Sự kiện

Mãn nhãn hàng trăm “siêu phi cơ” tranh tài

Ngày 23/4, tại khu vực sân bay Hoà Lạc (Thạch Thất, Hà Nội) diễn ra hội thi máy bay mô hình thu hút sự sự tham gia của nhiều “phi công”.

Ngày 23/4, Câu lạc bộ hàng không phía Bắc tổ chức cuộc thi bay Funfly 2022 tại sân bay quân sự Hòa Lạc (Hà Nội), đây là cuộc thi máy bay mô hình lớn nhất trong năm 2022. Trong đó, có những máy bay có giá lên tới hàng trăm triệu đồng được mang ra trình diễn.

Cuộc thi bay Funfly quy tụ các câu lạc bộ bay từ 11 tỉnh thành trên cả nước. Có nhiều thành viên đến từ các tỉnh thành Đồng Nai, TP.HCM, Hải Phòng…

Trao đổi với PV Lê Quang Tùng, thành viên ban tổ chức (BTC) hội thi cho hay, cuộc thi được tổ chức với sự tham gia của các câu lạc bộ đến từ 6 tỉnh, thành (tương ứng 60 phi công và hơn 100 máy bay, trực thăng). 

Cuộc thi lần này sẽ diễn ra cả ngày có các phần thi: biểu diễn trực thăng gắp vật thể, máy bay cánh bằng chui qua dây và bay 3D biểu diễn tự do. Tại mỗi phần thi, ban giám khảo sẽ chấm điểm để trao các giải Nhất, Nhì, Ba.

Là người mới tham gia “thú chơi” máy bay mô hình được khoảng 3 năm, nhưng anh Nguyễn Bảo Tháp (đến từ Đồng Nai Đồng Nai) được nhiều người trong giới biết đến bởi sự chịu chi về thời gian và tiền bạc.

Chiếc máy bay mô hình chạy bằng động cơ phản lực anh mang tới hội thi để biểu diễn cũng là một trong số những máy bay có giá trị lớn nhất lên tới 200 triệu đồng. “Tôi rất đam mê bộ môn này, để có được chiếc máy bay này tôi đã phải chi số tiền trên để mua phụ tùng từ nước ngoài về lắp ráp và bỏ ra nhiều thời gian đề học lái, bởi Việt Nam chưa có lớp đào tạo lái máy bay mô hình”, anh Tháp chia sẻ.

Anh Tháp cho biết, để lái chiếc máy bay mô hình được thành thạo thì người chơi như anh phải trả giá rất nhiều, bởi khi bay máy bay có thể gặp sự số bất kỳ lúc nào và cái nhận lại chỉ còn sắt vụn. 

Đối với người mới chơi, kinh tế thấp vẫn có thể thoả mãn đam mê bằng các loại máy bay động cơ mô tơ điện cỡ nhỏ, giá trị từ 3-5 triệu đồng.

Tất cả thành viên tham gia rất yêu thích khoa học, các sản phẩm bay hầu hết đều do  thành viên tham gia đều tự thiết kế, lắp ráp.

Phần thi bay cánh bằng 3D được các "phi công" phô diễn nhiều kỹ thuật điêu luyện.

Anh Nguyễn Bảo Tháp trình diễn kỹ thuật treo 3D khiến máy treo lơ lửng theo phương thẳng đứng trên không trung.

Tại buổi thị, trung tá Lại Hoàng Vinh, Phó trưởng Phòng Quân huấn - nhà trường, Bộ Tham mưu Quân chủng Phòng không không quân - khẳng định, kế hoạch bay đã được thủ trưởng Bộ Tham mưu Quân chủng Phòng không không quân phê chuẩn nhằm kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, 136 năm Ngày Quốc tế lao động.

Theo Trung tá Vinh, với xu thế phát triển hiện tại, việc sử dụng các loại máy bay không người lái ngày càng được ứng dụng nhiều trong các lĩnh vực như giao thông, nông nghiệp, đo đạc bản hồ, cứu hộ…

Cuộc thi cũng thể hiện được chức năng giáo dục quốc phòng, khoa học kỹ thuật. Từ đó phát hiện và bồi dưỡng các hội viên có trình độ tốt trong ứng dụng điều khiển máy bay mô hình hàng không, thiết bị bay không người lái, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi Đảng và Nhà nước yêu cầu".

Phần thi cánh bằng chui qua dây được đông đảo khán giả thích thú.

Tại phần thi này, các máy bay mô hình phải được điều khiển khéo léo trong 3 phút để máy bay di chuyển bên dưới được 2 dây căng sẵn của BTC, mỗi lần thành công "phi công" được tính 1 điểm.

 

Do là kỹ thuật khó nên nhiều máy bay đã phải mắc lại, không vượt qua phần thi.

Với phần thi trực thăng gắp vật thể, các "phi công" phải gắp đồ di chuyển từ điểm A sang B sau đó hạ cánh trong vòng 3 phút.

Theo anh Lê Quang Tùng, thành viên BTC, đây là phần thi khó nhất trong giải thi máy bay mô hình này, nhiều thành viên luyện tập hơn 10 năm vẫn không thể thành công.