Thế giới

Một nửa đại dương trên Trái đất đang thay đổi màu sắc

Hơn 56% các đại dương của thế giới đang đổi màu sắc theo một mức độ không thể giải thích được bằng tự nhiên, và nguyên nhân nhiều khả năng là do biến đổi khí hậu.

Hãng thông tấn AFP (Pháp) cho biết, theo một nghiên cứu đăng tải ngày 12/7 trên tạp chí Nature, trong 20 năm qua, 56% đại dương trên toàn cầu đã đổi màu từ xanh thẫm sang xanh lục theo thời gian với những vị trí tại vĩ độ thấp gần với xích đạo bị ảnh hưởng đặc biệt. Vùng đại dương đổi màu này lớn hơn tổng diện tích đất liền của Trái đất.

Các nhà khoa học tại Trung tâm Hải dương học quốc gia Anh và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) tại Mỹ đã cùng phối hợp thực hiện nghiên cứu.

Các tác giả của nghiên cứu cho rằng, đại dương đổi màu là do có những thay đổi trong hệ sinh thái, đặc biệt là ở các sinh vật phù du nhỏ bé. Sinh vật phù du là trung tâm trong mạng lưới thức ăn dưới biển, đóng vai trò quan trọng trong ổn định bầu khí quyển.

Học giả BB Cael, thuộc Trung tâm Hải dương học Quốc gia Anh, tác giả chính của nghiên cứu, chia sẻ: “Chúng tôi quan tâm đến sự thay đổi màu sắc là do màu sắc phản ánh trạng thái của hệ sinh thái. Bởi vậy, màu sắc thay đổi có nghĩa là hệ sinh thái thay đổi”.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu kho dữ liệu từ năm 2002 đến 2022 của vệ tinh Modis-Aqua thuộc Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA). Màu sắc của nước biển khi quan sát từ trên vũ trụ có thể vẽ lên bức tranh về điều đang diễn ra ở tầng trên của nước biển. Màu sắc của đại dương bắt nguồn từ các thành phần ở tầng trên của nó.

Màu xanh dương thẫm cho thấy không có nhiều sự sống trong khi nước có xu hướng ngả màu xanh lục nhiều hơn thì có khả năng có nhiều hoạt động hơn, đặc biệt là từ những sinh vật phù du quang hợp, tương tự cây cối chứa chất diệp lục màu xanh. Chúng tạo ra lượng ôxy đáng kể, là thành phần quan trọng của chu trình carbon toàn cầu và là phần cơ bản của mạng lưới thức ăn đại dương.

Bà Stephanie Dutkiewicz tại MIT cho biết, các hệ sinh thái đại dương được cân bằng và bất kỳ thay đổi nào đối với thực vật phù du sẽ tác động đến chuỗi thức ăn. “Tất cả thay đổi đang gây ra mất cân bằng trong tổ chức tự nhiên của hệ sinh thái. Mất cân bằng sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn theo thời gian nếu các đại dương của chúng ta tiếp tục nóng lên”, bà nhận định với kênh CNN.

Bà cũng bổ sung rằng điều này ảnh hưởng đến khả năng lưu trữ carbon của đại dương bởi sinh vật phù du khác nhau có thể hấp thụ lượng carbon khác nhau.

Sinh vật phù du kích cỡ khác nhau sẽ phân tán ánh sáng khác biệt. Bên cạnh đó, sinh vật phù du với chất màu khác nhau cũng hấp thụ ánh khác nhau. Nghiên cứu thay đổi trong màu sắc đại dương sẽ giúp cho các nhà khoa học nắm được thay đổi trong số lượng sinh vật phù du trên thế giới.

Các nhà nghiên cứu muốn phát triển phương thức theo dõi thay đổi trong hệ sinh thái để lần dấu biến đổi khí hậu.

Được biết, cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ phóng vệ tinh hiện đại vào tháng 1/2024 với tên gọi Pace. Một trong các nhiệm vụ của vệ tinh Pace là đo đạc hàng trăm màu sắc của đại dương trên toàn thế giới, trong nỗ lực tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra cho các đại dương của chúng ta.

Minh Hoa (t/h theo Lao Động, báo Tin Tức, Thanh Niên)