Thế giới

Triển vọng kinh tế Anh bị hạ xuống mức “tiêu cực”

Triển vọng kinh tế của Vương quốc Anh vừa bị tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s hạ từ “ổn định” xuống “tiêu cực” vì bất ổn chính trị và lạm phát cao.

Các cơ quan xếp hạng đánh giá một quốc gia dựa trên sức mạnh nền kinh tế và chấm điểm dựa trên khả năng trả nợ của chính phủ quốc gia đó.

“Sự khó đoán định trong hoạch định chính sách giữa lúc kinh tế tăng trưởng yếu hơn và lạm phát cao” và “rủi ro đối với khả năng trả nợ của Anh do quốc gia này có khả năng vay nợ nhiều hơn sự suy yếu liên tục về độ tin cậy của chính sách” là nguyên nhân khiến Moody’s điều chỉnh triển vọng kinh tế Vương quốc Anh.

Xếp hạng tín dụng vẫn cao

Mặc dù triển vọng kinh tế của Anh bị đánh giá là “tiêu cực”, xếp hạng tín dụng của Moody’s đối với Anh vẫn không thay đổi ở mức Aa3.

Xếp hạng này phản ánh khả năng phục hồi kinh tế của Vương quốc Anh “bất chấp khả năng dự đoán chính sách tài khóa suy yếu trong những năm gần đây”, Moody’s cho biết.

“Khuôn khổ thể chế lâu đời của Anh vẫn mạnh mẽ và sẽ tiếp tục hỗ trợ khả năng ứng phó với các cú sốc của quốc gia này, như đã thấy trong đại dịch. Hơn nữa, cơ cấu nợ chính phủ của Anh, với thời gian đáo hạn trung bình rất dài khoảng 15 năm, cũng như cơ sở nhà đầu tư trong nước sâu rộng làm tăng thêm khả năng phục hồi cho hồ sơ tín dụng khi đối mặt với các cú sốc”, theo Moody’s.

Tổ chức xếp hạng này vẫn giữ nguyên mức trần nội tệ và ngoại tệ của Anh ở mức Aaa. Khoảng cách 3 bậc giữa trần nội tệ và xếp hạng quốc gia được thúc đẩy bởi dấu chân tương đối nhỏ của chính phủ trong nền kinh tế, vị thế thanh toán bên ngoài khá vững chắc và một nền kinh tế đa dạng, Moody nhận định.  

Lần cuối cùng Moody’s hạ cấp xếp hạng tín dụng của Vương quốc Anh là vào tháng 10/2020, với lý do tăng trưởng thấp hơn dự kiến sau Brexit, nợ chính phủ gia tăng và sự suy yếu của các tổ chức gây ra “môi trường chính sách tồi tệ”.

Khó khăn chồng chất

Nền kinh tế Vương quốc Anh đang phải hứng chịu một loạt đòn giáng. Ngân hàng trung ương Anh cho biết, rất có thể nền kinh tế nước này đã rơi vào suy thoái. Chi phí thực phẩm tăng cao đã đẩy tỉ lệ lạm phát hàng năm ở Anh lên 10,1% vào tháng 9, bằng mức cao nhất trong vòng 40 năm được thiết lập hồi tháng 7.

Điều này có thể khiến ngân hàng trung ương Anh tăng lãi suất mạnh mẽ hơn khi họp vào ngày 3/11 tới để kìm hãm đà tăng giá.

Hôm 20/10, bà Liz Truss từ chức Thủ tướng sau 6 tuần tại vị sau khi gói tài chính “ngân sách nhỏ” mà bà và cựu Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng đưa ra gặp phải một làn sóng phản đối mạnh mẽ từ các nhà đầu tư, khiến lợi tức trái phiếu chính phủ tăng vọt, đồng bảng Anh lao dốc. Ngân hàng trung ương Anh đã phải thực hiện 3 biện pháp can thiệp liên tiếp để giải cứu các quỹ hưu trí.

Mặc dù hầu hết các biện pháp đưa ra đã bị ông Jeremy Hunt, Bộ trưởng Bộ Tài chính mới của Anh hủy bỏ, uy tín của chính phủ Anh đã bị tổn hại và nền kinh tế nước này có thể sẽ tiếp tục biến động mạnh mẽ trong thời gian tới.

Số liệu mới nhất của Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) cho thấy, khoản vay của Vương quốc Anh đã tăng lên 20 tỷ bảng vào tháng 9, vượt xa mức 17 tỷ mà các nhà kinh tế dự đoán và mức 14,8 tỷ bảng mà Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách Anh (OBR) ước tính hồi tháng 3.

“Chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để giảm nợ trong trung hạn và đảm bảo rằng tiền của người đóng thuế được chi tiêu tốt, đưa tài chính công vào con đường bền vững khi chúng tôi phát triển nền kinh tế”, Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt phát biểu.

Vị Bộ trưởng mới được bổ nhiệm gần đây đã đảo ngược một số chính sách tài chính quan trọng mà người tiền nhiệm Kwasi Kwarteng công bố vào tháng trước, bao gồm cả kế hoạch loại bỏ việc tăng thuế doanh nghiệp lên 25%.

Dữ liệu mới nhất của ONS cho thấy khoản nợ 20 tỷ bảng bao gồm 7,7 tỷ bảng tiền lãi trong tháng, cao hơn 2,5 tỷ bảng so với cùng kỳ năm 2021. Đây là con số tiền lãi cao nhất trong tháng 9 kể từ khi hồ sơ bắt đầu vào năm 1997.

Nguyễn Tuyết (Theo CNN, The Guardian)