đặc biệt bao gồm: vàng, bạc, đá quý, các loại giấy tờ có giá trị như tiền, đồ cổ, tranh ảnh quý hiếm, thi hài, hài cốt.

Hoàng Mai