Xã hội

Một người tiêm 2 loại vắc-xin ngừa Covid-19 khác nhau được không?

Hiện nay, một số nước đã nghiên cứu có thể dùng 2 loại vắc-xin Covid-19 ở 2 thời điểm tiêm khác nhau để tăng khả năng miễn dịch.

Trước thực trạng một bộ phận người dân vẫn còn tâm lý e ngại những phản ứng phụ sau khi tiêm vắc-xin và trì hoãn để đợi các vắc-xin Covid-19 khác cho rằng ít tác dụng phụ hơn, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết đến nay không có vắc-xin nào hiệu quả 100% và không có vắc-xin nào an toàn 100%.

Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, hiện một số quốc gia đã nghiên cứu có thể dùng 2 loại vắc-xin ở 2 thời điểm tiêm khác nhau. Ví dụ, có thể dùng vắc-xin của Astra Zeneca trước sau đó có thể dùng Pfizer hoặc một số vắc-xin khác. Nhiều nhà khoa học tin việc kết hợp như thế là tốt cho hệ miễn dịch trước sự tấn công của virus.

"Chúng tôi khuyên người dân khi có vắc-xin nào thì hãy dùng vắc-xin đó, đừng quá kén chọn. Kể cả đã tiêm vắc-xin vẫn phải quan tâm và thực hiện đúng theo khuyến cáo tiêm vắc-xin và thực hiện nguyên tắc 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế", ông Thuấn nhấn mạnh.

Trước mắt có thể dùng vắc-xin Covid-19 của Astra Zeneca, sau đó dùng Pfizer hoặc một số vắc-xin khác.

Được biết việc tiêm 2 loại vắc-xin ngừa Covid-19 khác nhau đang nhận được sự quan tâm lớn với một số lãnh đạo quốc gia tiên phong làm gương.

Hôm 22/6, Chính phủ Đức xác nhận thông tin Thủ tướng Angela Merkel đã tiêm 2 loại vắc-xin là Astra Zeneca và Moderna. Sức khỏe của bà Merkel vẫn rất ổn định, bà sau đó còn tiếp đón các lãnh đạo nước ngoài chỉ 2 ngày sau khi tiêm liều thứ hai loại Moderna. Hành động của bà Merkel có thể cổ vũ nhiều người khác làm điều tương tự.

Theo New York Times, một số nước đã cân nhắc tiêm 2 liều vắc-xin khác nhau cho người dân trong trường hợp bất khả kháng như nguồn cung hạn chế hoặc loại vắc-xin đầu tiên hiệu quả không như kỳ vọng.

Các cơ quan y tế ở nhiều quốc gia đang cho phép trộn và kết hợp vắc-xin ở một mức độ nhất định. Vương quốc Anh đã bắt đầu việc này ngay trong những ngày đầu tiêm chủng đại trà. Đức, Canada, Thụy Điển, Pháp, Tây Ban Nha và Ý cũng cho phép những người đã tiêm Astra Zeneca được tiêm một loại khác cho liều thứ 2.

Tại Hàn Quốc, để đối phó với tình trạng vắc-xin bị giao chậm, chính quyền Seoul xác nhận các nhân viên y tế đã tiêm liều đầu tiên là vắc-xin Astra Zeneca có thể tiêm liều thứ hai là vắc-xin Pfizer.

Thực tế việc kết hợp vắc-xin kiểu này từng được các nhà khoa học thử nghiệm với vắc-xin Ebola. Vì thế một số nhà khoa học tin rằng việc tiêm 2 loại vắc-xin Covid-19 khác nhau sẽ tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh hơn.

Vì mỗi loại vắc-xin được phát triển và kích thích các phần khác nhau của hệ thống miễn dịch nên khi kết hợp với một loại khác, hệ miễn dịch sẽ phải hoạt động gấp nhiều lần. Các phản ứng miễn dịch này có thể khiến chúng ta một số phản ứng phụ như sốt, cơ thể mệt mỏi,... nhưng lại "dạy" hệ miễn dịch nhận ra các bộ phận khác nhau của mầm bệnh, từ đó phản ứng nhanh và chính xác hơn.

GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cũng thông tin thêm đến nay không có vắc-xin nào an toàn 100%. Ông khuyến cáo người dân nếu có cơ hội tiêm vắc xin nào thì nên tiêm luôn vắc-xin đó vì phản ứng sau tiêm giữa các loại vắc-xin có tỉ lệ gần như nhau.

Tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo về công tác tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 mới đây, Thường trực Ban chỉ đạo cũng giao bộ Y tế nghiên cứu phương án tiêm mũi 2 cùng loại vắc xin hay 2 loại khác nhau dựa trên kinh nghiệm của thế giới. Theo bộ Y tế, hiện Việt Nam đã thực hiện tiêm 3.593.970 liều vắc-xin phòng Covid-19. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin là 182.481 người. Vắc xin Covid-19 hiện đang tiêm chủng tại nước ta là của hãng Astra Zeneca.

Minh Hoa (t/h theo Người Lao Động, Tuổi Trẻ)