Chính sách

Mở rộng phạm vi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với xe ô tô điện

Việt Nam hiện đang phát triển nhanh các loại xe ô tô sử dụng điện, năng lượng xanh; phát triển các loại xe Hybrid, phương tiện giao thông thông minh.

Bộ GTVT đang lấy ý kiến đối với Dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô (sau đây gọi tắt là Dự thảo Thông tư).

So với Quy chuẩn hiện hành được ban hành năm 2015(QCVN 09), Dự thảo Thông tư mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với các loại xe ô tô không sử dụng nhiên liệu hóa thạch, bao gồm: xe thuần điện, xe Hybrid, xe Hybrid điện, xe chạy nhiên liệu Hydro, xe chạy nhiên liệu Hydro điện.

Theo Bộ GTVT, cho đến nay, QCVN 09 áp dụng được 8 năm đã phát sinh một số vấn đề mới cần phải xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp để tăng cường kiểm soát chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô, bảo đảm hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô.

Bên cạnh đó, xe ô tô sử dụng nhiên liệu hóa thạch là một trong những nguồn phát thải khí nhà kính gây biến đổi khí hậu toàn cầu.

Hiện nay, Chính phủ các quốc gia đều có xu hướng chung là tích cực thay đổi các chính sách để đầu tư phát triển xe ô tô sử dụng điện, năng lượng xanh và xây dựng kế hoạch loại bỏ phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Nằm trong xu hướng chung của thế giới, Việt Nam hiện đang phát triển nhanh các loại xe ô tô sử dụng điện, năng lượng xanh; phát triển các loại xe Hybrid, phương tiện giao thông thông minh.

Do vậy, cần rà soát cập nhật, bổ sung quy định đáp ứng nhu cầu phát triển công nghệ phương tiện, bảo đảm công tác quản lý nhà nước về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với các loại xe sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới tại Việt Nam.

Các quốc gia đều có xu hướng chung là tích cực thay đổi các chính sách để đầu tư phát triển xe ô tô sử dụng điện, năng lượng xanh. 

Trong những năm qua, Việt Nam đã tham gia ký kết các hiệp định thương mại tự do với các khối quốc gia Châu Âu (EVFTA), Vương Quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA), Châu Á - Thái Bình Dương (APEC), hay khối ASEAN. Việc tham gia các hiệp định cần thiết phải xây dựng, hài hòa các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để bảo đảm tính an toàn và hài hòa với mặt bằng kỹ thuật phương tiện chung của thế giới.

Sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến yêu cầu kỹ thuật; phương pháp kiểm tra, thử nghiệm; mở rộng thừa nhận kết quả thử nghiệm, chứng nhận theo thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Bên cạnh đó, Dự thảo Thông tư cũng quy định thêm về xe thông minh, bao gồm: xe tự động và xe tự hành. Theo Bộ GTVT, việc mở rộng quy định nhằm đáp ứng thực tiễn của Việt Nam về nhu cầu sử dụng loại phương tiện này và theo định hướng chiến lược phát triển giao thông vận tải Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ.

Thực tế trong hệ thống Quy chuẩn kỹ thuật (QCVN), hiện chỉ có 5 QCVN dành riêng cho xe điện, gồm: QCVN 68/2013/BGTVT và Sửa đổi 1:2015 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xe đạp điện: QCVN 75:2019/BGTVT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Động cơ sử dụng cho xe đạp điện; QCVN 76: 2019/BGTVT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Ắc quy sử dụng cho xe đạp điện; QCVN 90: 2019/BGTVT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Động cơ sử dụng cho xe mô tô, xe gắn máy điện; QCVN 91: 2019/BGTVT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Ắc quy sử dụng cho xe mô tô, xe gắn máy điện.

Trong đó, các QCVN chưa bao quát hết vấn đề về chất lượng, an toàn phương tiện cho người sử dụng xe mô tô, xe gắn máy và xe điện. Bên cạnh đó, số lượng xe ô tô điện ngày càng phát triển nhưng hiện tại chưa có QCVN nào cụ thể cho các dòng xe này.