Toàn cảnh

Mở lại các đường bay quốc tế, thu hút nhà đầu tư vào Việt Nam trong bối cảnh dịch covid-19

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, về việc mở lại các đường bay quốc tế, đây là điều tất yếu phải làm nhưng phải kiểm soát chặt chẽ, không được để dịch bệnh lọt vào cộng đồng. Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương hướng dẫn chi tiết các biện pháp phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn cho người dân, các chuyên gia, nhà ngoại giao, nhà đầu tư.

Tiếp tục mở rộng các chuyến bay quốc tế

Liên quan đến việc tiếp tục mở rộng các chuyến bay quốc tế, tại phiên họp báo Chính Phủ thường kỳ tháng 9/2020 chiều 2/10, Thứ trưởng bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết: Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ và ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống covid-19 đã có nhiều chỉ đạo, gần đây nhất Chính phủ đã giao bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan mở các chuyến bay quốc tế từ Việt Nam tới các nước. Việc khơi thông các đường bay quốc tế có tác động lớn tới phát triển kinh tế đất nước vì sẽ đưa các chuyên gia, các nhà đầu tư tới Việt Nam.

Các chuyến bay quốc tế đã được mở lại

Với chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ, bộ GTVT đã giao cục Hàng không Việt Nam làm việc với nhà chức trách hàng không của các nước. Chúng ta đều biết việc mở lại các đường bay dựa trên cơ sở phòng chống dịch không phải riêng của Việt Nam mà còn của các nước mà hãng hàng không có thể đến, do đó cần có sự thống nhất chung giữa các quốc gia. Chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành (bộ Ngoại giao, bộ Công an, bộ Y tế) về việc mở lại các đường bay này.

Theo đánh giá của bộ GTVT, việc mở các đường bay sẽ theo lộ trình và theo thứ tự ưu tiên. Các nước được ưu tiên sẽ là các địa bàn kiểm soát dịch tốt, cụ thể ở đây là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Lào, Campuchia…, để có thể trao đổi các chuyến bay trên cơ sở kiểm soát dịch tốt. Hiện tại, với các địa bàn Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, bộ GTVT có đưa ra phương án 1-2 chuyến bay/tuần, có sự thống nhất giữa các bộ ngành đối với quy định về các đối tượng được bay, cách kiểm dịch cũng như cách ly giao về địa phương.

Đại diện bộ GTVT cũng thông tin thêm, theo phân công, bộ GTVT có nhiệm vụ trao đổi với các nhà chức trách hàng không để kết nối các chuyến bay cũng như thảo luận hướng bay, thống nhất phương thức kiểm dịch của các chuyến bay đến-đi… Việc tổ chức cách ly được giao cho các địa phương thực hiện. Đối với một số vướng mắc nhất định hiện nay, bộ GTVT sẽ cùng các bộ, ngành tiếp tục kiện toàn lại việc cách ly vì hiện nay tần suất 1-2 chuyến/tuần đang là tương đối lớn đối với khả năng cách ly của các địa phương, cũng như thống nhất về chi phí cách ly của các đơn vị lưu trú tại địa phương.

Như vậy, có thể thấy việc mở thành công các chuyến bay quốc tế đầu tiên sẽ là tiền đề để mở các chuyến bay tiếp theo tới Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan cũng như thống nhất cách bay, công tác cách ly trong thời gian tới.

Thu hút đầu tư nước ngoài

Mới đây bộ Ngoại giao cho biết, có 126 nhà đầu tư là các tập đoàn lớn trên thế giới có mong muốn chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam.

Liên quan đến câu hỏi của PV tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2020 về việc có những tập đoàn tên tuổi nào đáng chú ý nào đầu tư vào Việt Nam, Thứ trưởng bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết: “Về tên của các nhà đầu tư cụ thể, bộ KH&ĐT xin phép không nêu tên vì lý do bảo mật thông tin cũng như giữ cho các nhà đầu tư trong kế hoạch sắp tới của mình. Đây cũng nhằm thể hiện sự tôn trọng của Việt Nam với các nhà đầu tư trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay”.

Cũng theo Thứ trưởng bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, về mặt thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh dịch covid-19 và xu hướng dịch chuyển đầu tư trên thế giới, trong đó có sự dịch chuyển trụ sở sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn lớn, Việt Nam được quốc tế đánh giá là điểm đến hấp dẫn, được các nhà đầu tư quan tâm vì sự ổn định chính trị, kinh tế vĩ mô, vị trí địa lý, điều kiện đất đai môi trường, nhân lực…

Từ đầu năm đến nay, bộ KH&ĐT đã tổ chức một số cuộc xúc tiến đầu tư trực tuyến với các đối tác khu vực châu Á (Nhật Bản, Singapore) hay châu Âu (Pháp). Qua các cuộc xúc tiến đầu tư này, rất nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm đến việc đầu tư tại Việt Nam, họ đều bày tỏ sự quan tâm tới các định hướng thu hút đầu tư của Việt Nam trong thời gian tới, thể hiện trong nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về việc thu hút các dự án quy mô lớn, thân thiện môi trường, có tác động lan toả, công nghệ hiện đại, có kết nối với doanh nghiệp Việt Nam…

Cùng với chính sách Thủ tướng Chính phủ vừa cho phép mở lại một số đường bay quốc tế để đón các chuyên gia tới Việt Nam trong bối cảnh covid-19, chúng tôi rất kỳ vọng cuối năm nay, đặc biệt là năm 2021, sẽ có nhiều nhà đầu tư đến Việt Nam để hiện thực hoá việc dịch chuyển của mình.

Hương Lan