Thế giới

Moscow: Cuộc không kích của Ukraine vào Nga sẽ ảnh hưởng đến đàm phán

Quan chức cấp cao Ukraine không thể xác nhận cũng không bác bỏ tuyên bố rằng liệu Ukraine có liên quan đến vụ không kích này.

Cuộc không kích được cho là do trực thăng quân sự Ukraine thực hiện vào một cơ sở lưu trữ nhiên liệu ở thành phố Belgorod của Nga sẽ cản trở các cuộc đàm phán hòa bình, Nga cho biết hôm 1/4.

"Tất nhiên, đây không phải là điều có thể được coi là tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp tục đàm phán", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên.

Khi được hỏi về vụ tấn công, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói: "Tôi không thể xác nhận cũng không bác bỏ tuyên bố rằng liệu Ukraine có liên quan đến vụ này hay không, đơn giản vì tôi không nắm tất cả thông tin quân sự".

Ông Kuleba cũng cho biết, Ukraine đang chờ phản ứng chính thức của Nga đối với các đề xuất của Kiev được đưa ra tại vòng đàm phán hòa bình ở Thổ Nhĩ Kỳ, và rằng các cường quốc nước ngoài không thúc ép Ukraine thỏa hiệp trong các cuộc đàm phán.

Trong khi đó, Văn phòng Tổng thống Ukraine cho biết, cả hai bên đã nối lại các cuộc đàm phán hòa bình hôm 1/4 theo hình thức trực tuyến, nhưng không cung cấp thêm chi tiết.

Ảnh do Cơ quan Báo chí Bộ Khẩn cấp Nga công bố, ngày 1/4/2022, cho thấy quang cảnh địa điểm xảy ra hỏa hoạn tại một kho dầu ở vùng Belgorod, Nga. Ảnh: Daily Sabah

Ukraine: Quân Nga đang rút khỏi vùng Kiev, Chernihiv

Nga đang rút các lực lượng khỏi vùng Chernihiv, miền Bắc Ukraine, và vùng Kiev, các Thống đốc vùng cho biết hôm 1/4.

"Các cuộc tấn công bằng tên lửa và không quân vẫn có thể xảy ra trong khu vực, không ai có thể loại trừ điều này", Thống đốc vùng Chernihiv, Viacheslav Chaus, nhận định và cho biết thêm rằng các lực lượng Ukraine đang tiến vào và tiếp quản các khu định cư trước đây do quân đội Nga kiểm soát.

Nga cũng đang tiếp tục rút một số lực lượng khỏi vùng Kiev và đang tiến quân về phía Belarus, Thống đốc vùng, Oleksandr Pavlyuk, cho biết trên Telegram. "Chúng tôi đang quan sát chuyển động của các đoàn xe hỗn hợp (của Nga) với số lượng khác nhau".

Đầu tuần này, Nga cho biết họ sẽ giảm quy mô hoạt động quân sự ở các vùng Chernihiv và Kiev và tập trung vào vùng Donbass ở miền Đông.

Quang cảnh hoang tàn ở Mariupol, Đông Nam Ukraine. Ảnh: DW

Thêm tiếng nói phản đối việc loại trừ Nga khỏi G20

Trung Quốc hôm 1/4 cho biết, họ không ủng hộ lời kêu gọi trục xuất Nga khỏi nhóm 20 nền kinh tế lớn trên thế giới G20.

"Tất cả các thành viên đều bình đẳng và không ai có quyền chia rẽ G20", Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Wang Yi (Vương Nghị) tuyên bố trong cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi, Indonesia là nước đang chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh G20 vào tháng 11 năm nay.

Ngoại trưởng Wang nhấn mạnh rằng hội nghị không nên bị "chính trị hóa", và G20 là nhằm tập trung vào các vấn đề kinh tế.

Mathias Mogge, người đứng đầu nhóm viện trợ Đức Welthungerhilfe, cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới không loại Nga ra khỏi G20, đồng thời cho rằng điều đó có thể làm chậm nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực đang ngày càng trầm trọng trên toàn thế giới.

"Tất nhiên, Nga cần phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt và mọi thứ. Nhưng trong tình hình nhân đạo như chúng ta đang đối mặt hiện nay, cần phải có những đường dây liên lạc cởi mở", ông Mogge cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây.

Minh Đức (Theo DW)