Đời sống

Mãn nhãn vườn dưa lưới xanh um, trĩu quả trên sân thượng ở Đà Nẵng

Nhờ sự dày công chăm sóc nên khu vườn hơn 100m2 của chị Trần Thị Hòa ( Cẩm Lệ, Đà Nẵng) chẳng mấy chốc phủ lên màu xanh của rau cải, bầu, bí, khổ qua, dưa lưới…

Ngoài công việc chủ salon tóc, chị Trần Thị Hòa ( Cẩm Lệ, Đà Nẵng) còn có thêm niềm đam mê chăm sóc khu vườn trên sân thượng hơn 100m2 của mình.

Chị Trần Thị Hòa với vườn dưa lưới tự trồng trên sân thượng. Ảnh: NVCC.

“Tôi thích ngắm những chậu rau phát triển trong vườn nhà, hào hứng khi nhìn thấy cây trổ hoa hoặc tới kỳ thu hoạch. Không gì hạnh phúc hơn khi thấy người thân thưởng thức những cọng rau giòn, ngọt tự tay mình chăm bón. Hơn nữa, việc thường xuyên leo lên sân thượng trồng rau giúp tôi giữ dáng và thỏa mãn sở thích bài trí, chụp ảnh”, chị Hòa chia sẻ trên báo Đà Nẵng.

Vì không quá am hiểu về việc trồng trọt, chị Hòa phải tìm hiểu, tìm tòi từng chút một từ làm đất, phòng ngừa sâu bệnh đến cách chọn giống cây phù hợp với từng mùa. “Thời gian đầu vợ chồng tôi tự mua chậu, sắt về cải tạo khu vườn, chia nhau chăm sóc, tưới rau, làm giá thể. Mỗi ngày chúng tôi đều có mặt tại vườn lúc 5-6 giờ và 20-21 giờ, nhiều lúc muốn bắt hệ thống tưới tự động nhưng nghĩ phải tưới tay mới theo dõi được sự phát triển, sâu bệnh để còn “cứu cây” kịp thời”, chị Hòa nói.

Sau gần 2 năm, gia đình chị Hòa đã có được khu vườn xanh tốt với đủ loại rau trái từ bầu, bí, mướp, khổ qua, dưa lê, dưa lưới đến một số giống ngoại nhập như cải xoăn kale, củ cải đỏ…

Ấn tượng nhất là khu vực trồng dưa lưới với những trái dưa căng tròn, to đều tăm tắp khiến ai cũng tấm tắc khen và mong muốn học hỏi kinh nghiệm.

Chia sẻ bí quyết chăm sóc vườn dưa trên nhóm Yêu Bếp, chị Hòa cho biết khâu trộn giá thể để trồng cây thì phải đủ dinh dưỡng và sạch mầm bệnh trước, nên phơi đất thật khô trước khi trộn.

Chị Hòa trộn đất với tỷ lệ: 50% đất cũ ( tốt nhất lấy đất vừa trồng rau để trồng dưa vì nếu cùng họ dây leo sẽ gặp nhiều bệnh về rễ giống nhau); 30% chất làm tơi xốp như tro trấu, xơ dừa (đã qua xử lý), cám gạo, đậu tương, bánh dầu…; 20% phân gà, bò, dơi, trùn quế, ít lân, NPK và ít vôi.

Tất cả được trộn đều tưới đẫm ủ trên 10 ngày thì mang ra trồng rau củ quả. Trước khi trồng chị Hòa tưới thêm tricho, nấm xanh hoặc chế phẩm IMO.

Đối với công đoạn ủ hạt, chị Hòa đưa ra lời khuyên nên ngâm hạt trong nước theo tỉ lệ 2 sôi 3 lạnh (40 độ) trong 3 tiếng xong bỏ vào khăn ướt (đừng thấm quá nhiều nước sẽ dễ bị thối hạt) và ủ khoảng 24 giờ, hạt nứt nanh thì cho ra bầu ươm.

Ở giai đoạn trong bầu ươm, cần tưới nước ngày 2- 3 lần. Khi cây được 10 ngày thì hạ thổ.

Đặc biệt chị Hòa lưu ý, trồng dưa lưới cần chú trọng 3 giai đoạn phát triển nhất của cây là trước khi thụ phấn 1 tuần, sau khi thụ phấn 20 ngày và lúc quả tạo ngọt.

Giai đoạn cây 20 ngày từ khi ngâm hạt đến hạ thổ, vì trong đất đã có phân, đủ chất dinh dưỡng nên chỉ tưới nước lã ngày 1 lần. Giai đoạn này mỗi cây cần khoảng dưới 1 lít nước.

Sau 20 ngày khi cây được hơn 10 lá thì nên bổ sung phân gà, dơi, bánh dầu, đạm cá. 4 loại luân phiên tưới 3 ngày/lần thật loãng.

Tầm này cây cần được ngắt hết nhánh phụ.

Lúc này chờ hoa cái nở.

Cũng trong giai đoạn này, theo chị Hòa cần cắt hết nhánh phụ, chừa nhánh phụ từ nách lá thứ 10 trở lên, và phun rong biển tuần 1 lần. Kết hợp phun phòng bọ trĩ, nấm, sâu hại… tuần 1 lần. Tưới phòng rễ tuần 1 lần tricho, 0,4, HUMIC-S hoặc IMO.

Được 24 ngày thì phun canxibo và bổ sung nkp (loại 20/10/10BM). Canxibo chị Hòa chú trọng trước và sau khi thụ 1 tuần (trước giúp đậu quả, sau thì bổ sung canxi tránh nứt qủa).

Giai đoạn sau khi thụ quả, cần bổ sung Npk 15/9/20 (cali cao) Yara của nauy, phun rong biển kết hợp phun phòng tráng cháy lá tăng hiệu qủa (rong biển và KID).

Thời điểm này, cứ 2 ngày pha thật loãng phân gà, dơi, bánh dầu, đậu tương tưới cho cây. Nên tưới trung bình dưới 2 lít nước cho mỗi cây. Giai đoạn này vẫn phun phòng sâu bệnh, nấm, vẫn tưới bảo vệ bộ rễ.

Đây là khi cây thụ quả được tầm 10 ngày.

Khi cây thụ quả được 20 ngày.

Khi cây được 35 đến 45 ngày sau thụ, trọng lượng qủa ngừng tăng, chị Hòa chỉ tưới mỗi dịch chuối để tạo ngọt cho quả và giảm dần lượng nước.

Chị Hòa cũng chia sẻ kinh nghiệm nhận biết dưa chín là ở nách qủa đốm vàng, cuống qủa nứt nhiều, thân cây và chèo lá chuyển màu bạc. Các loại dưa lưới từ khi thụ phấn đến lúc chín trung bình 45 đến 60 ngày tuỳ giống.

Theo chị Hòa, trồng dưa lưới phải có đam mê và chịu khó kỹ lưỡng trong công chăm sóc. Với chị trong thời gian dịch bệnh, ở nhà chăm sóc khu vườn sân thượng ngày nào cũng mơn mởn tươi xanh vừa an toàn, vừa có được nguồn thực phẩm đảm bảo để gia đình sử dụng.

Minh Hoa (t/h, nguồn ảnh: Chị Trần Thị Hòa)