Kinh tế vĩ mô

Mặt hàng nào là "điểm sáng" cán mốc kim ngạch xuất nhập khẩu 100 tỷ USD?

Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đã trở thành nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất sau 9 tháng đầu năm.

Là mặt hàng có vị trí then chốt trong nền kinh tế

Theo Tổng cục Hải quan, nhóm hàng đạt quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu vượt 100 tỷ USD đầu tiên là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với 104,23 tỷ USD. Đây cũng là nhóm hàng xuất nhập khẩu đầu tiên của cả nước đạt được quy mô kim ngạch ba con số.

Đáng chú ý, sau nhiều năm đứng thứ 2 sau điện thoại và linh kiện, năm 2023, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đã trở thành nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của nước ta.

Cụ thể, hết tháng 9 xuất khẩu của nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 41,41 tỷ USD, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái; nhập khẩu đạt 62,82 tỷ USD, giảm 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, hết tháng 9 nhóm hàng này nhập siêu 21,41 tỷ USD. Các thị trường xuất khẩu chủ yếu của nhóm hàng này có thể kể đến như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, Hồng Kông (Trung Quốc)… Trong khi thị trường nhập khẩu lớn có thể kể đến là Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)…

Hết tháng 9, riêng nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện chiếm tới 21% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước.

Đặc biệt 9 tháng qua, quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 496,30 tỷ USD, giảm 11,2% (tương ứng giảm 62,78 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 258,97 tỷ USD, giảm 8,5% (tương ứng giảm 24,02 tỷ USD); nhập khẩu đạt 237,33 tỷ USD, giảm 14% (tương ứng giảm 38,76 tỷ USD).

Công nghiệp điện tử là ngành sản xuất, có vị trí then chốt trong nền kinh tế và tác động lan tỏa mạnh đến các ngành công nghiệp khác. Đồng thời là thước đo trình độ phát triển kinh tế – kỹ thuật của mọi quốc gia trên thế giới. Ngành công nghiệp điện tử Việt Nam hiện chiếm tỷ trọng 17,8% toàn ngành công nghiệp, chủ yếu sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học.

Ảnh minh họa.

Kỳ vọng trong năm 2023 "điểm sáng" ngành sản xuất điện tử, máy tính và linh kiện

Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, trong thời gian gần đây, đặc biệt kể từ khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung chính thức nổ ra đầu năm 2018 thì triển vọng phát triển của ngành sản xuất điện tử, máy tính và linh kiện được nhiều chuyên gia đánh giá là sáng sủa khi Việt Nam có cơ hội đón sóng đầu tư của các tập đoàn công nghệ lớn. Dù được đánh giá là ngành công nghiệp mũi nhọn và đạt được một số thành tựu trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đóng vai trò lớn trong xuất khẩu, nhưng thực tế, nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện Việt Nam vẫn đang dừng ở giai đoạn đầu trong chuỗi sản xuất sản phẩm điện tử và phụ thuộc phần lớn vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Thời gian qua, sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam chưa hướng mạnh vào chế biến sâu, chưa phát triển sản phẩm xuất khẩu có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, tỷ trọng sản phẩm chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng cao còn thấp. Trong 8 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 3,9%, thấp hơn mức giảm 5,1% của 5 tháng, 4,6% của 6 tháng và 4,3% của 7 tháng. Đây là một tín hiệu tích cực về sự phục hồi của sản xuất cũng như xuất khẩu sản phẩm điện tử, máy tính và linh kiện trong năm 2023, dự báo một năm tăng trưởng mạnh mẽ và đóng góp tích cực của ngành này vào sự phục hồi của cả nền kinh tế Việt Nam.

Trao đổi với TC Hải Quan, TS Phạm Tất Thắng, chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) cho rằng, cần có thêm các giải pháp hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp. Đồng thời, có thêm sự quan tâm đầu tư, xem xét ưu đãi hỗ trợ đối với các doanh nghiệp trong các công đoạn nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm sản phẩm và các chương trình xúc tiến thương mại; rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, đặc biệt là quy định cụ thể về hàng hóa xuất xứ Việt Nam; thực hiện các giải pháp nhằm mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu; tăng cường vai trò, hiệu quả của các cơ quan đại diện thương mại, của các hiệp hội ngành nghề trong xúc tiến thương mại; tìm kiếm cơ hội kinh doanh và mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp; đẩy mạnh tuyên truyền và ban hành các văn bản hướng dẫn nhằm thực hiện có hiệu quả, tận dụng các cơ hội mở rộng thị trường xuất kh ẩu và thu hút đầu tư từ các Hiệp định thương mại tự do mới được ký kết.

Trong giai đoạn từ 2011 đến 2022, nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện liên tục đạt tốc độ tăng trưởng cao. Tốc độ tăng lần lượt các năm là: năm 2019 và năm 2020 cùng tăng 22,8%; năm 2021 tăng 13,5% và năm 2022 tăng 9,7%. Bình quân cả giai đoạn 2011-2022 tăng 25,6%.

Đáng chú ý, đóng góp cho toàn nền kinh tế gần 113,5 tỷ USD trong năm 2022, tăng trưởng của ngành điện tử có tác động lớn tới hoạt động xuất khẩu cả nước. Trong đó, khối FDI xuất khẩu 112,4 tỷ USD, doanh nghiệp trong nước xuất khẩu 1,1 tỷ USD.

Khi các ngành hàng xuất khẩu lớn suy giảm xuất khẩu, mức độ ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu của toàn nền kinh tế sẽ lớn hơn. Doanh nghiệp kỳ vọng, 4 tháng cuối năm, đơn hàng sẽ cải thiện nhờ cầu tiêu dùng tại Mỹ, EU, ASEAN... phục hồi để bù đắp sự suy giảm những tháng vừa qua.

Báo cáo mới đây của VinaCapital nhận định, có những dấu hiệu cho thấy xuất khẩu của Việt Nam sẽ phục hồi trong quý 4/2023, chủ yếu do chu kỳ hàng tồn kho tại Mỹ đã chạm đáy và do nhiều tập đoàn đa quốc gia đang tăng tốc chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, theo báo Công Thương.

Trúc Chi (t/h)