Kinh tế vĩ mô

Mở lại đường bay quốc tế: Nếu chậm chân sẽ thụt lùi

Với phương châm không thể phong tỏa mãi, cần chung sống chủ động, an toàn, hiệu quả với dịch bệnh, nền kinh tế của chúng ta chắc chắn sẽ phục hồi từng bước.

Sáng 10/11, Toạ đàm trực tuyến “Cách nào mở lại đường bay quốc tế an toàn?” do Báo Giao thông tổ chức đã diễn ra với sự tham dự của các đại diện từ Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT), Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), Tổng cục Du lịch VN (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch), Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines), TCT Cảng hàng không Việt Nam (ACV).

Qua đó, các đại diện, chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến trao đổi về hai chủ đề: Đã đến lúc mở lại các chuyến bay quốc tế thường lệ chưa và Cách nào để đảm bảo phòng chống dịch?

Buổi Toạ đàm được diễn ra dưới hình thức trực tuyến

Nếu tiếp tục chậm trễ sẽ có nhiều hệ luỵ kinh tế

Phát biểu tại Toạ đàm, GS.TS Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Thành viên tổ Tư vấn của Thủ tướng cho biết, nền kinh tế của chúng ta đã chịu cú sốc giảm lớn nhất từ trước đến nay. Quý 3 sụt giảm 6,17%, ứng với quý có số ca mắc Covid-19 lớn nhất. Nền kinh tế thực sự đã chạm đáy và đang trong quá trình thoát đáy đi lên.

Hơn nữa, có thể thời gian tới, số ca mắc Covid-19 có thể vẫn cao. Nhưng số ca này trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng đã cao, hy vọng tỷ lệ tử vong sẽ thấp.

GS.TS Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Thành viên tổ Tư vấn của Thủ tướng

Dẫu vậy, với phương châm không thể phong tỏa mãi, cần chung sống chủ động, an toàn, hiệu quả với dịch bệnh, nền kinh tế của chúng ta chắc chắn sẽ phục hồi từng bước. 

Khi kinh tế phục hồi, ngành bị tác động mạnh nhất do dịch bệnh sẽ có sức bật mạnh nhất và nhanh nhất, trong đó có hàng không và du lịch. Có thể thấy rõ, mở lại đường bay quốc tế có nhiều thuận lợi cho Việt Nam, khi kinh tế thế giới đang trên đà phục hồi mạnh mẽ. 

Mặt khác, thời gian qua, đại dịch đã bào mòn hoạt động của các hãng hàng không. Nếu không có thêm dòng tiền thì sức chịu đựng của các hãng hàng không cũng chỉ có giới hạn. Điều này cho thấy cần sớm lập lại đường bay quốc tế để duy trì lợi thế cạnh tranh.

Do đó, việc khôi phục đường bay quốc tế thường lệ sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hàng không. Việc này không chỉ cần thiết với sự hồi phục của ngành hàng không mà còn là vị thế của Việt Nam và sự phục hồi của toàn bộ nền kinh tế.

Dưới góc độ đại diện cho doanh nghiệp hàng không, ông Nguyễn Quang Trung - Trưởng ban Kế hoạch và Phát triển Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines bày tỏ: “Đúng là các hãng hàng không và các công ty lữ hành, du lịch trong nước đang vô cùng sốt ruột bởi hai lý do”.

Ông Nguyễn Quang Trung - Trưởng ban Kế hoạch và Phát triển Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines

Thứ nhất, gần như tất cả các hãng đang trong giai đoạn vô cùng khó khăn, nếu tiếp tục đóng cửa, thị trường sẽ không có.

Nếu tiếp tục duy trì trong thời gian dài nữa, nhiều doanh nghiệp sẽ biến mất trên thị trường. Khi chúng ta mở cửa trở lại, năng lực cạnh tranh sẽ rất yếu so với các doanh nghiệp nước ngoài và khả năng phục hồi lại của thị trường cũng sẽ chậm hơn so với các doanh nghiệp lớn, lâu năm.

Thứ hai, xét về cạnh tranh của quốc gia, cạnh tranh điểm đến so với các nước trong khu vực cũng sẽ bị ảnh hưởng, nếu chúng ta chậm chân hơn trong khu vực của chúng ta như các nước Singapore, Thái Lan đã mở cửa khai thác thường lệ và đặc biệt phục vụ cho khách đi đến Thái Lan và Singapore.

Việc chúng ta chậm triển khai các bước mở cửa lại cho khách du lịch sẽ dẫn đến cạnh tranh điểm đến của Việt Nam thời gian tới sẽ bị ảnh hưởng.

Mở lại cần theo lộ trình hợp lý

Các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp đồng tình, hiện đã là “thiên thời địa lợi”, các yếu tố khách quan và chủ quan đã tạo dựng nên luận điểm cho rằng đây là thời điểm phù hợp mở lại đường bay quốc tế.

Tuy nhiên, theo ông Võ Huy Cường - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, việc triển khai lại đường bay quốc tế cần chia làm 3 giai đoạn cụ thể.

Ông Võ Huy Cường - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam

Theo đó, giai đoạn một là cực kỳ quan trọng, chúng ta cần có thỏa thuận song phương các nước mà chúng ta dự kiến mở đường bay, thống nhất về tần suất, số hãng tham gia khai thác, cách khai thác, thống nhất quy trình cách ly sau nhập cảnh.

Điều đó rất quan trọng để tạo niềm tin cho cộng đồng thế giới rằng Việt Nam đã từng bước kiểm soát tốt dịch bệnh và công dân có điều kiện rất quan trọng để về nước thuận lợi hơn.

Thứ hai, chúng ta đã có quyết định thí điểm mở lại du lịch quốc tế. Đây là giai đoạn để đánh giá thực tiễn, có thể ứng xử với những trường hợp có hành khách là người nhiễm bệnh nhập cảnh.

Kế hoạch đã được chuẩn bị rất chu đáo suốt từ tháng 5 đến nay, Bộ VH, TT và DL cùng các bộ ngành, địa phương và sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, đã ban hành hướng dẫn cụ cụ thể.

Sau đó, giai đoạn tiếp theo là mở cửa từng bước, trong đó có những thị trường trọng điểm mà chúng ta quan tâm bởi năng lực chống dịch của họ cũng tương đồng với chúng ta, như: Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Lan, Nga... 

Tất nhiên sẽ có những quy định cụ thể phòng chống dịch theo đúng quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế và Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch. Và cuối cùng, mới hy vọng mọi thứ trở lại bình thường.

Phân tích về lộ trình thực hiện, ông Trần Thọ Đạt nhận định, khác với thời gian trước đây, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta hiểu biết nhiều hơn về virus, cách lây nhiễm, điều trị cho bệnh nhân và hạn chế phát tán. 

Như vậy, chúng ta đủ điều kiện cần thiết về y tế, kinh tế để nối lại đường bay quốc tế. Chủ trương của Cục Hàng không VN khởi động đường bay này càng sớm càng tốt là một hướng đi đúng.

Phương châm của chúng ta là linh hoạt, chậm nhưng chắc, chúng ta phải chung sống với Covid-19. Chúng ta không thể có nguồn lực dự trữ để có thể đóng cửa mãi được.

Việc chia giai đoạn mở lại đường bay quốc tế như vậy là đủ thận trọng, đủ cần thiết, cần có lộ trình, quy định, quy trình để mở cửa là chắc chắn, tránh tối đa tình huống mở ra lại đóng lại