Sức khỏe

Máu tiếp máu, trao truyền sự sống

Hiến máu cứu người vốn chẳng phải chuyện xa lạ, nhưng thành lập câu lạc bộ Ngân hàng máu sống để đem những giọt máu trao cho người đang cần lại là việc ít ai làm.

Ai cần máu là lên đường

Ấn tượng đầu tiên của PV Người Đưa Tin Pháp Luật về chị Phạm Thị Ngọc Ánh (TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) là nụ cười đôn hậu cùng ánh mắt luôn rạng ngời. Chị Ánh là chủ nhiệm CLB Ngân hàng máu sống tỉnh Hòa Bình, là người đã tiếp nối sự sống cho nhiều người bệnh.

Xuất thân là một cử nhân điều dưỡng, sau đó được phân về giảng dạy tại trường trung cấp Y tế Hòa Bình, hơn ai hết, chị Ánh hiểu được tầm quan trọng của việc hiến máu cứu người. “Trong quá trình giảng dạy, có vài lần trực tiếp đưa sinh viên của mình đi hiến máu cứu những bệnh nhân thiếu máu nên tôi càng hiểu, những giọt máu đối với người bệnh đang phải đứng trước thời khắc sinh tử quan trọng đến nhường nào”, chị Ánh chia sẻ.

Sau nhiều trăn trở, năm 2008, toàn bộ cán bộ giáo viên và sinh viên của trường trung cấp Y tế Hòa Bình đã cùng nhau thành lập CLB Ngân hàng máu sống với 30 thành viên dự bị sẵn sàng hiến máu trực tiếp.

Sau 8 năm giảng dạy và hoạt động tích cực tại trường, được chuyển sang công tác tại Tỉnh Đoàn và giữ vị trí Phó Chủ tịch Thường trực hội liên hiệp thanh niên Việt Nam, dù trọng trách và nhiệm vụ nặng nề hơn song chị Ánh chưa khi nào muốn ngừng đóng góp cho công cuộc hiến máu cứu người.

Với vai trò là người kết nối thanh niên, hỗ trợ cộng đồng, chị Ánh đã tiếp tục nhân rộng nghĩa cử cao đẹp của mình bằng việc thành lập nên CLB Ngân hàng máu sống tỉnh Hòa Bình mà đối tượng chủ yếu là thanh niên.

Chị Phạm Thị Ngọc Ánh trong ngày hội hiến máu.

Vì lượng máu tại CLB hầu hết được chuyển cho bệnh viện tỉnh Hòa Bình nên  chị Ánh cho hay, các tình nguyện viên đều sinh sống tại Hòa Bình. Và đặc biệt: “Nơi sinh sống của các bạn tình nguyện viên không  cách bệnh viện tỉnh quá 10 km để đảm bảo được nguồn máu nếu có bệnh nhân cấp cứu và cần máu nhanh”.

Sau vài năm hoạt động, năm 2018, nhận thấy chuẩn máu đầu vào của viện Huyết học và Truyền máu Trung ương tăng lên, chị Ánh cùng các tình nguyện viên của mình cũng đã thay đổi cách làm việc. “CLB của chúng tôi ngoài việc trực tiếp hiến máu điều trị cấp cứu còn tuyên truyền, vận động hiến máu tập trung nhằm mở rộng mô hình hiến máu ra toàn tỉnh”, chị Ánh nói thêm. 

Chia sẻ với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, chị Ánh nói điều khó khăn nhất khi thành lập câu lạc bộ là phải làm thế nào để mọi công việc được vận hành trơn tru. “Ngay từ đầu, chúng tôi đã lập danh sách có đầy đủ thông tin của các thành viên: Thông tin cá nhân, tình trạng sức khỏe, lần hiến máu gần nhất,… để nếu bệnh viện cần thì lên đường luôn”, chị Ánh cho hay.

Nhớ lại không biết bao lần vội vã đưa tình nguyện viên đến bệnh viện hiến máu rồi lại vận động những người khác hiến máu nếu số máu chưa đủ, chị Ánh kể có những lần đã quá nửa đêm, nhưng nhận được điện thoại báo cáo tình hình bệnh nhân từ bác sĩ là mọi người lại tất bật lên đường, bất kể giờ giấc.

“Có người nói tôi bán máu, nhưng tôi chẳng quan tâm”                

Chia sẻ về khoảng thời gian mới thành lập CLB, chị Ánh nói nhiều người nghe thấy cái tên “ngân hàng” đều nghĩ chị làm vì lợi nhuận. “Họ nghĩ chúng tôi bán máu để lấy tiền nhưng tôi chẳng quan tâm, bởi người thật việc thật đã trả lời cho tất cả”, chị kể.

Hơn ai hết, bản thân chị hiểu rõ việc thiện nguyện vốn rất khó khăn, nhạy cảm và không phải ai cũng có thể làm được. “Nếu chỉ có sự nhiệt tình và nhân ái thôi thì chưa đủ, theo tôi để có thể làm tốt những công việc này cần sự khoa học trong công việc và trách nhiệm, vì tập thể, vì cộng đồng”, chị Ánh nói thêm.

Vượt lên những lời gièm pha của thiên hạ, chị Ánh và các tình nguyện viên của mình vẫn miệt mài với nghĩa cử cao đẹp đó. Và cuối cùng, cuộc đời không phụ lòng người khi ý nghĩa về sự tồn tại của CLB đã được nhiều người biết đến. Mọi người hiểu công việc hiến máu cứu người của chị không cần bất cứ điều kiện gì. Vì vậy, họ yêu mến, ủng hộ CLB và đăng ký trở thành tình nguyện viên.

Nghĩa cử đẹp cứ thế mà nhân rộng, đến nay CLB Ngân hàng máu sống tỉnh Hòa Bình đã có đến 300 tình nguyện viên. Không chỉ đi hiến máu tại các bệnh viện, CLB đã tổ chức hiến máu tập trung 20 lần tại nhiều nơi khác nhau.

Ông Lê Quốc Phong, nguyên bí thư Trung ương Đoàn trao bằng khen cho chị Ánh.

Chia sẻ với PV, chị Ánh cho hay bản thân cũng đã hiến máu trên 10 lần, mỗi lần đều mang một cảm xúc khác nhau. Lần đầu tiên được các anh chị động viên rằng, mỗi giọt máu đều là một món quà với người bệnh, cần trao những món quà ý nghĩa đó cho những người cần chúng. Những lần sau, không còn bỡ ngỡ mà với chị Ánh, đó là việc chị cần làm.

Dù đã bước sang cái tuổi chuẩn bị trưởng thành khỏi các cơ quan chuyên trách của Đoàn thanh niên nhưng chị Ánh vẫn luôn muốn góp sức cho cộng đồng. Chị chia sẻ vẫn sẽ tiếp tục hiến máu đến khi hết tuổi quy định.

Đồng thời, đứa con tinh thần của chị, CLB Ngân hàng máu sống vẫn sẽ tiếp tục phát triển và duy trì nhờ sự kế thừa của các thành viên khác. “Tôi tin với sức trẻ và tài năng của mình, những thế hệ sau của CLB Ngân hàng máu sống tỉnh Hòa Bình có thể nhân rộng những nghĩa cử cao đẹp này đến với cộng đồng”, chị Ánh nói.

Sau ngần ấy năm gắn bó với công việc này, chị Ánh nói, điều khiến chị biết ơn nhất là cuộc đời đã cho chị sức khỏe để được cho đi, để được sẻ chia và giúp đỡ những mảnh đời khó khăn. “Khi mỗi giọt máu được trao đi, là khi ước nguyện được cống hiến cho cộng đồng của tôi được lấp đầy thêm một chút”, chị Ánh không giấu được vẻ tự hào.

L.T

Bằng những cống hiến của mình trong phong trào hiến máu cứu người, năm 2019, chị Phạm Thị Ngọc Ánh đã nhận bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Đặc biệt, gần đây nhất chị đã được nhận danh hiệu Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác năm 2020 do Trung ương Đoàn trao tặng.