Chính sách

Mạng xã hội và vai trò với công tác tư tưởng, văn hoá của Đảng

Sự phát triển của mạng xã hội đem đến những thuận lợi, thời cơ song cũng đặt ra không ít thách thức đối với vai trò và sự tồn tại của các hình thức, phương tiện… công tác tư tưởng, văn hóa truyền thống.

Sáng 26/08, khoa Tuyên truyền, học viện Báo chí và Tuyên truyền, tổ chức hội thảo khoa học “Vai trò của mạng xã hội đối với công tác tư tưởng, văn hóa của Đảng”. Các đại biểu, nhà khoa học đến từ ban Tuyên giáo Trung ương, học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, học viện Báo chí và Tuyên truyền đã tham dự và đóng góp nhiều ý kiến quý báu cho Hội thảo.

Tại đây, các đại biểu, nhà khoa học nhấn mạnh, sự phát triển của mạng xã hội đem đến những thuận lợi, thời cơ song cũng đặt ra không ít thách thức đối với vai trò và sự tồn tại của các hình thức, phương tiện… công tác tư tưởng, văn hóa truyền thống.

TS. Lương Ngọc Vĩnh, Trưởng khoa Tuyên truyền, phát biểu đề dẫn Hội thảo khẳng định vai trò quan trọng của mạng xã hội đối với công tác tư tưởng, văn hóa của Đảng hiện nay.

TS. Lương Ngọc Vĩnh - Trưởng khoa Tuyên truyền (học viện Báo chí và Tuyên truyền) 

"Mạng xã hội với tư cách là một giá trị văn hóa của nhân loại, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của cách mạng công nghệ, đã và đang tác động đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có công tác tư tưởng, văn hóa của Đảng. Vai trò của mạng xã hội đang ngày càng thẩm thấu sâu vào các lĩnh vực, hoạt động của công tác tư tưởng, văn hóa, nên rất cần có những nghiên cứu, đánh giá, nhìn nhận khoa học để phát huy hơn nữa những mặt tích cực của vai trò đó trong thực tiễn", TS Vĩnh nói.  

TS. Đào Văn Dũng, nguyên Vụ trưởng vụ Các vấn đề xã hội, ban Tuyên giáo Trung ương nêu rõ những ưu điểm và nhược điểm của mạng xã hội, khẳng định tính tất yếu và vai trò quan trọng của nó đối với công tác tư tưởng, văn hóa của Đảng hiện nay. Cần tỉnh táo trong tiếp nhận thông tin, có cơ chế quản lý phù hợp, sát sao hơn để phát huy tính tích cực, giảm thiểu tiêu cực, hạn chế, trên cơ sở tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong nhận thức về vai trò của mạng xã hội và phát huy vai trò đó một cách hiệu quả đối với công tác tư tưởng, văn hóa.

Nhấn mạnh sự phát triển ngày càng nhanh, mạnh của mạng xã hội đang đặt ra những vấn đề bức thiết và cấp bách đối với công tác tư tưởng, văn hóa của Đảng, PGS. TS. Đoàn Thế Hanh, nguyên Ủy viên Bộ Biên tập tạp chí Cộng sản, giảng viên cao cấp học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, cần đặc biệt chú ý đến tính đặc thù của từng nhóm đối tượng sử dụng mạng xã hội để có những hình thức, phương pháp công tác tư tưởng, văn hóa hợp lý, nhằm phát huy tối đa vai trò tích cực của mạng xã hội. Đảng phải không ngừng tự đổi mới, sáng tạo và tỉnh táo, tăng cường đoàn kết, lãnh đạo đề ra các chủ trương, đường lối… quản lý và phát huy vai trò của mạng xã hội hiệu quả.

PGS. TS. Đoàn Thế Hanh, nguyên Ủy viên Bộ Biên tập tạp chí Cộng sản, giảng viên cao cấp học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo.

PGS. TS. Nguyễn Thị Hương, nguyên Phó Viện trưởng viện Văn hóa và Phát triển, học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chỉ rõ mối liên hệ mật thiết giữa vai trò của mạng xã hội đối với việc thể hiện, phát huy năng lực của đội ngũ cán bộ tư tưởng, văn hóa tác động đến các nhóm đối tượng đa dạng, đặc biệt là những văn, nghệ sĩ với các đặc thù riêng về tính sáng tạo và tự do sáng tạo.

Bà Hương khẳng định, vai trò của mạng xã hội đối với công tác tư tưởng, văn hóa thể hiện ở lý luận và thực tiễn như thế nào, về thực chất, là do xuất phát từ vấn đề con người, vấn đề công tác cán bộ, nên rất cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong lĩnh vực này một cách thường xuyên, liên tục.  

Nhìn nhận dưới góc độ gắn với đào tạo các chuyên ngành của Khoa, theo PGS.TS. Phạm Huy Kỳ, nguyên Phó Giám đốc học viện Báo chí và Tuyên truyền, nội dung Hội thảo mở ra hướng nghiên cứu, đào tạo mới, gắn với tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với mạng xã hội và đội ngũ cán bộ tư tưởng, văn hóa, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức sử dụng mạng xã hội một cách đúng đắn, hợp lý.

Theo ông Kỳ, chúng ta cũng nên cập nhật hơn nữa nội dung giảng dạy về vấn đề này nhằm đào tạo được đội ngũ cán bộ tư tưởng, văn hóa vừa hồng, vừa chuyên, biết chủ động tận dụng những biến đổi không ngừng của khoa học – công nghệ phục vụ việc nâng cao chất lượng công tác tư tưởng, văn hóa của Đảng hiện nay.

PGS. TS. Đoàn Thị Minh Oanh, giảng viên cao cấp khoa Tuyên truyền cho rằng, vai trò của mạng xã hội trong công tác tư tưởng, văn hóa của Đảng thể hiện ngày càng rõ ràng, tạo sự “cạnh tranh” nhất định với vai trò của các phương tiện, công cụ công tác tư tưởng, văn hóa truyền thống. Do đó, các chủ thể làm công tác tư tưởng, văn hóa phải thường xuyên cập nhật thông tin, trau dồi kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ và kiến thức khoa học – công nghệ để có thể tận dụng thế mạnh của mạng xã hội nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này.

Trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa, sự phát triển khó lường của mạng xã hội vừa tạo ra những thuận lợi, song cũng đem đến những thách thức, khó khăn mới cho công tác tư tưởng, văn hóa của Đảng, đòi hỏi Đảng cần không ngừng đổi mới về cả hình thức, nội dung công tác tư tưởng, văn hóa để phát huy vai trò của mạng xã hội một cách hiệu quả, hợp lý.

Riêng đối với công tác đào tạo, nghiên cứu của khoa Tuyên truyền - đơn vị duy nhất trong cả nước đào tạo cán bộ tuyên giáo và nghiên cứu chuyên sâu về khoa học công tác tư tưởng với các chuyên ngành bậc đại học và sau đại học, những nội dung được bàn luận trong Hội thảo cung cấp thông tin hữu ích phục vụ việc nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học về vấn đề này. Đó là khẳng định của TS.Lương Ngọc Vĩnh trong phát biểu kết thúc hội thảo. Những ý kiến tham luận tại hội thảo cũng góp thêm tiếng nói tích cực vào sự nghiệp gìn giữ an ninh tư tưởng, văn hóa của Đảng trong giai đoạn hiện nay.

Bảo Yến