Xi nhan Trái Phải

“Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng”, trừ người cao dưới 1,5m?

Đó là chủ trương của ĐH Sư phạm TP.Hồ Chí Minh trong 10 năm, khi chúng ta căn cứ vào nội dung điều kiện xét tuyển trong các Thông báo tuyển sinh của ĐH Sư phạm TP.HCM, kể từ năm 2008: “Thí sinh nam phải cao 1,55 m trở lên, nữ từ 1,5 m trở lên mới được đăng ký thi các ngành đào tạo giáo viên.”

Chúng ta hãy cùng suy xét. Những tiêu chuẩn nào cần phải có mà một người xứng đáng làm thầy, để dạy học, là gì?

Câu trả lời thì xưa nay ai cũng biết.

Đầu tiên, đó phải là người có tri thức, với trình độ chuyên môn phù hợp. Điều thứ hai, là kỹ năng truyền đạt tri thức, kỹ năng giảng dạy. Bởi công việc của họ là truyền tải kiến thức và giáo dục nhân cách cho học sinh.

Vậy thì, điều kiện về chiều cao để xét tuyển vào ngành Giáo dục Thể chất còn hợp lý, chứ sao Thông báo tuyển sinh lại đòi hỏi người thầy tương lai trong các ngành khác phải cao từ 1,5m trở lên?

Những điều kiện để xét tuyển còn chấp nhận được như việc thầy giáo không được nói ngọng, nói lắp, vì ảnh hưởng xấu đối với việc tiếp thu kiến thức của học sinh, chứ không phải việc chỉ xét tuyển thầy giáo, cô giáo cao 1,55m trở lên với nam và 1,5m trở lên với nữ.

Hành vi này của ĐH Sư phạm TP.HCM còn phạm luật.

Theo bộ luật Lao động năm 2012, luật Lao động số 10/2012/QH13, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/05/2013, thì:

Điều 5. Quyền và nghĩa vụ của người lao động

1. Người lao động có các quyền sau đây:

2. a) Làm việc, tự do lựa chọn việc làm, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp và không bị phân biệt đối xử;

Điều 8. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Phân biệt đối xử về giới tính, dân tộc, màu da, thành phần xã hội, tình trạng hôn nhân, tín ngưỡng, tôn giáo, nhiễm HIV, khuyết tật hoặc vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn.

Điều 10. Quyền làm việc của người lao động

1. Được làm việc cho bất kỳ người sử dụng lao động nào và ở bất kỳ nơi nào mà pháp luật không cấm.

2. Trực tiếp liên hệ với người sử dụng lao động hoặc thông qua tổ chức dịch vụ việc làm để tìm việc làm theo nguyện vọng, khả năng, trình độ nghề nghiệp và sức khoẻ của mình.

Việt Nam còn là quốc gia đã ký Công ước về Phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp 1958, của tổ chức Lao động quốc tế ILO, có hiệu lực tại Việt Nam vào ngày 17/3/2010. Trong đó, Điều 1 của Công ước này ghi rõ:

1. Trong Công ước này, thuật ngữ “phân biệt đối xử” bao gồm:

a). Mọi sự phân biệt, loại trừ hoặc ưu đãi dựa trên chủng tộc, màu da, giới tính, tôn giáo, chính kiến, dòng dõi dân tộc hoặc nguồn gốc xã hội, có tác động triệt bỏ hoặc làm phương hại sự bình đẳng về cơ may hoặc về đối xử trong việc làm hoặc nghề nghiệp;

b). Mọi sự phân biệt, loại trừ hoặc ưu đãi khác nhằm triệt bỏ hoặc làm phương hại sự bình đẳng về cơ may hoặc về đối xử mà Nước thành viên hữu quan sẽ có thể chỉ rõ sau khi tham khảo ý kiến các tổ chức đại diện của người sử dụng lao động và của người lao động, nếu có, và của các tổ chức thích hợp khác.

Như vậy, nội dung điều kiện xét tuyển trong các Thông báo tuyển sinh của ĐH Sư phạm TP.HCM, kể từ năm 2008: “Thí sinh nam phải cao 1,55 m trở lên, nữ từ 1,5 m trở lên mới được đăng ký thi các ngành đào tạo giáo viên.” - rõ ràng đã vi phạm luật Lao động năm 2012, đã vi phạm Công ước về Phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp 1958, của tổ chức Lao động quốc tế ILO.

Hiện nay, trang web của Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh cho biết chỉ còn giữ lại yêu cầu về chiều cao, cân nặng ở ngành Giáo dục thể chất

Chiều 14/2, trao đổi với PV Người Đưa Tin, ông Huỳnh Văn Sơn, Phó Hiệu trưởng Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh cho biết “nhà trường đã thống nhất loại khỏi tiêu chí sức khỏe bằng sự cân nhắc ở nhiều chiều".

Sau đằng đẵng 10 năm, lãnh đạo các nhiệm kỳ kế tiếp của Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, đã nhận ra sự sai trái trong văn bản của mình hay là do dư luận phản đối mà lãnh đạo nhà trường mới loại yêu cầu 150cm, chăng?

“Quân tử không nhất ngôn” là quân tử khôn hay dại – cũng chẳng biết nữa. Nhưng thấy cái đúng mà sửa sai, thì cũng là thái độ cầu thị đáng khuyến khích.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Nguyễn Quốc