Thế giới

Mạng sống của 4 triệu người Syria ở Idlib treo trên lá phiếu của UNSC

Hàng triệu người Syria đang sống phụ thuộc vào viện trợ quốc tế do LHQ hỗ trợ chuyển giao, bao gồm “viện trợ xuyên biên giới” và “viện trợ vượt lằn ranh xung đột”.

Ông Mofeed al-Yasser giơ cao tấm biển của mình một cách đầy tự hào. Trên đó là yêu cầu rằng Nghị quyết 2254 được Liên Hợp Quốc (LHQ) nhất trí thông qua vào ngày 18/12/2015 – thường được coi là lộ trình cho quá trình chuyển đổi chính trị hướng tới hòa bình ở Syria – phải được thực hiện.

“Đây là lựa chọn duy nhất của chúng tôi”, al-Yasser, một người Syria đến từ Kafranbel đang sinh sống ở Idlib, nói với Đài DW (Đức). Hôm 6/1, ông đã tham gia một cuộc biểu tình trong khu vực.

Hơn 4 triệu người đang sống ở Idlib, một khu vực nằm ở phía tây bắc Syria. Nhiều người trong số họ giống như ông al-Yasser đã phải rời bỏ nhà cửa do cuộc Nội chiến kéo dài hơn một thập kỷ qua. Khoảng 1,7 triệu người sống trong các trại tị nạn ở khu vực này.

Hàng triệu người Syria phụ thuộc vào viện trợ quốc tế do LHQ hỗ trợ chuyển giao. Hầu hết trong số đó được phân loại là “viện trợ xuyên biên giới” – nghĩa là, dòng viện trợ đến vùng này của Syria qua biên giới quốc tế với Thổ Nhĩ Kỳ. Phần còn lại được gọi là “viện trợ vượt lằn ranh xung đột”. Điều này có nghĩa là nó vượt qua ranh giới của cuộc xung đột, di chuyển từ khu vực do chính phủ Syria kiểm soát sang khu vực do các lực lượng nổi dậy kiểm soát.

Ông Mofeed al-Yasser tham gia biểu tình cùng hàng trăm người Syria khác ở Idlib, ngày 6/1/2023. Ảnh: DW

Tháng trước, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã cảnh báo trong một báo cáo rằng tình hình nhân đạo vốn đã nghiêm trọng ở Syria đang trở nên tồi tệ hơn, đồng thời cho biết nếu các chuyến hàng viện trợ từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Idlib không được gia hạn, hàng triệu người Syria có thể không sống sót qua mùa đông.

Những chuyến xe trước giờ G

Một đoàn xe chở viện trợ nhân đạo đã tiến vào Idlib hôm 8/1, một ngày trước khi Hội đồng Bảo an LHQ (UNSC) chuẩn bị bỏ phiếu về một nghị quyết xác định xem liệu việc chuyển hàng viện trợ tới vùng lãnh thổ bị chiến tranh tàn phá này có thể được tiếp tục hay không, hãng thông tấn AP (Mỹ) đưa tin.

Nội chiến Syria, khởi phát từ tháng 3/2011, đã khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng và một nửa dân số 23 triệu người của nước này phải rời bỏ nhà cửa.

Đoàn xe gồm 18 xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo hôm 8/1 đã tiến vào khu vực Idlib thông qua tiền tuyến do lực lượng chính phủ Syria trấn giữ.

Nga, một đồng minh của Tổng thống Syria Bashar Assad, đã chuyển sang thay thế việc viện trợ nhân đạo qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria bằng các đoàn xe giống như chuyến hàng hôm 8/1, đi qua các khu vực do chính phủ kiểm soát. Trong những năm đầu của cuộc chiến, Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ mạnh mẽ quân nổi dậy Syria.

Trước đó, hôm 6/1, 14 xe tải chở hàng viện trợ đã đi từ Thổ Nhĩ Kỳ qua cửa khẩu Bab al-Hawa – kết nối đất liền duy nhất của Idlib với thế giới bên ngoài.

Hàng tháng, hàng trăm xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo đến Syria từ Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: DW

Hồi tháng 7/2022, UNSC đã thông qua nghị quyết gia hạn việc cung cấp viện trợ nhân đạo cho Idlib từ Thổ Nhĩ Kỳ cho đến ngày 10/1/2023.

UNSC hôm 9/1 sẽ bỏ phiếu đối với dự thảo nghị quyết về tiếp tục cung cấp hàng viện trợ qua cửa khẩu Bab al-Hawa đến phía tây bắc Syria trong 6 tháng, cho đến ngày 10/7/2023.

Cách tiếp cận dài hạn hơn

Trong một báo cáo hồi tháng 8/2022, tổ chức nhân đạo độc lập Refugees International đã gợi ý về một cách tiếp cận dài hạn hơn đối với các dự án thúc đẩy cơ sở hạ tầng và giáo dục ở Syria như sau: Các nhóm tài trợ độc lập sẽ làm việc trực tiếp hơn với các tổ chức viện trợ địa phương bên trong Syria, trong khi LHQ chỉ làm việc ở các khu vực giáp giới nhưng nằm về phía lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ.

Refugees International cho rằng “viện trợ vượt lằn ranh xung đột” được chuyển qua thủ đô Damascus sẽ không thể thay thế “viện trợ xuyên biên giới” do LHQ hậu thuẫn.

Theo LHQ, trong cả năm 2022, chỉ có 9 đoàn xe “viện trợ vượt lằn ranh xung đột” được triển khai – hầu như mỗi đoàn chỉ bao gồm khoảng 10 xe tải chở hàng. Trong khi đó, có khoảng 600 xe tải chuyển hàng “viện trợ xuyên biên giới” đến Syria mỗi tháng vào năm ngoái.

Trẻ em Syria trước một căn lều dành cho người tị nạn do xung đột, gần thị trấn Maaret Misrin, tỉnh Idlib, Tây Bắc Syria, ngày 10/7/2022. Ảnh: Getty Images

Tại trại Kafr Nabudah, gia đình của bà Asmaa al-Muhammad phụ thuộc rất nhiều vào viện trợ; bà cho biết sẽ là một thảm họa đối với những người như bà nếu viện trợ bị cắt giảm. Ảnh: DW

Nếu nghị quyết gia hạn việc cung cấp viện trợ nhân đạo cho Idlib từ Thổ Nhĩ Kỳ bị chặn, các hoạt động vận chuyển nhân đạo tới khu vực này của Syria sẽ giảm hơn một nửa.

Cuộc khủng hoảng Syria đã đạt đến mức kỷ lục sau hơn một thập kỷ giao tranh. Tuy nhiên, các khoản đóng góp viện trợ quốc tế cho quốc gia Ả Rập đã giảm, một phần do các cuộc xung đột và tình trạng khẩn cấp toàn cầu mới, hãng tin EFE (Tây Ban Nha) cho biết.

Kế hoạch ứng phó nhân đạo của LHQ đã không huy động được dù chỉ một nửa trong số 4,4 tỷ USD tài trợ cần thiết cho Syria năm 2022.

Minh Đức (Theo AP, DW, La Prensa Latina)