Văn hoá

Một chọi một lên cột đồng hồ  

Trong kinh thành Thăng Long xưa có đồng hồ nước để biết giờ. Đồng hồ là một bể nước. Trong bể có gáo đồng, gáo này có lỗ ở đáy, khi nước vào đầy, gáo chìm xuống đáy là 1 canh giờ, lính trực canh lại lấy chiếc gáo thả lên mặt nước rồi báo cho người đánh trống canh.

Công việc ấy cứ diễn ra hết ngày này sang ngày khác. Thời nhà Nguyễn, vị trí đặt đồng hồ nước trông ra đường Nguyễn Tri Phương hiện nay. Lối vào nơi đặt đồng hồ gọi là cổng đồng hồ, có lính canh bên ngoài. Hà Nội trước khi Pháp chiếm thành năm vào 1882 vẫn còn trống canh. Canh 1 trống đánh 1 tiếng, canh 2 đánh 2 tiếng, cứ thế cho đến khi hết 12 canh giờ. Sau Thực dân Pháp chiếm Hà Nội và lấy thành làm trại lính thì nhiều công trình của Bắc thành bị phá bỏ trong đó có đồng hồ nước.

Chiếc đồng hồ kiểu phương Tây đầu tiên ở Hà Nội là đồng hồ 2 kim ở tháp giữa của Nhà thờ Lớn trên phố Nhà Chung. Nhà thờ Lớn khánh thành vào ngày Noel năm 1886 và đúng 12h đêm hôm đó nó gióng giả 12 tiếng chuông gây ngạc nhiên các tín đồ công giáo và dân quanh khu vực này. Dù là đồng hồ của nhà thờ công giáo để tín đồ biết giờ hành lễ song nó cũng là đồng hồ công cộng. Mặt đồng hồ quay ra ngoài đường nên ai cũng nhìn thấy và đồng hồ này tính theo múi giờ Việt Nam (GMT+7). Không rõ nó được sản xuất ở Pháp hay Thụy Sỹ, đường kính là bao nhiêu nhưng nó là đồng hồ dây cót, bộ phận lên dây giống như vô lăng ô tô. Cứ đúng 1 giờ, ông bõ nhà thờ lại kéo chuông. Tiếng chuông theo số giờ, ví dụ 1 giờ chuông đánh một tiếng, 12h đánh 12 tiếng.

Khi chính quyền Hà Nội xây dựng quảng trường Négrier ở khu vực phía bắc Hồ Gươm (nay là Đông Kinh nghĩa thục) cuối thế kỷ 19, họ đã dựng 1 chiếc đồng hồ công cộng thứ 2 để dân chúng làm quen và sinh hoạt theo giờ Tây. Năm 1902, ga Hàng Cỏ khánh thành, tại tầng 2 của sảnh chính người ta lắp chiếc đồng hồ hình tròn, có kim giờ và kim phút, mặt bằng đá, đường kính 1,8m. Căn phòng để máy móc của chiếc đồng hồ này rộng 20m2. Và cứ 2 ngày một lần đồng hồ được lên dây cót.

Để lên dây cót phải quay cánh tay đòn như maniven ô tô. Cũng năm đó, cầu Long Biên hoàn thành và ở bên này đầu cầu, chính quyền cho dựng cột đồng hồ công cộng, đồng hồ hình tròn có hai mặt, một mặt quay về hướng Bắc và mặt kia quay về hướng Nam. Như vậy, người qua cầu sang bên Gia Lâm và khách lên ga Long Biên có thể biết giờ. Năm 1917, Bưu điện Bờ Hồ khánh thành, họ đã gắn một chiếc đồng hồ lên tầng hai. Tuy nhiên, họ không lấy theo múi giờ Việt Nam mà lấy theo múi giờ Paris. Còn đồng hồ trên nóc nhà Gô đa (nay là trung tâm thương mại Tràng Tiền) lấy theo múi giờ Việt Nam nên nhiều người ở xa đến không biết tin vào đồng hồ nào.

Tiếp đó, chính quyền cho dựng thêm đồng hồ ở trước cửa Bảo tàng Lịch sử, chợ Hàng Da. Cả hai chiếc này có mặt hình tròn đánh số từ 1 đến 12. Những năm 60, 70 thế kỷ trước trong giới trẻ có câu: "Một chọi một lên Cột đồng hồ". Mới đầu, người ta tưởng là nói cho vần nhưng không phải, đánh nhau thật. Một chọi một nghĩa là thanh niên giải quyết va chạm hay mâu thuẫn rất quân tử, đánh nhau tay đôi, còn cột đồng hồ địa danh ở đầu phố Hàng Chĩnh nơi có chiếc đồng hồ công cộng. Nhưng, tại sao lại rủ nhau lên cột đồng hồ để tỉ thí? Không phải để họ đánh nhau theo giờ mà vì khu vực này vắng người xa đồn công an nên đánh nhau không sợ bắt nhốt vào đồn.

Nguyễn Ngọc Tiến