Thế giới

Mặt hàng đặc biệt giúp Nga tránh được lệnh trừng phạt của Mỹ

Phần lớn các sản phẩm năng lượng xuất khẩu của Nga đã bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt của phương Tây kể từ khi xung đột nổ ra ở Ukraine, nhưng vẫn có một ngoại lệ.

Tháng 3/2022, ngay sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Tổng thống Biden đã ký một sắc lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ, khí đốt tự nhiên hóa lỏng và than đá của Nga nhằm ngăn chặn quốc gia này rót thêm tiền vào cuộc xung đột.

Mặc dù lệnh cấm này cùng với các biện pháp trừng phạt của EU được cho là nguyên nhân khiến giá năng lượng toàn cầu tăng vọt, nhưng các nhà máy lọc dầu của Mỹ cũng không phải chịu thiệt hại nặng nề nhất vì Nga chỉ cung cấp 3% lượng dầu thô nhập khẩu của Mỹ.

Tuy nhiên, giới quan sát nhanh chóng chỉ ra rằng một mặt hàng xuất khẩu đáng chú ý đã bị loại khỏi danh sách đó, chính là uranium.

Trong một thời gian dài, Mỹ đã phụ thuộc rất nhiều vào uranium của Nga. Quốc gia này nhập khẩu khoảng 14% uranium và 28% uranium được làm giàu từ Nga vào năm 2021.

Dễ bị tổn thương

Mặc dù Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi Mỹ và cộng đồng quốc tế cấm nhập khẩu uranium của Nga sau vụ Nga pháo kích gần nhà máy điện Zaporizhzhya của Ukraine, các công ty của Mỹ vẫn đang chi trả khoảng 1 tỷ USD mỗi năm cho Rosatom, cơ quan hạt nhân thuộc sở hữu nhà nước của Nga, và nhập khẩu thêm 411,5 triệu đô la uranium được làm giàu chỉ trong quý đầu tiên của năm 2023.

Số tiền 1 tỷ USD chiếm một phần đáng kể thu nhập từ nước ngoài của Rosatom, khoảng 8 tỷ USD/năm, theo The Washington Post. 

Rosatom, cơ quan hạt nhân thuộc sở hữu nhà nước của Nga, vẫn đang bán cho Mỹ khoảng 1 tỷ USD uranium mỗi năm. Ảnh: Washington Post

Đây là một trong những dòng tiền quan trọng nhất còn lại từ Mỹ đến Nga, và nó vẫn tiếp tục chảy, bất chấp những nỗ lực của các đồng minh Mỹ nhằm cắt đứt quan hệ kinh tế với Moscow. Các khoản thanh toán uranium đã làm giàu được thực hiện cho các công ty con của Rosatom, do đó, công ty này có mối liên hệ chặt chẽ với bộ máy quân sự của Nga.

Tự loại bỏ uranium của Nga là một lời kêu gọi khó khăn đối với Mỹ, bởi Nga là nơi có một trong những nguồn tài nguyên uranium lớn nhất thế giới với ước tính 486.000 tấn uranium, tương đương 8% nguồn cung toàn cầu. Ngoài ra, Nga còn là quê hương của tổ hợp làm giàu uranium lớn nhất thế giới - chiếm gần một nửa công suất toàn cầu.

Trong khi đó, khoảng một phần ba uranium làm giàu được sử dụng ở Mỹ hiện được nhập khẩu từ Nga, nhà sản xuất rẻ nhất thế giới. Phần lớn còn lại được nhập khẩu từ châu Âu. Phần cuối cùng, nhỏ hơn được sản xuất bởi một tập đoàn Anh-Hà Lan-Đức hoạt động tại Mỹ. Quốc gia này hiện cũng không có kế hoạch phát triển hoặc tìm đủ năng lực làm giàu uranium để trở nên tự cung tự cấp trong tương lai.

Sự phụ thuộc này khiến các nhà máy hạt nhân hiện tại và tương lai của Mỹ dễ bị tổn thương nếu Nga ngừng bán uranium đã làm giàu. Các nhà phân tích cho rằng Tổng thống Vladimir Putin rất có thể sẽ sử dụng chiến lược này bởi ông thường sử dụng năng lượng như một công cụ địa chính trị.

Gốc rễ sâu xa

Mặc dù cuộc xung đột đã bước sang năm thứ hai và chưa có hồi kết, chính phủ Mỹ không có vẻ sốt sắng trong việc khởi động hoạt động làm giàu uranium trong nước.  

James Krellenstein, giám đốc của GHS Climate, một công ty tư vấn năng lượng sạch gần đây đã phát hành sách trắng cho biết: “Thật không thể giải thích được là hơn một năm sau xung đột Nga - Ukraine, chính quyền Biden dường như không có kế hoạch chấm dứt sự phụ thuộc này.

“Chúng ta có thể loại bỏ gần như toàn bộ sự phụ thuộc của Mỹ vào việc làm giàu uranium của Nga bằng cách hoàn thành nhà máy máy ly tâm ở Ohio”, ông Krellenstein cho biết. Tuy nhiên, Công ty vận hành nhà máy Ohio cho biết, có thể mất hơn một thập kỷ để nhà máy này sản xuất được số lượng uranium cạnh tranh được với Rosatom.

Sự phụ thuộc của Mỹ vào uranium được làm giàu ở nước ngoài dẫn đến những bất lợi tương tự như sự phụ thuộc vào vi mạch và các khoáng chất quan trọng được sử dụng để sản xuất pin điện - hai thành phần thiết yếu của quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu.

Nhiều nhà máy làm giàu uranium của Mỹ đã phải đóng cửa sau khi Mỹ mua uranium từ Nga. Ảnh: NY Times

Tuy nhiên, trong trường hợp làm giàu uranium, Mỹ từng có lợi thế và đã chọn từ bỏ nó. Cuối thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Nga có năng lực làm giàu gần như ngang nhau, nhưng có sự khác biệt lớn về chi phí sản xuất, bởi phương pháp dùng máy ly tâm của Nga được chứng minh là tiết kiệm năng lượng gấp 20 lần so với phương pháp khuếch tán khí của Mỹ.

Năm 1993, Washington và Moscow đã ký một thỏa thuận, được đặt tên là Megatons to Megawatts, trong đó Mỹ nhập khẩu phần lớn lượng uranium cấp độ vũ khí của Nga, sau đó được hạ cấp để sử dụng trong các nhà máy điện. Điều này cung cấp cho Mỹ nhiên liệu giá rẻ và cho Moscow tiền mặt, đồng thời được coi là một động thái giảm căng thẳng giữa 2 bên. 

Việc hợp tác này buộc các cơ sở làm giàu uranium kém hiệu quả của Mỹ cuối cùng phải đóng cửa. Thỏa thuận này kết thúc vào năm 2013, nhưng thay vì đầu tư vào máy ly tâm, Mỹ vẫn tiếp tục mua uranium làm giàu từ Nga.

Nếu Mỹ tiếp tục không tham gia vào quá trình làm giàu uranium, khoảng cách giữa Washington và các đối thủ của họ sẽ ngày càng lớn hơn, khi Nga và Trung Quốc đang chạy đua để giành được các hợp đồng hạt nhân dài hạn với các quốc gia mà Mỹ đang muốn đẩy mạnh hợp tác.

Nguyễn Tuyết (Theo Oil Price, NY Times, Washington Post)