Đời sống

Mẹ con đàn nhện kẹt cứng trong hổ phách 99 triệu năm

Theo nhóm nghiên cứu, có vẻ như nhện mẹ đang canh gác bọc trứng và chăm sóc con non mới nở thì bị mắc kẹt trong nhựa cây, cuối cùng nhựa cây cứng lại thành hổ phách.

Nhóm nghiên cứu do Paul Selden, giáo sư danh dự ở khoa Địa chất học tại Đại học Kansas dẫn đầu đã phân tích hóa thạch 99 triệu năm tuổi tìm thấy ở Myanmar.

Cụ thể hóa thạch là 4 khối hổ phách được khai quật ở Tanai, ngôi làng nằm ở phía bắc Myanmar trước năm 2017. Những khối hổ phách này cung cấp bằng chứng lâu đời nhất về hành vi chăm con ở loài nhện. Dù phát hiện không gây bất ngờ bởi nhiều loài nhện ngày nay cũng có tập tính chăm con nhưng việc tìm ra bằng chứng hữu hình ở hóa thạch vẫn khiến các nhà nghiên cứu thích thú.

Nhện mẹ thuộc họ Lagonomegopidae, một họ nhện đã tuyệt chủng sống ở Bắc bán cầu trong suốt kỷ Phấn trắng. Ảnh: Đại học Sư phạm Thủ đô Bắc Kinh.

Trong 4 khối hổ phách, mẫu vật đặc biệt nhất chứa xác con nhện mẹ với một phần bọc trứng bên dưới. Bộ phận phụ ở mặt, những chiếc chân không có gai và lông thụ cảm cho thấy nó là thành viên trong họ Lagonomegopid, một họ nhện đã tuyệt chủng sống ở Bắc bán cầu trong suốt kỷ Phấn trắng (từ 145 đến 66 triệu năm trước). Tư thế bảo vệ bọc trứng của nhện mẹ là bằng chứng của hành vi chăm con. Ngoài ra, điều này cũng giúp giữ ấm cho trứng.

Các nhà khoa học còn quan sát được có tơ nhện quấn những quả trứng lại với nhau. Họ cho rằng ban đầu nhện dùng tơ để tập hợp trứng ở một chỗ sau đó mới sử dụng tơ cho mục đích khác như chăng lưới.

Ba mẫu vật còn lại chứa nhện non với số lượng lần lượt là 24, 26 và 34 con cùng ít sợi tơ nhện, vài chiếc chân và một con ong bắp cày. Chắc chắn mỗi khối hổ phách chứa một nhóm nhện non bởi những con non ở bên trong có cùng kích thước. Chúng cũng có các đặc điểm của nhện Lagonomegopid, bao gồm cặp mắt với kích thước lớn nằm ở trước đầu. Cấu tạo mắt đặc biệt của Lagonomegopid chỉ ra rằng nó là loài săn mồi tự do thay vì chăng lưới vì nhện chăng lưới thường có thị lực kém.

Các nhà khoa học suy đoán nhện mẹ đã xây tổ để bảo vệ bọc trứng và nhện non ở cùng mẹ trong tổ sau khi nở thay vì tản ra ngay lập tức. Có vẻ như mẹ con nhện đang chăm nhau thì bị mắc kẹt trong nhựa cây, sau đó nhựa cây cứng lại thành hổ phách. Nhện non bỏ mạng không lâu sau khi chui ra từ vỏ trứng. Một số bộ phận phụ nằm cạnh chúng có thể là chân của nhện mẹ.

"Các hồ sơ hóa thạch cung cấp bằng chứng vật lý về tình mẫu tử tồn tại ở các loài động vật chân đốt, nhưng rất ít bằng chứng như vậy được tìm thấy. Con cái ôm một bọc trứng với những con nhện con bên trong. Đó chính xác là cách mà nhện cái bảo vệ con non của mình", ông Paul Selden cho biết.

Theo Live Science, hiện nay, những khối hổ phách đang nằm ở Phòng thí nghiệm Tiến hóa Côn trùng và Thay đổi môi trường ở Trường Khoa học Đời sống thuộc Đại học Sư phạm Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc.

Minh Hoa (t/h)