Sự kiện

Mở đợt cao điểm kiểm tra giao thông: CSGT sẽ tập trung những lỗi nào?

CSGT sẽ phối hợp cùng các đơn vị khác tập trung lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật thực hiện cao điểm.

Ngày 10/1, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) thông tin, Bộ Công an vừa ban hành kế hoạch cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông và trật tự xã hội trên các tuyến giao thông dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn và các lễ hội đầu Xuân 2024. Kế hoạch diễn ra từ nay đến ngày 9/3.

Theo đó, CSGT sẽ phối hợp cùng các đơn vị khác tập trung lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật thực hiện cao điểm. Mục tiêu là phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT), nhất là các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng.

Hạn chế ùn tắc giao thông, phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm trên các tuyến giao thông; hỗ trợ, phục vụ nhu cầu đi lại, vui chơi, lễ hội trong dịp cuối năm, tết Dương lịch, tết Nguyên đán Giáp Thìn và các lễ hội đầu Xuân 2024 của người dân.

Trên đường bộ, CSGT toàn quốc tập trung xử lý các hành vi vi phạm về nồng độ cồn, ma túy, vi phạm tốc độ, đi sai phần đường, làn đường; tránh, vượt, dừng, đỗ sai quy định; xe cơi nới thành thùng, chở hàng quá tải, quá khổ; chở quá số người quy định; đón, trả khách không đúng nơi quy định...

Đối tượng tập trung kiểm tra, xử lý là xe kinh doanh vận tải hàng hóa, hành khách tại các tuyến cao tốc, quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường đô thị, đường giao thông nông thôn.

Trên đường thuỷ, cảnh sát tập trung vào các đối tượng vận tải hàng hóa, hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản, vận tải hành khách ngang sông; các điểm có hoạt động du lịch, lễ hội, vui chơi, giải trí trên đường thủy nội địa...

Trên các tuyến đường sắt phối hợp với ngành đường sắt tổ chức kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân gây mất an toàn giao thông đường sắt, nhất là tại các đường ngang, lối đi tự mở. Ngoài ra, nắm tình hình bán vé tàu tết và kế hoạch chạy tàu tết để chủ động phối hợp bảo đảm tốt trật tự, an toàn tàu, ga và tính mạng, tài sản của hành khách.

CSGT cũng sẽ kịp thời huy động lực lượng phối hợp tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông thông suốt, hạn chế ùn tắc giao thông, nhất là trên các trục chính ra vào Hà Nội và Tp.HCM, các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm...

Đáng chú ý, lực lượng chức năng sẽ tăng cường đấu tranh, phòng chống tội phạm và đua xe trái phép trên những tuyến, địa bàn trọng điểm; tập trung vào các hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, khai thác cát, sỏi trái phép....

Đồng thời, qua hoạt động tuần tra kiểm soát và phối hợp với các đơn vị chức năng, kịp thời phát hiện và bắt giữ các loại tội phạm.

Trong năm 2023, toàn quốc xảy ra 22.067 vụ tai nạn giao thông

Thông tin từ Uỷ ban ATGT Quốc gia về tình hình tai nạn giao thông, trong năm 2023, toàn quốc xảy ra 22.067 vụ tai nạn giao thông, làm chết 11.628 người, bị thương 15.292 người. So với cùng kỳ năm 2022 số vụ giảm 1.285 vụ (-5.5%), giảm 1.922 người chết (-14.18%), tăng 660 người bị thương (+4.51%).

Trong đó, đường bộ xảy ra 21.880 vụ, làm chết 11.498 người, bị thương 15.255 người. So với cùng kỳ năm trước giảm 1.292 vụ (-5.58%), giảm 1.891 người chết (-14.12%), tăng 657 người bị thương (+4.5%). Trong đó, có 34 vụ đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên đường bộ, làm chết 118 người, bị thương 77 người (phân tích nguyên nhân TNGT tại phụ lục số 02 kèm theo).

Đường sắt xảy ra 124 vụ, làm chết 97 người, bị thương 27 người. So với cùng kỳ năm trước không tăng, không giảm về số vụ (0%), tăng 3 người chết (+3.19%), giảm 1 người bị thương (-3.57%).

Đường thuỷ xảy ra 57 vụ, làm chết 31 người, bị thương 10 người. So với cùng kỳ năm trước tăng 8 vụ (+16.33%), giảm 24 người chết (-43.64%), tăng 4 người bị thương (+66.67%).

Hàng hải xảy ra 6 vụ, làm chết 2 người, bị thương 0. So với cùng kỳ năm trước giảm 1 vụ (-14.29%), giảm 10 người chết và mất tích (-83.33%), số người bị thương không thay đổi.

Về lĩnh vực hàng không dân dụng về số liệu thống kê sự cố có nguy cơ uy hiếp an toàn hàng không (tính từ ngày 16/12/2022 đến ngày 15/12/2023) đã nhận được 349 báo cáo an toàn bắt buộc, xảy ra 1 tai nạn, 104 sự cố có nguy cơ uy hiếp an toàn (2 mức B, 5 mức C và 97 mức D). Trong đó vụ tai nạn nghiêm trọng nhất xảy ra liên quan đến tàu bay trực thăng BELL 505 ngày 5/4/2023 tại khu vực biển giáp ranh xã Gia Luận, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng khiến 5 người thiệt mạng (bao gồm 1 phi công và 4 hành khách) và hỏng 1 trực thăng.

Có 33 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết do TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2022, trong đó 11 địa phương giảm trên 20% số người chết là: Thừa Thiên - Huế, Lai Châu, Kiên Giang, Hà Tĩnh, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Hòa Bình, Đà Nẵng, Bến Tre, Điện Biên, trong đó đặc biệt Thừa Thiên - Huế giảm trên 30% số người chết do TNGT.

Tuy nhiên, vẫn còn 28 địa phương có số người chết do TNGT tăng so với cùng kỳ năm 2022, trong đó 12 tỉnh tăng trên 30% là Hưng Yên, Lạng Sơn, KonTum, Trà Vinh, Sơn La, Nam Định, Long An, Phú Thọ, Hải Phòng, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Tây Ninh. Trong đó, có 6 tỉnh có số người chết tăng trên 80% trở lên là: Long An, Phú Thọ, Hải Phòng, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc và Tây Ninh.

Ùn tắc giao thông vẫn xảy ra 130 vụ, tăng 52 vụ (+40%) so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân được đưa ra là do tai nạn giao thông 81 vụ (chiếm 62,31%), sạt lở đất đá 23 vụ (chiếm 17,69%), mưa ngập 8 vụ (chiếm 6,15%), lưu lượng phương tiện tăng cao 7 vụ (chiếm 5,38%), sự cố phương tiện 3 vụ (chiếm 2,31%), thi công công trình đường bộ 3 vụ (chiếm 2,31%), tổ chức giao thông không hợp lý 1 vụ (chiếm 0,77%); nguyên nhân khác 4 vụ (chiếm 3,08%).

Theo đánh giá của Uỷ ban ATGT Quốc gia, tình trạng chống người thi hành công vụ trong công tác bảo đảm TTATGT diễn ra phức tạp, có xu hướng gia tăng, với tính chất mức độ ngày càng nghiêm trọng, liều lĩnh, thể hiện sự coi thường kỷ cương, pháp luật, làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự của cán bộ, chiến sỹ khi thi hành công vụ.

Trên cả nước xảy ra 79 vụ người vi phạm luật giao thông chống người thi hành công vụ, làm 1 đồng chí công an hy sinh, 44 đồng chí bị thương; bắt giữ 79 đối tượng. So với cùng kỳ năm 2022 tăng 53 vụ (+203,85%). Công an các địa phương đã xử lý hình sự 36 vụ, xử lý hành chính 02 vụ, hiện đang tiếp tục điều tra 41 vụ.

Tình trạng đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng, gây rối TTCC tình trạng thanh thiếu niên tụ tập chạy xe phóng nhanh, lạng lách, gây mất trật tự công cộng và đua xe trái phép tại một số địa phương diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều phương tiện, độ chế tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông.

Lực lượng chức năng đã phát hiện 142 vụ với 2.140 đối tượng có hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng, chạy xe thành đoàn với tốc độ cao, có dấu hiệu đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng, tạm giữ 1.682 phương tiện. Đã xử lý hình sự 35 vụ với 210 đối tượng. So với cùng kỳ năm 2022, tăng 27 vụ (+23,48%).

T.M