Mua áo mưa tiền triệu để... "chiều" sếp?

Những ngày qua, nhiều phương tiện truyền thông phản ánh về việc ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình đề xuất mua áo mưa có giá 1 triệu đồng.

Trước đó, ngày 9/1/2018, ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình có Tờ trình số 02/TTr - PCTT do ông Phạm Văn Dụng, Phó Trưởng ban ký gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình về việc xin kinh phí mua bộ đồ đi mưa phục vụ công tác Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn với tổng số tiền là 396.000.000 đồng.

Điều đáng nói, Tờ trình xin mua 300 chiếc áo mưa (Size L: 50 bộ; size XL: 150 bộ; size: XXL: 100 bộ) có giá cao bất thường là 1.000.000 đồng/bộ. Tổng số tiền xin mua áo mưa là 300.000.000 đồng.

Tờ trình đề xuất mua 300 bộ áo mưa với giá 300 triệu đồng.

Chính những thông tin này đã khiến dư luận đặt ra câu hỏi băn khoăn, không biết dựa trên cơ sở nào mà ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình lại trình UBND tỉnh Thái Bình xin số tiền mua áo mưa với giá cao như vậy?

Áo mưa để phòng chống lụt bão có giá 1 triệu đồng/bộ không nhãn mác là cái giá “trên trời”, ở Thái Bình phải dùng một loại áo mưa “đặc chủng” có giá 1 triệu đồng/bộ hay đây chỉ là "lỗi đánh máy" mà người ta thường giải thích cho những vụ việc tương tự?

1 triệu đồng giá thực tế có thể mua tới 6 bộ áo mưa loại tốt, có thể đổi bằng hàng chục thùng mỳ tôm cứu trợ cho đồng bào bị thiệt hại do thiên tai bão lũ. Đề xuất kia khi đưa ra thật đáng xấu hổ và khó coi nhưng lại khoác trên mình bằng mỹ từ đẹp đẽ.

Chưa thấy thiên tai bão lũ ở đâu, nhưng “thiệt hại” lại cận kề ngay trước mắt bởi kinh phí đó phần nào từ đóng góp của dân đóng góp cho ngân sách Nhà nước. Đặt một giả thuyết, nếu như kế hoạch được nhắm mắt "duyệt" thì cũng có nghĩa thiệt hại này do cơn bão “sượt” qua.

Khi mặc trên người những bộ áo mưa xa xỉ bạc triệu như vậy, liệu có thể che đi thể diện và nhân cách con người hay không? Dân thì oằn mình chống đỡ, còn “công bộc” của dân lại đề xuất áo mưa cho mình với số tiền "khủng", trong khi không biết mua áo mưa để làm gì? Trên thực tế, nhiều cán bộ “đợi” tạnh mưa mới đi xuống hiện trường.

Nếu những đồng bào của ta, những người dân vùng hứng chịu thiên tai, họ biết những chiếc áo mưa các sếp đang mặc trên người với số tiền khủng như vậy lại mang danh đi cứu hộ cứu nạn, chắc họ tiếc rẻ lắm. Bởi trong cơn bĩ cực, họ vẫn đang ngày đêm trông chờ  từng gói mỳ tôm cứu trợ.