Đời sống

Mẹo hay ngày Tết: Tuyệt chiêu dọn dẹp nhà sạch sẽ, đơn giản chào Tết

Phòng khách được coi là bộ mặt của ngôi nhà, chính vì vậy, hãy dành thời gian dọn phòng khách thật sạch đón Tết đến Xuân về.

Những ngày cận Tết, nhiều người lo lắng phải trang trí những gì và trang trí thế nào để phù hợp với ngôi nhà. Ngay từ bây giờ, các gia đình nên lên kế hoạch cho việc dọn dẹp nhà cửa. Để công việc này diễn ra một cách nhanh gọn, khoa học, tiết kiệm thời gian công sức, bạn nên nhớ một vài quy tắc như sau:

Luôn tạo tinh thần làm việc vui vẻ: Hãy chắc chắn rằng bạn dọn dẹp nhà cửa trong tâm thế vui vẻ và hào hứng. Có như vậy bạn mới thoải mái và tăng năng suất làm việc

Lưu ý đến cả giờ giấc khi dọn dẹp: Bạn hãy tự đặt cho mình "deadline" dọn dẹp. Chẳng hạn như: 30 phút cho phòng tắm, 1-2 tiếng cho nhà bếp, 45 phút cho phòng ngủ...

Nên dọn dẹp theo thứ tự để tránh bẩn lây: Nếu bạn ở nhà tầng có thể dọn ưu tiên từ trên xuống dưới hoặc ngược lại. Nếu ở chung cư, hãy dọn dẹp từ phòng trong ra phòng ngoài hoặc ngược lại.

Nên dọn dẹp bàn thờ gia tiên đầu tiên: Vào ngày Tết, vị trí bàn thờ sẽ trở nên đặc biệt và cần được dọn dẹp trưng bày chu đáo, chỉn chu hơn bình thường. Bởi trong quan niệm của người Việt, Tết là dịp sum vầy.

Khi lau dọn ban thờ, chú ý lau dọn từ trên cao rồi mới xuống đến thấp. Khi lau các bức tượng nên dùng khăn mềm để tránh tượng bị xước hoặc bay màu sơn, có thể dùng loại máy thổi hơi để thổi sạch các hạt bụi trong ngóc ngách. Tuy nhiên, cần tránh việc xê dịch các bức tượng, bát hương. Trong trường hợp có sự cố bất khả kháng buộc phải xê dịch thì sau đó phải làm lễ thắp hương và di chuyển về đúng như vị trí ban đầu.

Khi tỉa bớt chân hương, gia chủ sẽ rút từng chút một cho tới khi còn một số lẻ trong bát hương (thường là 3, 5, 7, 9). Số còn lại sẽ được mang đi hóa thành tro, đổ xuống sông hoặc vùi vào gốc cây. Cần lưu ý, tuyệt đối không được vứt chân hương hoặc các đồ thờ cúng khác vào thùng rác hoặc nơi ô uế.

Đặc biệt khi vệ sinh bát hương cần dùng rượu gừng hoặc nước thảo dược, khăn gạc lau sạch từ miệng bát hương trở xuống. Sau khi đã vệ sinh, sang, sửa bát hương xong đặt yên vị trên bàn thờ, gia chủ không được xê dịch bát hương nữa.

Theo Ts Vũ Thế Khanh, trên ban thờ gia tiên, ngoài hoành phi, câu đối, tượng hoặc ngai thờ, khám thờ, bài vị, ảnh, lư hương, đỉnh đồng… tùy theo hoàn cảnh có thể sắm sửa thì nhất thiết không thể thiếu những thứ sau đó là: bát hương (dùng hương thơm không hóa chất), nước tinh khiết, thanh tịnh, đèn, nến. Nơi đặt ban thờ phải thoáng khí, không gian thanh tịnh, trang nghiêm.

Sau khi dọn dẹp khu vực này nên bày trí bàn thờ đẹp đẽ được xem như để chào đón ông bà về ăn Tết cùng cháu con.

Nên giặt chăn màn: Để đón năm mới sạch tinh tươm, giặt giũ chăn mền là khâu bạn không thể bỏ qua. Hãy tận dụng những ngày trời khô ráo hoặc nếu có nắng thì càng tốt để mọi thứ được phơi khô sạch sẽ thơm tho trước Tết.

Vào dịp Tết đến, nhà nhà nô nức dọn dẹp, trang trí lại không gian sống của mình để bước sang một năm mới với nhiều hy vọng và mong ước. Ảnh minh họa.

Bếp rất quan trọng trong ngày Tết: Việc giữ cho không gian bếp sạch sẽ ngày Tết cũng giống như việc “giữ lửa” hạnh phúc cho gia đình bạn. Sẽ thật là hạnh phúc nếu trong những ngày Tết đến, xuân về, trở về với căn nhà thân yêu, bạn được đứng trong một gian bếp sạch bóng, ngăn nắp và chế biến ra những món ăn thật ngon cho cả gia đình của mình phải không nào. Đặc biệt, vào những ngày Tết, phần lớn thời gian các gia đình đều dành cho việc tiếp đón khách đến nhà mà ít có thời gian để nấu nướng và dọn dẹp căn bếp. Vậy phải dọn dẹp như thế nào để gian bếp luôn sạch đẹp vào những ngày Tết mà không phải tốn quá nhiều thời gian và công sức của bạn?

Theo đó bạn hãy bắt đầu tập ngay cho mình thói quen nấu đến đâu, dọn dẹp đến đó để giúp tiết kiệm thời gian dọn dẹp sau khi nấu. Lời khuyên là bạn nên dành riêng cho gian bếp của mình những tấm khăn lau để bạn có thể chùi ngay các vết bẩn khi chế biến thức ăn tránh việc thức ăn đóng bám lại làm việc lau chùi trở nên khó khăn.

Và trước khi bắt tay vào nấu nướng, kể cả món ăn nhanh hay món ăn cần thời gian chế biến lâu, bạn nên chuẩn bị sẵn một thau nước riêng để bỏ ngâm các đồ dùng bếp đã qua sử dụng và tranh thủ rửa chúng trong lúc chờ món ăn chín.

Dọn dẹp phòng khách sạch đẹp lung linh đón Tết: Phòng khách được coi là bộ mặt của ngôi nhà, chính vì vậy, hãy dành thời gian dọn phòng khách thật sạch đón Tết đến Xuân về! Không gian phòng khách là nơi chúng ta tiếp khách, nó còn là nơi các thành viên gia đình chúng ta sum vầy và dành thời gian cho nhau nhiều nhất. Và tất nhiên, đây cũng sẽ là căn phòng có rất nhiều thứ cần phải dọn dẹp trước khi Tết về. Với phòng khách, hãy lưu ý đến việc dọn trần nhà, lau cửa, lau sàn nhà, bàn ghế, sofa...

Nên chú ý làm theo trình tự từ trần xuống sàn. Trần nhà, góc nhà, góc trên cùng của khung cửa sổ, tường, cửa sổ, khung cửa và chân tường (tránh tình trạng, bạn dọn sàn sạch sẽ rồi mới quét trần nhà, khiến cho bụi bặm và mạng nhện trên trần rơi xuống sàn, và bạn lại mất thời gian lau dọn sàn thêm một lần nữa). 

Một mẹo nhỏ các bà nội trợ không nên bỏ qua là dùng bia để giúp gỗ trang trí sáng bóng. Đầu tiên, đổ bia vào một chiếc khăn mềm, sau đó dùng khăn lau khắp bề mặt món đồ gỗ. Cuối cùng lau khô đồ gỗ bằng một miếng vải mới, và bạn sẽ thấy độ sáng bóng của gỗ. 

Trúc Chi (theo Phụ Nữ Việt Nam, Dân Trí)