Cộng đồng mạng

Mãn nhãn với loại cây "đếm lá tính tiền" trong dịp lễ

Một vùng quê ở Nghệ An được biết đến là "thủ phủ" trồng cây trầu không. Những hộ gia đình trông loại cây này có thu nhập ổn định.

Cây trầu không ngoài việc dùng để ăn trầu, làm cây cảnh, lá trầu không còn có tác dụng như một vị thuốc dân gian để chữa táo bón, làm thuốc giảm đau, khắc phục tình trạng khó tiêu, chữa ho, viêm phế quản…

Thời gian qua nhiều hộ gia đình có thu nhập ổn định nhờ trồng trầu không. Theo các hộ trồng trầu không, những tháng giáp Tết thời tiết thuận lợi, cây sinh trưởng tốt cho năng suất cao và ít bị bệnh nấm lá. Đặc biệt vào dịp cuối năm, nhu cầu thờ cúng tăng, giá trầu tăng cao so với ngày thường (gấp 3 đến 4 lần) đem lại nguồn thu nhập khá cho người dân.

Những vườn trầu của các hộ dân "hái bạc". Ảnh: Báo Dân Việt.

Xã Nghi Ân, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An được biết là "thủ phủ" trồng trầu. Cây trầu đã bén rễ trên vùng đất xã Nghi Ân hàng chục năm nay, phục vụ cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Loại cây trong truyện cổ tích về xã Nghi Ân thành thứ cây đếm lá, tính tiền đã giúp cho nhiều hộ dân ở xã Nghi Ân làm giàu.

Theo Dân Việt, gia đình bà Nguyễn Thị Hoa (SN 1967, trú tại xóm xóm 5, xã Nghi Ân, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An) là một trong 3 hộ dân có diện tích trồng trầu nhiều nhất xã. Vườn trầu của gia đình bà Hoa rộng 1.500m2 với hàng trăm gốc trầu với tuổi đời hàng chục năm. Gần đây, gia đình bà Hoa đã đầu tư thêm 80 triệu đồng để xây dựng nhà lưới, hệ thống tưới, mở rộng thêm diện tích trầu ra ngoài ruộng.

Những lá trầu đẹp, xanh đều, được "tuyển" để bán phục vụ nhu cầu cúng bái của người dân. Loại "hàng tuyển" này giá dao động 1.000 - 1.500 đồng/lá. Loại lá xấu thì bán làm trầu ăn, hoặc bán cho các cơ sở chiết xuất tinh dầu, làm dược liệu. Có thời điểm lá trầu tại đây từng được xuất khẩu sang thị trường Đài Loan. Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến thị trường này bị đóng cửa, lá trầu không cũng không còn "xuất ngoại" được, quay về phục vụ thị trường trong nước.

Trước Tết, gia đình ông bà Hoa thu nhập khoảng 80 triệu đồng từ lá trầu không. Dịp rằm tháng giêng này gia đình bà Hoa cũng đã bán được hơn 30 triệu đồng. Hàng tháng vườn trầu cũng giúp cho gia đình bà Hoa có thu nhập đều khoảng 20 triệu đồng.

Vườn trầu xanh mướt mắt. Ảnh: Báo Nghệ An.

Là hộ có diện tích trồng trầu không lớn nhất ở xã Nghi Ân, gia đình ông Nguyễn Hồng Thái chia sẻ trên báo Nghệ An: “Nhà tôi trồng trầu không từ những năm 90 của thế kỷ trước. Ban đầu chỉ là mươi bụi trầu để sử dụng trong gia đình và bán ở chợ. Nhu cầu trầu không ngày càng cao, giá trị kinh tế mang lại gấp nhiều lần so với cây trồng khác nên sau đó, gia đình tôi quyết định mở rộng diện tích. Đến thời điểm hiện tại nhà tôi có khoảng 1.500m2 trầu không ở đất vườn và đất ruộng, mỗi tháng cho thu nhập trung bình từ 25 - 30 triệu đồng từ bán lá trầu. Sắp tới, tôi sẽ thuê ruộng để mở rộng diện tích trồng trầu không”.

Những gốc cây trầu không trồng lâu năm.

Ý nghĩa của cây trầu không trong phong thuỷ

Cây trầu không là một loại cây đẹp có thể làm cây cảnh trong nhà. Bạn có thể trồng để cây leo lên tường giúp bảo vệ ngôi nhà tránh bụi bẩn. Đồng thời tạo độ thẩm mỹ, mát mẻ cho ngôi nhà bạn.

Đặc biệt trầu không còn có khả năng thanh lọc không khí giúp không khí trong lành hơn.

Theo phong thủy, cây trầu không mang lại may mắn cho sự nghiệp và học hành, cũng như sự ấm áp và bình yên cho ngôi nhà. Nó giúp gia chủ tìm được đường tài lộc, hanh thông vào nhà và ngăn chặn những điềm xấu.

Miếng trầu đã là một phần không thể thiếu trong văn hóa Việt Nam từ xưa đến nay. Trong câu nói “Miếng trầu là đầu câu chuyện” muốn nói đến vai trò của miếng trầu trong các dịp lễ: Đám cưới, lễ hội…. Nó tượng trưng cho một khởi đầu suôn sẻ, nhiều niềm vui.

*Thông tin mang tính chất tham khảo!

Trúc Chi (t/h)