Giáo dục

Một số trường đại học top trên công bố mức điểm chuẩn cao

Đến thời điểm hiện tại, các trường đại học đã công bố điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển với nhiều phương thức, các em học sinh cần lưu ý gì để tránh "trượt oan.

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân năm nay công bố điểm chuẩn xét tuyển kết hợp với 3 nhóm thí sinh 4, 5 và 6 của trường rất cao. Cụ thể, nhóm 4 là những thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp với điểm 2 môn thi tốt nghiệp THPT; nhóm 5 áp dụng với thí sinh là học sinh trường THPT chuyên và nhóm 6 dành cho thí sinh đã tham gia vòng thi tuần của chương trình "Đường lên đỉnh Olympia" hoặc đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố, quốc gia. Điểm chuẩn ngành cao nhất là 38, ngành thấp nhất là 25,5. Trường lưu ý thí sinh cần đăng ký trực tuyến nguyện vọng trúng tuyển trên hệ thống cổng thông tin tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo từ nay đến trước 17h ngày 20/8.

Trường Đại học Y Dược - ĐHQG Hà Nội vừa công bố điểm chuẩn trúng tuyển vào các ngành của trường theo kết quả bài thi đánh giá năng lực (HSA). Năm nay, y khoa là ngành có điểm chuẩn cao nhất với 22,7 điểm, ngành thấp nhất là điều dưỡng với 17,9 điểm. Điểm trúng tuyển được công bố theo thang điểm 30, đã bao gồm điểm ưu tiên theo đối tượng, khu vực tuyển sinh và chỉ xét nguyện vọng 1 của thí sinh, trường hợp thiếu chỉ tiêu mới xét đến nguyện vọng 2. Cách tính điểm xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực do ĐHQG Hà Nội tổ chức năm 2022 bằng công thức: Điểm xét tuyển = Điểm đánh giá năng lực x 30/150 + điểm ưu tiên (đối tượng, khu vực).

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG Hà Nội cũng đã thông báo điểm chuẩn cho 4 phương thức tuyển sinh 301, 303, 401, 409 của trường.

Năm nay về phương thức xét tuyển nhà trường dựa trên kết quả tốt nghiệp THPT, nhiều chuyên gia tuyển sinh cho hay, với phổ điểm năm nay, điểm chuẩn khối kinh tế sẽ ở mức cao. Theo PGS-TS Vũ Thị Hiền, Trưởng Phòng Đào tạo - Trường ĐH Ngoại thương, dựa trên phân tích phổ điểm, số thí sinh có mức điểm thông thường trúng tuyển vào trường này là khoảng từ 26-27 trở lên, tùy từng ngành. Tuy nhiên, bà Hiền lưu ý năm nay, phương thức xét tuyển có nhiều thay đổi. Các trường giảm số chỉ tiêu ở phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, tăng chỉ tiêu theo các phương thức xét tuyển khác.

Ở khối công nghệ, kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Công nghệ thông tin - Đại học Quốc gia Tp.HCM lấy điểm sàn cao nhất, mức 23 điểm. Tuy nhiên, thí sinh đăng ký xét tuyển vào ĐH Bách khoa Hà Nội phải đảm bảo điều kiện về điểm thi Đánh giá tư duy, điểm thi tốt nghiệp THPT, học lực căn cứ vào kết quả học tập ghi trong học bạ THPT.

Năm nay Đại học Công nghệ - ĐHQG Hà Nội cũng có ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cao, 20-22 điểm (tùy từng ngành).

Trong khi đó, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đặt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ở mức cao nhất là 21 điểm, thấp nhất là 19 điểm.

Năm nay đăng ký nguyện vọng đối với các phương thức xét tuyển thực hiện theo hình thức trực tuyến trên hệ thống chung của Bộ hoặc trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Các thí sinh lưu ý chọn nguyện vọng

Từ ngày 22/7 đến 17h ngày 20/8, thí sinh đăng ký điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển đại học bằng hình thức trực tuyến với số lần không giới hạn.

Các nguyện vọng của thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành, phương thức ở mọi trường đại học được xếp thứ tự từ một đến hết, trong đó nguyện vọng một là cao nhất. Mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng cao nhất trong số nguyện vọng đã đăng ký.

PGS Đỗ Văn Dũng - nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho rằng việc cạnh tranh vào các trường đại học bằng điểm thi tốt nghiệp THPT của thí sinh vẫn còn rất khốc liệt. Để tăng cơ hội trúng tuyển, theo ông Dũng, thí sinh cần đăng ký nhiều nguyện vọng, đặc biệt các em có điểm thi từ 20 đến 24 điểm.

Ông Dũng lưu ý khi đặt nguyện vọng, thí sinh không nên đặt ngành học dễ trúng tuyển lên đầu, mà phải đặt ngành yêu thích ở nguyện vọng 1 dù các em có điểm xét tuyển thấp hơn điểm chuẩn năm ngoái của ngành.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông, Đại học Công nghiệp Thực phẩm Tp.HCM, cũng khuyên thí sinh sắp xếp nguyện vọng theo nguyên tắc các ngành có điểm chuẩn năm 2021 cao hơn điểm thi của bản thân từ 1 đến 1,5 điểm thì đặt làm nguyện vọng 1, 2.

Những nguyện vọng tiếp theo, thí sinh nên lựa chọn các ngành học có điểm chuẩn bằng điểm thi. Ở các nguyện vọng cuối cùng, thí sinh hãy đặt ngành học có điểm chuẩn thấp hơn so với điểm thi của mình. Ông Sơn nhận định thí sinh lựa chọn từ 4 đến 6 trường/ngành học để đặt nguyện vọng là đã có khả năng trúng tuyển.

Theo các chuyên gia tư vấn tuyển sinh, dù có những điểm mới trong quy định xét tuyển nhưng nguyên tắc chung vẫn là xét tuyển các nguyện vọng từ cao xuống thấp; thí sinh chỉ chính thức trúng tuyển vào 1 nguyện vọng duy nhất, bao gồm cả các nguyện vọng đã trúng tuyển tạm thời bằng các phương thức xét tuyển sớm.

Do đó, nếu thí sinh trúng tuyển sớm vào trường, ngành chưa phải là trường, ngành mình mong muốn, yêu thích nhất thì vẫn có thể chọn xét tuyển vào ngành, trường khác bằng cách đặt nguyện vọng cao hơn khi đăng ký trên hệ thống xét tuyển của Bộ.

Trước khi đăng ký xét tuyển, thí sinh cần tìm hiểu đầy đủ thông tin, nhất là tìm hiểu kỹ đề án tuyển sinh của các trường đại học để đăng ký đúng các thông tin từ thứ tự nguyện vọng, ngành, phương thức xét tuyển... Nếu sai sót sẽ ảnh hưởng đến kết quả xét tuyển.

Một điểm lưu ý khác, Tiến sỹ Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Tp.HCM nhấn mạnh, điểm sàn xét tuyển chỉ là điểm nhận hồ sơ xét tuyển của các trường, ngành.

Điểm sàn thường thấp hơn điểm trúng tuyển rất nhiều, vì thế khi đăng ký nguyện vọng, thí sinh và phụ huynh cần tìm hiểu kỹ thông tin về ngành, trường, nhất là điểm chuẩn 3 năm gần nhất để có sự so sánh và quyết định phù hợp.

Tuy nhiên, nguyên tắc trong đăng ký xét tuyển vẫn là ngành nào yêu thích nhất đặt nguyện vọng trên. Nếu không trúng tuyển vào ngành, trường yêu thích thì vào ngành gần ở những trường khác ở những nguyện vọng sau.

Trúc Chi (t/h theo Người Lao Động, Zing, TTXVN)