Thế giới

Ukraine “chiếm sóng” tại Hội nghị An ninh Munich, Nga vắng mặt

Các nhà lãnh đạo thế giới đã trở lại Munich, với câu hỏi lớn về việc liệu phương Tây có còn đủ sức để tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến tiêu hao kéo dài.

Tại Hội nghị An ninh Munich (MSC) gần một năm trước, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cảnh báo rằng Ukraine “gần như bị bao vây bởi quân đội Nga”.

Sáng sớm ngày 24/2/2022 – chỉ 4 ngày sau khi hội nghị kết thúc, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở quốc gia láng giềng Đông Âu, bắt đầu một trong những cuộc xung đột khốc liệt nhất trên lục địa châu Âu kể từ Thế chiến II.

Gần một năm sau, các nhà lãnh đạo thế giới đã trở lại Munich, với những câu hỏi lớn về việc liệu phương Tây có còn đủ sức và lực để tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến tiêu hao kéo dài với Nga hay không, trong khi vẫn đang phải vật lộn với một loạt các thách thức địa chính trị dài hạn và lớn hơn.

Tại khách sạn Bayerischer Hof ở trung tâm thành phố Munich, mọi phát ngôn và hành động của các nhà lãnh đạo thế giới trong suốt kỳ hội nghị sẽ được theo dõi sát sao.

Không giống như một số hội nghị toàn cầu lớn khác, MSC là nơi các tin tức và chính sách quan trọng có thể được thông báo và quyết định.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris được chào đón bởi Thủ hiến bang Bayern Markus Söder khi bà đến dự Hội nghị An ninh Munich gần Freising, Đức, ngày 16/2/2023. Ảnh: Getty Images

Ví dụ, năm 2007, ông Putin đã có một bài phát biểu quan trọng tại MSC, cảnh báo về tầm ảnh hưởng của Mỹ và các mối đe dọa từ sự mở rộng của NATO, những điều mà Nga cho là nguồn cơn của những gì thế giới đã thấy ở Ukraine trong năm qua.

Năm 2011, Ngoại trưởng Mỹ khi đó là bà Hillary Clinton và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã trao đổi các văn bản phê chuẩn tại MSC cho New START –hiệp ước vũ khí hạt nhân lớn duy nhất giữa Washington và Moscow vẫn còn hiệu lực cho đến ngày nay.

Năm 2017, Phó Tổng thống Mỹ khi đó là ông Mike Pence đã sử dụng hội nghị để cố gắng trấn an những người đồng cấp nước ngoài đang bối rối rằng, bất chấp việc Tổng thống Donald Trump chỉ trích các đồng minh của Mỹ, Washington vẫn ủng hộ NATO.

Câu hỏi đặt ra là MSC năm nay sẽ có gì?

Bà Harris dự kiến sẽ có bài phát biểu quan trọng về sự hỗ trợ của Mỹ đối với Ukraine và an ninh châu Âu vào ngày 18/2. Các diễn giả và tham luận viên chính khác bao gồm Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg; nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi); và người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell.

Nhưng tâm điểm của MSC vẫn luôn là các cuộc hội đàm kín sau cánh gà và các cuộc họp song phương (gọi là Bilat).

Những nhà lập pháp nào gặp bộ trưởng quốc phòng nào, nói gì sau cánh cửa đóng kín, và liệu một Bộ trưởng Ngoại giao nào đó có “nắn gân” đồng cấp trong các cuộc họp song phương như vậy hay không? Tất cả những điều đó có thể mang lại những hiểu biết thú vị về cách chính sách đối ngoại đang được thực hiện trong thời gian thực ở Munich.

Các sĩ quan cảnh sát đứng trước khách sạn Bayerischer Hof, nơi diễn ra Hội nghị An ninh Munich (MSC) lần thứ 59, từ ngày 17/2 đến ngày 19/2/2023. Ảnh: Getty Images

Có rất nhiều vấn đề hậu trường tại MSC đến nỗi Ban tổ chức có một nhóm điều phối hàng chục cuộc họp trong suốt hội nghị và chuẩn bị một loạt phòng họp có sẵn trong 3 tòa nhà riêng biệt, bao gồm khách sạn chính Bayerischer Hof, Palais Montgelas, và ngân hàng HypoVereinsbank – tất cả năm gần nhau và được bao quanh bởi vành đai an ninh được tổ chức chặt chẽ.

Hội nghị An ninh Munich (MSC) 2023 – dự kiến khai mạc ngày 17/2 bằng một bài phát biểu qua video của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky – sẽ quy tụ khoảng 40 người đứng đầu nhà nước và chính phủ cũng như các chính trị gia và chuyên gia an ninh từ gần 100 quốc gia.

Lần đầu tiên sau 2 thập kỷ, các nhà lãnh đạo Nga không được mời tham dự hội nghị an ninh tại Munich. Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng không mời các quan chức từ Iran do cách nhà nước Cộng hòa Hồi giáo xử lý các cuộc biểu tình gần đây.

Minh Đức (Theo Foreign Policy, AP)