Môi trường

Miễn thuế hàng hóa xuất, nhập khẩu theo điều ước quốc tế

Chính phủ ban hành Nghị định 18/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Trong đó, bổ sung Điều 29a miễn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo điều ước quốc tế. Cụ thể, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được miễn thuế xuất khẩu, nhập khẩu theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Cơ sở để xác định hàng hóa được miễn thuế xuất khẩu, nhập khẩu gồm: Chủng loại, định lượng hàng hóa được quy định tại điều ước quốc tế; văn bản xác nhận của cơ quan đề xuất ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế, cơ quan quản lý chuyên ngành trong trường hợp điều ước quốc tế không quy định chủng loại, định lượng miễn thuế. Trường hợp cơ quan đề xuất ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế không phải là cơ quan quản lý chuyên ngành thì căn cứ theo văn bản xác nhận của cơ quan đề xuất ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế.

Điều 29a miễn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo điều ước quốc tế. Ảnh minh họa 

Nghị định quy định thủ tục xác nhận trong trường hợp điều ước quốc tế không quy định chủng loại, định lượng hàng hóa miễn thuế. Cụ thể, tổ chức, cá nhân sử dụng hàng hóa miễn thuế có công văn đề nghị cơ quan đề xuất ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế, cơ quan quản lý chuyên ngành xác nhận chủng loại, định lượng hàng hóa miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.


Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được công văn đề nghị, cơ quan đề xuất ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế, cơ quan quản lý chuyên ngành có văn bản xác nhận chủng loại, định lượng hàng hóa miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu gửi tổ chức, cá nhân hoặc có văn bản từ chối trong trường hợp hàng hóa đề nghị miễn thuế không phù hợp với điều ước quốc tế.
Trước khi đăng ký tờ khai hải quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu miễn thuế đầu tiên, tổ chức, cá nhân thực hiện thông báo Danh mục hàng hóa miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu cho cơ quan hải quan (Danh mục miễn thuế).
Nghị định cũng quy định Hồ sơ thông báo Danh mục miễn thuế; địa điểm thông báo, sửa đổi Danh mục miễn thuế;... Nghị định 18/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/4/2021.

Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân trong tuân thủ Luật Bảo vệ môi trường

Thủ tướng Chính phủ cũng vừa ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường với mục tiêu tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường đến nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm công tác bảo vệ môi trường; nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của người dân trong tuân thủ Luật Bảo vệ môi trường.


Kế hoạch cũng nhằm mục tiêu xác định cụ thể các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc tổ chức triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường, bảo đảm tính kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả; xác định trách nhiệm và cơ chế phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và địa phương trong việc tiến hành các hoạt động triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường trên phạm vi cả nước.

Nội dung Kế hoạch triển khai gồm: Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật Bảo vệ môi trường; tổ chức rà soát văn bản pháp luật; xây dựng, ban hành văn bản pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường.

Theo Kế hoạch, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan biên soạn tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường; chủ trì, phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường với nội dung, hình thức phù hợp đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân để hiểu rõ và thực hiện.

Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, các quy chuẩn kỹ thuật môi trường hiện hành có liên quan đến Luật Bảo vệ môi trường lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước được phân công; thực hiện theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật, các quy chuẩn kỹ thuật môi trường đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Bảo vệ môi trường trong tháng 6 năm 2021.

Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chủ trì soạn thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; Quyết định ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính; Quyết định ban hành Kế hoạch xử lý, cải tạo và phục hồi khu vực ô nhiễm môi trường đất đặc biệt nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 15 Luật bảo vệ môi trường (điểm c khoản 1 Điều 19); Quyết định ban hành tiêu chí về bảo vệ môi trường trong xây dựng và phát triển nông thôn…

Nghị định 18/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/4/2021.

P.V