Xi nhan Trái Phải

Mạng ảo - Tổn thương thật

Cho con cái sử dụng điện thoại thông minh, thì các bậc phụ huynh có biết trẻ làm gì ở trên đó hay không? Các vị nghĩ sao nếu chúng thường xuyên tiếp xúc với những kẻ bệnh hoạn, những lời nói phản cảm và gây ảnh hưởng xấu tới tâm lý của trẻ?

Internet bùng nổ kéo theo sự phát triển của những trang mạng xã hội, đã có tới hàng tỷ người theo dõi - chính là nơi những kẻ xấu, kẻ lạm dụng trẻ em trà trộn. Theo nghiên cứu mới đây của Hiệp hội quốc gia phòng chống hành vi tàn ác đối với trẻ em (NSPCC – trụ sở ở London, Anh), trong 40.000 học sinh được khảo sát thì có tới 25% từng thực hiện livestream với người lạ. Cứ 20 em đang livestream hay trong các bình luận ở một bài nào đó thì có 1 em được yêu cầu cởi bỏ quần áo.

Đây thực sự là con số rất đáng báo động về tình trạng trẻ em tiếp xúc với các mạng xã hội. Tiktok là một trang mạng theo hình thức livestream có lượng người dùng lớn nhất hiện nay với gần 1 tỷ người dùng trên toàn cầu (theo Sensor Tower).

Thời đại công nghệ phát triển, mạng xã hội bùng nổ mạnh mẽ thì việc bảo vệ con em không chỉ còn ở ngoài đời thực nữa. Mạng xã hội là nơi mà hàng trăm, hàng tỷ người không rõ lai lịch, trong đó có những kẻ gian ẩn nấp để chờ cơ hội “vồ mồi” thì thực sự nguy hiểm.

Ở lứa tuổi học sinh, tâm lý trẻ vẫn còn khá tò mò, thích thú với những thứ lạ lẫm mà mình chưa bao giờ tiếp xúc, những thứ vui nhộn “màu hồng” ở trên mạng. Trong khi đó, các trang mạng như Tiktok tuy có quy định cấm trẻ dưới 13 tuổi, nhưng chắc chắn không thể kiểm soát được.

Nhìn vào nhiều gia đình hiện nay, bố mẹ do quá bận cũng dễ dãi cho trẻ sử dụng điện thoại mà không có sự quản lý, ông bà thì “thương” cháu quá nên cũng cho trẻ tự do dành nhiều thời gian để “ôm” chiếc điện thoại.

Nhưng bố mẹ lại quá chủ quan khi bây giờ rất dễ dàng để trẻ nói chuyện với những người lạ, mặc dù ở ngoài chúng ta vẫn dặn trẻ kiểu như “Đừng có mà nói chuyện với người lạ, họ có thể là người xấu!”.

Tại Việt Nam thì con số trẻ tiếp cận với các nội dung bạo lực, khiêu dâm lên tới hơn 50%, trong đó 36,4% trẻ em có những trải nghiệm không mong muốn liên quan đến bạo lực; 13,2% trẻ buộc phải tiếp xúc không mong muốn với tài liệu khiêu dâm; 15,7% trẻ gặp hành vi dụ dỗ tình dục qua mạng; 2% trẻ nhận được yêu cầu tiết lộ thông tin/hình ảnh không mong muốn. (Khảo sát năm 2014 của Trung tâm Sáng kiến Sức khoẻ và Dân số & Bộ LĐTB&XH).

Cần thêm nhiều hội thảo mang nội dung bảo vệ trẻ em trên với mạng xã hội

Câu chuyện đáng bàn đó là sự quan tâm đúng mực của gia đình với trẻ. Mạng xã hội chính là con dao hai lưỡi. Trên đó, trẻ em được khám phá, tìm hiểu, vui vẻ với những nội dung hay, thú vị là đúng! Nhưng mặt khác mà chính phụ huynh cũng có thể chưa bao giờ biết tới chính là những “mảnh đất” quá phức tạp, nơi đủ loại người, đủ lứa tuổi ở đó, với con của bạn.

Trẻ em dễ bị xâm hại trên môi trường mạng vì trẻ em đang dẫn đầu trong việc tiếp thu và sử dụng công nghệ thông tin ở Việt Nam. Tuy nhiên trẻ em lại có hiểu biết chưa đầy đủ về những nguy cơ tiềm tàng khi sử dụng internet. Phần lớn trẻ em tự học cách dùng internet (68%). Chỉ có 11% học từ nhà trường nhưng hầu hết các trường học cũng mới chỉ dạy kỹ năng công nghệ thông tin, không dạy về sử dụng mạng an toàn. (theo Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững MSD) Trong khi từ phía cha mẹ, người giám hộ và người chăm sóc thì do những hạn chế về kiến thức, kỹ năng gặp nhiều khó khăn để giám sát có hiệu quả các hoạt động của trẻ em trên môi trường mạng

Các câu chuyện đau lòng về việc trẻ em bị dụ dỗ, xâm hại thậm chí bị giết hại vẫn diễn ra thường xuyên. Bạn đừng nên chờ đợi phía những nhà quản lý mạng xã hội “còng tay” những kẻ gian ác mà hãy bắt đầu từ phía mình. Nhưng những hành động bắt ép trẻ không được sử dụng internet nữa đôi khi lại “phản tác dụng”. Cách đơn giản đầu tiên là hãy ngồi xuống và trao đổi trực tiếp và thẳng thắn với trẻ, nói với trẻ điều gì nên và không nên khi tiếp xúc với một thế giới ảo toàn những người lạ.

Trẻ em đặc biệt ở tuổi vị thành niên đang trở thành một bộ phận người dùng “trung thành” với mạng xã hội nên việc dạy chúng trở thành “những người dùng thông thái” luôn là bài học đúng đắn, được rút ra từ chính những sai lầm của các sự việc không mong muốn trước đó.
Muốn dạy trẻ thành công, trước hết, bố mẹ cần học hỏi để trở thành người hiểu về mạng xã hội một cách thông thái!

Hạnh Mỹ