Tiêu điểm thế giới

Mặt trăng đã "giải cứu" siêu tàu mắc kẹt ở kênh đào Suez thế nào?

Hoạt động của đội giải cứu tàu Ever Given có thể đã phải mất thêm nhiều ngày nữa nếu như ngày 28/3 vừa qua trăng không tròn.

Tàu Ever Given mắc kẹt đã gây ra sự gián đoạn lớn chưa từng có.

Thủy triều đã giúp tàu Ever Given

Con tàu chở hàng khổng lồ mắc kẹt giữa kênh đào Suez cuối cùng đã được giải cứu hôm 29/3, mang đến hy vọng một trong những tuyến hàng hải quan trọng nhất thế giới sẽ nhanh chóng phục hồi và hạn chế hậu quả của sự cố gián đoạn đã làm tê liệt hàng tỷ USD thương mại toàn cầu.

Trong vòng vài giờ sau đó, những con tàu khác đang chờ quá cảnh qua tuyến đường thủy dài 190km nối Địa Trung Hải và Biển Đỏ bắt đầu nổ máy và di chuyển trở lại sau gần một tuần chạy ì ạch.

Theo New York Times, không có hiện tượng tự nhiên nào quan trọng với phi vụ giải cứu này hơn Mặt trăng và thủy triều. Kể từ khi con tàu chứa gần 20.000 container bị mắc kẹt trong một làn đường duy nhất của con kênh, các đội cứu hộ đã phải tính toán các câu hỏi phức tạp không chỉ liên quan đến kỹ thuật và vật lý, mà còn cả khí tượng và khoa học Trái đất.

Các đội cứu hộ, làm việc trên cạn và dưới suốt 6 ngày đêm, cuối cùng được trợ giúp bởi yếu tố mạnh hơn bất kỳ cỗ máy nào khác có mặt ở hiện trường, đó là thủy triều. Theo đó, trăng tròn hôm 28/3 đã mang lại cho đội cứu hộ một khoảng thời gian làm việc đặc biệt quý giá.

“Nước biển dâng và xuống là một hiện tượng mà chúng ta luôn có thể tận dụng”, theo Dịch vụ Đại dương Quốc gia, một bộ phận của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ. “Thủy triều là sự lên xuống thường xuyên của mặt nước biển do lực hút của Mặt trăng và Mặt trời và vị trí của chúng so với Trái đất”.

Khi Mặt trăng và Mặt trời thẳng hàng - như trường hợp trăng tròn hôm 28/3 - lực hấp dẫn tổng hợp của chúng tạo ra thủy triều đặc biệt cao, còn được gọi là Thủy triều Mùa xuân. Đó là những gì vừa xảy ra ở Suez, với mực nước dâng cao hơn bình thường khoảng 45cm, giúp quá trình giải cứu tàu Ever Given trở nên dễ dàng hơn.

Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi của Ai Cập đã kỷ niệm khoảnh khắc này trên Twitter, viết rằng: "Người Ai Cập ngày hôm nay đã thành công trong việc chấm dứt cuộc khủng hoảng kẹt tàu trong kênh đào Suez bất chấp tình hình phức tạp về mọi mặt”.

Trước đó, với lo ngại hoạt động giải cứu có thể mất hàng tuần, một số tàu đã quyết định không chờ đợi, quay đầu đi quanh mũi phía Nam của châu Phi, chuyến hải trình có thể kéo dài thêm hàng tuần và tốn hơn 26.000 USD mỗi ngày cho chi phí nhiên liệu.

Mỗi chút tiến bộ trong việc di chuyển con tàu vào cuối tuần qua đều được những người công nhân trên kênh ăn mừng, với tiếng còi tàu kéo rền vang và những tiếng hò reo vang vọng trong bóng tối sa mạc.

Gia súc kêu than

Ảnh chụp các tàu đang chờ qua kênh ở Biển Đỏ.

Ca ngợi những người cứu hộ đã giải phóng con tàu chở hàng Ever Given sáu ngày sau khi nó bị mắc kẹt, người đứng đầu cơ quan quản lý kênh đào Suez Ai Cập cho biết, giao thông đã trở lại ở cả hai hướng của tuyến đường hàng hải quan trọng.

Tuy nhiên, Trung tướng Osama Rabie, Giám đốc Cơ quan quản lý kênh đào Suez, đã đưa ra con số chi phí cho sự cố này vào khoảng 12 triệu đến 15 triệu USD mỗi ngày, và cho biết một cuộc điều tra sẽ xác định ai chịu trách nhiệm chi trả.

Ông cho biết con tàu đã được di chuyển về phía Bắc đến Great Bitter Lake, nơi rộng nhất của con kênh để các thanh tra viên sẽ kiểm tra xem có bị hư hại gì không.

Theo giới quan sát, có thể chính công ty đóng tàu lớn nhất Nhật Bản, chủ sở hữu tàu Ever Given sẽ phải gánh chịu cái giá lớn nhất cho sự gián đoạn mà nó gây ra.

Ever Given, thuộc sở hữu của một công ty con của Imabari Shipbuilder, tập đoàn tư nhân được thành lập vào năm 1901, có trụ sở tại Ehime, trên đảo Shikoku phía Nam Nhật Bản. Công ty con có tên Shoei Kisen Kaisha Ltd., được thành lập vào năm 1962, có các khách hàng bao gồm các công ty ở Bỉ, Hồng Kông, Singapore và Đài Loan.

Ever Given là một trong 13 tàu container được đóng theo thiết kế của Imabari. Công ty đang đối mặt với sự cạnh tranh lớn từ các đối thủ ở Trung Quốc và Hàn Quốc, đã thành lập liên doanh với hai công ty đóng tàu khác của Nhật Bản vào năm ngoái.

Có vẻ như các tàu của hãng này đang gặp vận rủi. Một siêu tàu anh em với Ever Given là Ever Gentle đã bị hư hỏng trong một sự cố vào cuối tuần trước ở Đài Bắc, theo một báo cáo của Maritime Bulletin.

Mặc dù giải phóng tàu Ever Given bị mắc kẹt là một tin vui, nhưng vẫn còn những rủi ro khác ở phía sau.

Trong số các loại hàng hóa xuất khẩu đang chờ qua kênh đào Suez, có loại hàng hóa đang gấp rút hơn cả. Đó là hàng chục nghìn gia súc trên tàu đang cạn kiệt khẩu phần ăn.

MarineTraffic, một trang web theo dõi tàu toàn cầu cho biết, tính đến hôm 29/3, có khoảng 20 tàu trong kênh chở gia súc. Theo ước tính của Animals International, một tổ chức phúc lợi động vật, có thể có tới 200.000 con vật trên các tàu này.

Đây không phải là lần đầu tiên việc vận chuyển gia súc dọc theo tuyến đường thủy gây lo ngại. Vào năm 2019, gần như toàn bộ 14.000 con cừu trên một con tàu đến Saudi Arabia đã chết sau khi tàu bị lật bên ngoài cảng Midia ở Romania.

Ngay cả khi Ever Given được giải phóng và kênh đào Suez có thể sớm hoạt động trở lại, các nhà phân tích vận tải biển cảnh báo rằng sẽ mất thời gian khoảng vài ngày để hàng trăm con tàu đang chờ thông hành tiếp tục hành trình.

Theo Moody's Investor Service, việc đóng cửa kênh đang ảnh hưởng tới 15% năng lực vận chuyển container của thế giới, dẫn đến sự chậm trễ tại các cảng trên toàn cầu.