Kinh tế vĩ mô

Mở cửa du lịch: Đi đúng hướng để đón thời cơ và mục tiêu dài hạn

Trong bối cảnh đại dịch, du lịch Việt Nam đang đi đúng hướng với việc thích ứng, linh hoạt chung sống với Covid-19, tăng độ uy tín đối với du khách quốc tế.

Có 153.000 lượt khách bay quốc tế từ đầu năm

Theo thống kê từ Cục Hàng không, kể từ thời điểm 1/1 thí điểm nối lại các đường bay quốc tế đến ngày 14/2, Việt Nam đã có 153.000 lượt khách bay quốc tế thường lệ đi/đến.

Cụ thể, trước khi mở lại các đường bay quốc tế thường lệ, trung bình khách quốc tế đi/đến Việt Nam khoảng 40.000-50.000 lượt khách/tháng. Kể từ thời điểm thí điểm mở lại các đường bay quốc tế từ tháng 1, lượng khách quốc tế đi/đến Việt Nam tăng lên hơn 103.000 lượt khách trong tháng 1 và cập nhật đến hết ngày 14/2 là 153.000 lượt khách.

Cũng theo Cục Hàng không, Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways và Pacific Airlines đã mở lại các đường bay thường lệ đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Thái Lan, Campuchia, Lào, Australia, Đức, Anh, Pháp, Nga và Mỹ. Có khoảng 23 hãng hàng không quốc tế đã nối lại đường bay thường lệ tới Việt Nam.

Du khách quốc tế vẫn luôn đánh giá cao sức hấp dẫn, an toàn của các điểm đến Việt Nam. Ảnh: Báo Chính phủ. 

Đối với Trung Quốc, các hãng hàng không vẫn đang thực hiện chở khách chiều từ Trung Quốc vào Việt Nam. Còn chiều từ Việt Nam đi Trung Quốc đang hạn chế do chính sách phòng chống dịch Covid-19 của nước này. Theo thông tin của Tổng cục Hàng không dân dụng Trung Quốc, hiện nay Trung Quốc tập trung thực hiện công tác phòng chống dịch nghiêm ngặt, trong đó tiếp tục áp dụng các biện pháp kiểm soát đối với các chuyến bay quốc tế.

Nhà chức trách hàng không Việt Nam nhận định với việc gỡ bỏ các hạn chế đối với hoạt động vận chuyển hành khách trên các chuyến bay thường lệ và không thường lệ quốc tế, dự kiến lượng khách quốc tế đi/đến Việt Nam tăng mạnh trong giai đoạn tới và mục tiêu dần khôi phục trở lại như giai đoạn trước dịch Covid-19.

Liên quan đến tình hình vận chuyển vận chuyển nội địa, giai đoạn Tết Nguyên đán vừa qua, Cục Hàng không cho biết nhu cầu đi lại của người dân tăng đột biến, vượt dự báo.

Tại một số thời điểm đã có hiện tượng ùn tắc do quá tải, đặc biệt tại Tân Sơn Nhất. Bên cạnh đó, yếu tố thời tiết bất thường ảnh hưởng tới việc cất hạ cánh vào một số thời điểm trong Tết tại các cảng hàng không phía Bắc như Vinh (tỉnh Nghệ An), Thọ Xuân (tỉnh Thanh Hóa), Nội Bài (Hà Nội) gây gián đoạn hoạt động, điều chỉnh lịch bay, ảnh hưởng không nhỏ tới việc đi lại của hành khách và hoạt động của cả dây chuyền hàng không.

“Đây là tín hiệu đáng mừng của ngành hàng không nói riêng và của cả nước nói chung. Điều này chứng tỏ toàn xã hội đã có bước thích ứng linh hoạt theo đúng chủ trương bình thường mới của Chính phủ khi mật độ tiêm vắc-xin được phủ rộng, ý thức phòng chống dịch của người dân được nâng cao”, Cục Hàng không nhận định.

Cục Hàng không kỳ vọng việc gỡ bỏ hạn chế sẽ giúp lượng khách bay quốc tế tăng mạnh, dần khôi phục trở lại mức trước dịch Covid-19. Ảnh: Zing News. 

Sáng 17/2, Cục Hàng không đã phát hành điện văn qua đường hàng không (NOTAM) để thông báo tới các hãng hàng không, nhà khai thác tàu bay trên toàn thế giới việc Việt Nam dỡ bỏ toàn bộ các hạn chế về việc vận chuyển hành khách bằng đường hàng không.

Theo đó, các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài được phép khai thác với tần suất, đường bay giữa Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ trên cơ sở các thỏa thuận tại hiệp định hàng không song phương, đa phương đã ký kết.

Cục Hàng không cũng gửi thư trực tiếp tới các nhà chức trách hàng không của các quốc gia, vùng lãnh thổ nằm trong danh sách thị trường bay thí điểm trong giai đoạn đầu và từ ngày 15/2 là tất cả thị trường mà các hãng đã khai thác trước Covid-19 để khôi phục các đường bay quốc tế thường lệ chở khách đến Việt Nam. Hành khách khi nhập cảnh Việt Nam trên các chuyến bay quốc tế thực hiện các quy định hiện hành về nhập cảnh và phòng chống dịch.

Mở cửa du lịch an toàn, bền vững 

Theo Báo Chính phủ, trong bối cảnh du lịch quốc tế đóng băng do ảnh hưởng của đại dịch, du lịch Việt Nam vẫn duy trì các hoạt động truyền thông quảng bá trực tuyến trên website Vietnam.travel và các trang mạng xã hội, đảm bảo duy trì nhận biết thương hiệu, nhắc nhớ với du khách quốc tế về một Việt Nam "an toàn, hấp dẫn" và khơi dậy cảm hứng đi du lịch của du khách quốc tế.

Hiện tại, nhiều địa phương, doanh nghiệp kinh doanh du lịch đã chủ động lên các phương án để sẵn sàng đón khách quốc tế khi có chủ trương mới. Tuy nhiên, việc đón khách quốc tế vẫn gặp không ít khó khăn, do quy định đón khách theo hướng dẫn cũ không còn phù hợp, như chính sách thị thực (visa), quy định lựa chọn doanh nghiệp lữ hành, quy định cách ly du khách...

Các đơn vị kinh doanh, lữ hành mong muốn các địa phương cần có sự thống nhất về chính sách, cách thức đón khách, tránh gây khó khăn cho doanh nghiệp và du khách. Bên cạnh đó, các địa phương cần hỗ trợ doanh nghiệp du lịch kết nối với nhau cùng xây dựng chuỗi dịch vụ chất lượng, an toàn.

Do đó, theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, để mở cửa đón khách du lịch quốc tế đảm bảo an toàn, hiệu quả, cần ban hành hướng dẫn thủ tục nhập xuất cảnh, đảm bảo an toàn y tế tại các cửa khẩu quốc tế và triển khai thống nhất trên toàn quốc, phù hợp với việc mở cửa đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Tăng cường đàm phán nhằm gia tăng số lượng các quốc gia và vùng lãnh thổ công nhận giấy chứng nhận tiêm chủng - "hộ chiếu vắc-xin" của Việt Nam để phục vụ đưa khách đi du lịch nước ngoài trong điều kiện bình thường mới. Gia tăng tần suất, kết nối các đường bay thương mại quốc tế thường lệ phục vụ khách du lịch, nhất là các đường bay kết nối trực tiếp từ các thị trường quốc tế gửi khách đến các điểm đến du lịch hàng đầu của Việt Nam.  

Cơ quan quản lý du lịch các cấp, các địa phương, điểm đến du lịch tăng cường truyền thông, xúc tiến quảng bá, phát triển sản phẩm, đảm bảo an ninh, an toàn, có phương án và chủ động xử lý sự cố y tế phát sinh. Các hiệp hội, doanh nghiệp du lịch chủ động, tích cực nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển sản phẩm mới, tăng cường liên kết, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch.

Hướng đến mục tiêu đón 18 triệu du khách quốc tế năm 2026

Đó là mục tiêu Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đặt ra trong Chương trình phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2022 – 2026 trình Thủ tướng Chính phủ.

Chương trình phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2022-2026 gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 2022-2023 phấn đấu phục hồi được khoảng 8-9 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (bằng 45-50% so với năm 2019); 65-70 triệu lượt khách du lịch nội địa (bằng 75-80% so với năm 2019) và tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 400-450 nghìn tỷ đồng (bằng 50-55% so với năm 2019). Giai đoạn này sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, cộng đồng tham gia kinh doanh du lịch đẩy nhanh phục hồi…

Giai đoạn này sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, cộng đồng tham gia kinh doanh du lịch đẩy nhanh phục hồi hoạt động kinh doanh. Phát triển sản phẩm du lịch mới đảm bảo an toàn đối với dịch bệnh, phù hợp với nhu cầu, xu hướng thị trường trong và sau đại dịch. Tăng cường hoạt động truyền thông và xúc tiến, quảng bá du lịch tại các thị trường trọng điểm trong nước và quốc tế, phù hợp với xu hướng mới của thị trường để nhanh chóng phục hồi lượng khách du lịch quốc tế và nội địa.

Du khách đã tấp nập đi dâng hương, thắp lễ tạo nên khung cảnh nhộn nhịp sau thời gian dài chùa Hương phải tạm dừng đón khách để phòng dịch. Ảnh: Phạm Trọng Tùng. 

Giai đoạn 2024-2026, sẽ phấn đấu đến năm 2025 đạt khoảng 15-16 triệu lượt khách du lịch quốc tế (bằng 40-45% so với chỉ tiêu chiến lược đề ra); khoảng 75-80 triệu lượt khách du lịch nội địa (bằng 60-65% so với chỉ tiêu chiến lược); tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 680-780 nghìn tỷ đồng (bằng 40-45% so với chỉ tiêu chiến lược). Trong giai đoạn này sẽ ưu tiên huy động mọi nguồn lực để thúc đẩy phát triển du lịch nhanh và bền vững trong điều kiện "bình thường mới"...

Trong giai đoạn này sẽ ưu tiên huy động mọi nguồn lực để thúc đẩy phát triển du lịch nhanh và bền vững trong điều kiện "bình thường mới", phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030. Tập trung phát triển các sản phẩm du lịch chủ đạo theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, có thương hiệu và sức cạnh tranh cao; phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, khác biệt của mỗi địa phương, mỗi vùng, phù hợp với lợi thế tài nguyên du lịch.

Ưu tiên đầu tư về hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật tại các khu du lịch quốc gia thuộc các khu vực động lực phát triển du lịch; tiếp tục thu hút đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ du lịch để hình thành các cụm du lịch đồng bộ, chất lượng, có quy mô lớn, đẳng cấp quốc tế.

Hương Anh (Tổng hợp)