Sự kiện

Một phần trạm phát sóng Bạch Mai bị phá bỏ: Mỗi dấu tích của quá khứ đều tác động đến hiện tại!

PGS.TS Phạm Ngọc Trung cho rằng, không thể tùy tiện phá bỏ một di tích lịch sử quan trọng như trạm Phát sóng Bạch Mai. Bởi, có những giá trị lịch sử không thể thay thế được, nó là một phần của dân tộc, của thế hệ tương lai.

Mới đây, dư luận xôn xao trước thông tin, một phần trạm Phát sóng Bạch Mai bị đập ngay trước ngày quyết định lập hồ sơ di tích.

Theo đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội giao sở Văn hóa, thể thao Hà Nội lập hồ sơ di tích với tòa nhà một tầng của trạm Phát sóng Bạch Mai để bảo tồn ngay trước đó, tòa nhà này đã bị chủ công trình đập bỏ một gian và dỡ gần hết phần mái ngói. Đặc biệt, biển tên bằng tiếng Pháp có nghĩa tiếng Việt là “Trạm vô tuyến điện báo” trên tường của tòa nhà đã bị cạo đi.

Trước sự việc này, PV báo điện tử Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Phạm Ngọc Trung (nguyên Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển Học viện Báo chí) để tìm hiểu về ý nghĩa lịch sử của trạm Phát sóng Bạch Mai cũng như việc cần phải làm gì trước một di tích lịch sử đang dần bị phá bỏ.

Trạm Phát sóng Bạch Mai bị phá bỏ một phần.

Thưa PGS.TS Phạm Ngọc Trung, những di tích lịch sử có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với đất nước, nhất là thế hệ tương lai?

Theo tôi được biết, trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Trạm vô tuyến điện này được chính quyền cách mạng sử dụng làm trạm phát sóng phát thanh cho Đài Phát thanh Quốc gia (Trạm Phát sóng Bạch Mai). Nơi đây đã trở thành một di tích lịch sử chứ không còn là trạm phát sóng bình thường.

Khi phát triển đô thị, đôi khi những trạm phát sóng như thế về giá trị sử dụng nó không còn nữa vì chúng ta đã có nhiều trạm phát sóng mới hơn, lớn hơn, công suất cao hơn. Nhưng, không vì thế mà phá bỏ, việc cần làm là nên giữ lại một phần nào đó để tạo thành những kỷ niệm, để thế hệ sau còn biết đây đã từng là đài phát sóng, phát đi những thông tin quan trọng của đất nước.

Phát triển đô thị rất cần diện tích không gian, nhưng có hiện đại cũng nên nhớ quá khứ, lịch sử và đương đại cần gắn bó có mối liên hệ với nhau. Việc giữ lại trạm Phát sóng Bạch Mai hay bất kể di tích lịch sử nào khác cũng để giáo dục muôn đời thế hệ sau nhớ đến lịch sử, nhớ quá khứ. Giữ gìn để cho con cháu mai sau và bảo tồn được hai giá trị chứ không hề ít.

Được biết, trạm Phát sóng Bạch Mai sẽ bị tháo dỡ để thực hiện dự án đường trên cao Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở, vậy theo PGS., có phá bỏ một di tích?

Có thể, những người thành lập dự án đường trên cao Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở chưa hiểu hết ý nghĩa, giá trị lịch sử, văn hóa của trạm phát sóng Bạch Mai. Có lẽ, họ cho rằng đó chỉ là trạm phát sóng nhỏ, không có ý nghĩa gì.

Nhưng thực ra mỗi dấu tích của quá khứ nó cũng tác động đến hiện tại. Nếu như chúng ta lưu giữ những di tích ấy thì sau này mới thấy được rằng chúng ta có một Thủ đô đậm đặc truyền thống văn hóa. Nếu chúng ta bỏ hết đi thì nó sẽ trở thành đơn điệu và không liên tục.

Còn nhớ, trước đây, cầu Long Biên nhiều người cho ý kiến nên phá đi vì nó cũ nhưng thực ra cầu Long Biên cũng là một phần của Hà Nội nên đấu tranh để giữ lại cầu Long Biên hoặc tu bổ nâng cấp cầu cũng là một xu hướng bảo tồn và phát triển. Trạm Phát sóng Bạch Mai có lẽ cũng cần phải được bảo tồn, bởi, phá đi là mất.

PGS.TS Phạm Ngọc Trung.

Nhiều ý kiến cho rằng, những đề án liên quan đến sự phát triển đô thị nên tham khảo ý kiến của các nhà văn hóa, nhà nghiên cứu lịch sử, theo PGS. có nên?

Thứ nhất, trước khi muốn làm gì cần điều tra, khảo sát và quy hoạch xem những di tích nào thuộc cấp quốc gia, cấp thành phố. Thậm chí có những di tích chỉ xem cấp quận huyện nhưng có lúc chúng ta cảm thấy cần nâng cấp lên, có ý nghĩa lịch sử, giáo dục thì cũng nên được xem xét kỹ lưỡng.

Việc điều tra khảo sát, quy hoạch rất quan trọng, từ đó mới có phương án bảo tồn, phát triển và đưa ra cách ứng xử kịp thời, khoa học. Đừng làm theo kiểu ăn đong, đến khi đưa ra ý kiến tranh luận, phản bác thì mới thay đổi như thế vừa không chuyên nghiệp lại tốn kém, phá vỡ kế hoạch.

Tôi cho rằng, bất kỳ đề án nào liên quan đến sự phát triển đô thị cũng nên tham khảo ý kiến của các nhà văn hóa, nhà nghiên cứu lịch sử để tư vấn ngay từ đầu. Nên giữ lại những gì là lịch sử. Vì có những cái chúng ta tưởng chừng như rất bình thường nhưng với dân tộc, đất nước và thế hệ tương lai thì vô cùng quan trọng.

Cảm ơn PGS.TS về cuộc trao đổi!

Mai Thu