Bất động sản

Mất… 35 năm để người tốt nghiệp đại học có thể mua được 80m2 đất nền ở Củ Chi

Với mức giá như hiện nay, nếu một người tốt nghiệp đại học “ăn” lương là 2,34 nhân cho mức lương cơ bản (2019) khoảng 1,490 triệu đồng thì phải mất… 35 năm để mua được miếng đất có giá thấp nhất trong một dự án tại huyện Củ Chi, TP.HCM.

Tăng trưởng không lành mạnh

Cục Thống kê TP.HCM cho biết: “Trong 9 tháng của năm 2019, 9 ngành dịch vụ chiếm 55,4% trong GRDP của thành phố và chiếm tới 91% trong khu vực dịch vụ.

Trong đó, 4 ngành chiếm tỷ trọng cao là: Thương nghiệp (18%), vận tải kho bãi (9,7%), kinh doanh bất động sản (4,1%), tài chính ngân hàng (6,2%)”.

Trong đó, ngành kinh doanh bất động sản đạt 42.621 tỷ đồng, chiếm 4,1% trong tổng GRDP và 6,8% trong khu vực dịch vụ. 9 tháng của năm 2019, ngành kinh doanh bất động sản tăng 5,5% (cùng kỳ có mức tăng 6,4%).

Tình trạng phân lô, bán nền cũng đang diễn ra tràn lan tại huyện Củ Chi, TP.HCM.

Lý do giảm, theo phân tích của cục Thống kê TP.HCM là bởi, ngành xây dựng giảm 0,5% so với cùng kỳ và việc đầu cơ đất nền, tạo nên các cơn sốt đất tại các vùng ven đã khiến ngành kinh doanh bất động sản tăng trưởng không lành mạnh.

Thực tế, thời gian qua, tình trạng sốt bất động sản “ảo” vẫn còn diễn ra, đặc biệt là tại phân khúc đất nền.

Trong vai một người có nhu cầu mua đất, PV báo Người Đưa Tin liên hệ với người tên T. đang rao bán đất nền ở Củ Chi, với giá 1,2 tỷ đồng/nền.

Để rõ thực hư, PV tới xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi (cách trung tâm TP.HCM khoảng 35 km).

Dự án có tên Nam An City đang rao bán tràn lan.

Mặc dù khi rao đất bán, T. cho biết là mặt tiền đường Hồ Văn Tắng, thực tế khi đến xem đất thì lại đưa đến một con đường khác, cách mặt đường Hồ Văn Tắng khá xa.

Thực tế, khi PV có mặt, đất này là những mảnh đất nông nghiệp, được những người này đang tiến hành làm hạ tầng, phân lô, bán nền.

Dù vậy, với diện tích là 5 x 16,5 (82m2), những người này đang bán với giá gần 1,5 tỷ đồng/nền. Thậm chí, nền ở mặt tiền đường nội bộ phía ngoài có giá tới hơn 2 tỷ đồng/nền.

Đầu tư... gánh nợ

Theo tìm hiểu của PV, dự án nêu trên có cái tên là Nam An City do công ty TNHH Địa ốc Tây Bắc (Củ Chi) làm chủ đầu tư, còn đơn vị phân phối độc quyền là công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Trường Hải.

Điều đáng nói, thửa đất khoảng 2,5ha nhưng đang được tách tới 125 nền.

Với mức giá này, nếu một người tốt nghiệp đại học “ăn” lương là 2,34 nhân cho mức lương cơ bản (2019) khoảng 1,490 triệu đồng thì phải mất… 35 năm để mua được miếng đất có giá thấp nhất trong dự án Nam An City.

Nếu họ không sử dụng lương vào bất cứ việc gì (tính luôn việc tăng lương và trượt giá đồng tiền).

Để “che mắt” khách hàng đến xem đất, chủ đầu tư và nhà phân phối đã cho quây tôn, bạt bít bùng nghĩa trang ở ngay sát cạnh khu đất.

Tuy nhiên, điều đáng nói, dự án này nằm sát ngay cạnh là một nghĩa địa của người dân. Để “che mắt” khách hàng đến xem đất, chủ đầu tư và nhà phân phối đã cho quây tôn, bạt bít bùng.

Về vấn đề này, TS Nguyễn Đình Phú, đại học Kinh tế TP.HCM chia sẻ: “Sau khi tạo ra cơn sốt với hiệu ứng đám đông, các nhóm nhà đầu tư ban đầu sẽ lặng lẽ rút đi với số tiền thu được nhưng để lại một hậu quả rất nặng nề cho nhiều nhà đầu tư đến sau.

Thậm chí, một số nhà đầu tư do vay vốn từ các tổ chức tín dụng nên phải bán tháo để cắt lỗ, nhiều người không bán được đã bị mắc kẹt tại dự án đó”.

Vì vậy, để giảm nhiệt bất động sản nói chung và đất nền nói riêng, UBND Thành phố đã ban hành Chỉ thị 23 chấn chỉnh việc xây dựng trái phép và có động thái kiểm tra, xử phạt việc tung tin nâng giá đất, góp phần hạ nhiệt thị trường BĐS.

Bảng giá đất nền Củ Chi, một trong nhưng nơi xa nhất của TP.HCM nhưng không dành cho người... ăn lương đại học.

Trước đó, UBND TP.HCM cũng đã giao Công an TP.HCM phối hợp với UBND các quận, huyện kiểm tra, rà soát, sàng lọc các đối tượng cung cấp thông tin sai  lệch về các các dự án bất động sản, dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị…

Hoặc có dấu hiệu lừa đảo trong việc môi giới, giao dịch bất động sản và xử lý theo quy định pháp luật.

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: “Có hiện tượng tiếp tay để tăng giá đất, vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân họ sẽ tung ra các thông tin sai lệch, biến đất trở thành hàng hoá và có đường đi giống như hình thức đa cấp, khiến giá đất tại TP.HCM tăng lên”.

Từ đó, ông Tuyến khẳng định: “Giá cả đất đai là tùy thuộc vào thị trường, chính quyền TP.HCM không can thiệp bằng các công cụ hành chính.

Tuy nhiên, nó phải đúng với thực tế của thị trường, chứ không để tình trạng các nhóm lợi ích đưa thông tin ảo, tăng giá tăng giá đất để trục lợi. Và hậu quả khiến người dân có nhu cầu mua đất ở phải gánh chịu”.