Tài chính - Ngân hàng

MB có tân Chủ tịch HĐQT trước thềm Đại hội đồng cổ đông

Ông Lưu Trung Thái vừa được bầu giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT thay Thượng tướng Lê Hữu Đức vừa từ nhiệm vì nguyện vọng cá nhân.

Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB - Mã: MBB) vừa công bố Quyết nghị của HĐQT về việc miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT MB đối với ông Lê Hữu Đức và bầu ông Lưu Trung Thái giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2019-2024 và giao nhiệm vụ ông Phạm Như Ánh chức danh Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành.

Cụ thể, từ ngày 12/4/2023, Thượng tướng Lê Hữu Đức từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT MB trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2019 - 2024 theo nguyện vọng cá nhân và đề xuất Đại hội đồng cổ đông thông qua việc thôi tham gia HĐQT nhiệm kỳ 2019-2024.

Người kế nhiệm ông Lê Hữu Đức được HĐQT MB bầu chọn là ông Lưu Trung Thái - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc MB.

Thượng tướng Lê Hữu Đức đã dẫn dắt MB từ vị trí Chủ tịch HĐQT MB 12 năm, trải qua ba giai đoạn chiến lược của ngân hàng.

Ông Lưu Trung Thái - Tân Chủ tịch HĐQT sinh năm 1975, tốt nghiệp Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh, Đại học Hawaii, Mỹ. Ông Thái đã có hơn 26 năm gắn bó, làm việc và nắm giữ các vị trí quan trọng tại MB.

Ông Lưu Trung Thái - Tân Chủ tịch HĐQT MB.

Cùng ngày, HĐQT MB giao nhiệm vụ cho ông Phạm Như Ánh chức danh Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban Điều hành MB, đảm nhiệm quyền hạn và nhiệm vụ của Tổng Giám đốc.

Ông Phạm Như Ánh sinh năm 1980, thuộc lớp lãnh đạo trẻ của MB, có gần 20 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành tài chính, ngân hàng.

Tại MB, ông Ánh đã đảm nhiệm nhiều vị trí từ Giám đốc Chi nhánh, Giám đốc Khối, phụ trách kinh doanh Khu vực phía nam đến thành viên Ban Điều hành.

Sự kiện kiện toàn nhân sự cấp cao của MB diễn ra trong bối cảnh ngân hàng sắp tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.

Năm 2023, ngân hàng đề ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 26.100 tỷ đồng, tăng 15% so với năm trước.

Các chỉ tiêu khác MB cũng đặt mục tiêu tăng trưởng cao. Theo đó, vốn điều lệ năm 2023 dự kiến tăng 20%, lên mức 54.363 tỷ đồng. Tổng tài sản cũng tăng 14% lên 830.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, tín dụng tăng 15% lên 583.600 tỷ đồng và phù hợp với giới hạn room của Ngân hàng Nhà nước. Huy động vốn tăng trưởng lên 591.000 tỷ đồng và phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn. MB đặt mục tiêu kiểm soát tỉ lệ nợ xấu hợp nhất dưới 2% và riêng ngân hàng mẹ dưới 1,5%.

Trong năm nay, HĐQT MB định hướng tiếp tục phát triển và kiện toàn Tập đoàn Tài chính MB thông qua việc dự kiến liên doanh với đối tác có năng lực để chuyển đổi hình thức pháp lý MBCambodia (từ ngân hàng 100% vốn của MB) thành ngân hàng liên doanh tại Campuchia.

Bên cạnh đó, MB sẽ tiếp tục triển khai nhiệm vụ chính trị quan trọng là tham gia phương án nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng là một ngân hàng thương mại theo các nội dung đã được ĐHĐCĐ thông qua và các giao dịch hợp tác, hỗ trợ với ngân hàng thương mại đó để chuẩn bị cho việc MB nhận chuyển giao bắt buộc, đồng thời có thể nắm bắt cơ hội tiếp tục tăng trưởng quy mô và mạng lưới hoạt động của Tập đoàn.

Đáng chú ý, trọng tâm là tăng trưởng huy động vốn, phấn đấu duy trì top 1 ngành ngân hàng về CASA, tối ưu chi phí vốn, đảm bảo các chỉ số an toàn của Ngân hàng Nhà nước và thanh khoản toàn Tập đoàn.