Xi nhan Trái Phải

Miếng ăn là miếng nhọc nhằn

Việc một nữ cán bộ ngồi ăn nhồm nhoàm trước hàng chục chiếc máy quay trong một buổi lễ nghiêm túc về mặt đạo đức thì chẳng có gì sai nhưng về hình tượng thì khó có thể chấp nhận.

Bỗng dưng một ngày cư dân mạng chia sẻ một đoạn clip ghi lại cảnh một nữ cán bộ tham gia buổi họp báo với vị trí ngồi vô cùng trang trọng nhưng lại bốc thức ăn rồi nhai nhồm nhoàm ngay trước hàng chục chiếc camera đang chĩa về phía mình.

Ăn uống là nhu cầu cá nhân của mỗi con người, việc nữ cán bộ này thưởng thức một vài miếng hoa quả được bày sẵn trên bàn cũng chẳng có gì là sai, vậy tại sao khi xem hình ảnh này tôi lại cảm thấy bất bình?

Có phải vì hành động của bà vừa sai thời gian vừa sai địa điểm? Nếu như đây là một buổi liên hoan hoặc là giờ ăn trưa thì hành động này hoàn toàn bình thường, chẳng có gì đáng nói. Tuy nhiên “hành động bình thường” của bà trong hoàn cảnh này bất bình thường đến mức những chiếc camera hiếu kỳ phải ghi lại rồi chia sẻ tràn lan trên các phương tiện truyền thông.

Mỗi con người đều có một địa vị và sức ảnh hưởng khác nhau vì vậy mỗi hành động của một cá nhân đều có những tác động nhất định dù tích cực hay tiêu cực. Do đó mỗi cá nhân cần phải cẩn trọng về hành động của mình để không làm mất hình tượng trước công chúng.

Nhớ lại câu chuyện năm 2017 khi một giáo sư, phó hiệu trưởng đại học lại tiến vào giảng đường trong trang phục áo vest và quần… soóc. Câu chuyện từng gây một làn sóng phản đối rất gay gắt. Rõ ràng vị giáo sư này ăn mặc khác biệt với một mục đích cụ thể và đã đưa ra những lời lý giải vô cùng thuyết phục nhưng cộng đồng vào thời điểm đó không cần những lý do.

Giáo sư gây bất bình khi giảng bài trong trang phục áo vest - quần soóc.

Hiểu là một chuyện nhưng chấp nhận lại là một vấn đề khác. Phương pháp của ông có thể truyền cảm đến một khóa học sinh nhưng lại vô tình gây tiếng xấu cho cả ngôi trường. Ấy vậy nên khi nhắc về ông sẽ không mấy người nghĩ đến phương pháp giảng dạy sáng tạo mà người ta sẽ gọi ông là “thầy giáo mặc quần đùi”.

Còn đối với các chính khách, thì hình ảnh lại càng quan trọng. Trước công chúng, trong các buổi họp,... họ là đại diện, là tiếng nói của nhân dân vậy nên hình ảnh của họ cũng chính là gương mặt của quần chúng. Họ được chọn bởi vì họ là những cá thể ưu tú nhất trong cộng đồng, chứ không đơn thuần do giỏi giang.

Việc một chính khách xuất hiện trong một bộ trang phục lôi thôi, có những hành động thiếu lịch sự sẽ tạo một ấn tượng xấu với những người xung quanh. Từ đó họ sẽ có đánh giá cả tập thể vì đã chọn ra một cá nhân khiếm khuyết, rằng cá nhân ưu tú nhất đã thiếu đứng đắn như thế này vậy số đông sẽ ứng xử kém đến mức nào?

Đúng là không ai hoàn hảo, tuy nhiên, chúng ta cần hạn chế những điểm yếu của mình, đặc biệt đối với các chính khách. Hoặc là khắc phục, hoặc là tránh thể hiện ra bên ngoài, để luôn xuất hiện trước công chúng với hình ảnh tinh tươm và hoàn mỹ nhất. Khi ấy thì tiếng nói của ta sẽ có thêm sức nặng, có thêm phần thuyết phục và khiến nhiều người lắng nghe hơn.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả