Dân sinh

Mai rừng xuống phố

Những cây mai được đào từ trên rừng. Sau thời gian chăm sóc tại vườn nhà, thời điểm cận Tết mai nở rộ, bà con người Jrai chở xuống phố bán.

Từ trồng mai cho vui...

Những ngày cận Tết, người đi đường ở tỉnh Gia Lai thường bắt gặp hình ảnh thanh niên người Jrai, chở sau xe máy là những cây mai hoa nở vàng, nối đuôi nhau xuống phố bán kiếm thêm thu nhập trang trải ngày Tết.

Ông Lê Quang Toản, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Kênh (thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai) cho biết, trên địa bàn xã có trên 250 hộ trồng mai rừng, diện tích trên 20ha.

Những cây mai sau khi được đào từ rừng, mang về để ở vườn nhà chăm sóc. Thời điểm cận Tết, các cây mai bắt đầu nở rộ người dân mang xuống phố bán hoặc thương lái đến tận vườn nhà thu mua, mang lại cho người dân khoản thu nhập ổn định từ 25 đến 35 triệu đồng/hộ/năm.

Theo ông Toản, trước đây người dân mang mai rừng về nhà trồng cho vui, cho đẹp. Nhưng về sau, nhu cầu chơi mai ngày Tết gia tăng, được tìm mua với "giá hời", khiến nhiều người thấy được lợi ích, mày mò trồng mai. Thường, dịp Tết là thời điểm bà con nhộn nhịp bán mai nhiều nhất.

Xã Ia Kênh (thnh phố Pleiku) là thủ phủ mai rừng phố núi.

“Mặc dù không quá cao, nhưng việc trồng mai rừng mang lại cho bà con thu nhập ổn. Ở đây, kinh tế chính của người dân chủ yếu từ trồng cà phê, trồng mai chỉ là công việc phụ. Về lâu dài, sẽ hướng đến thêm nghề trồng mai. Hiện, toàn xã có hơn 82% người Jrai, tỉ lệ hộ nghèo 3,1%”, ông Toản nói.

Đến nghề trồng mai

Vào những ngày cuối năm, xã Ia Kênh sẽ có những con đường hoa mai vàng khoe sắc. Hộ ít cũng vài chục cây, hộ nhiều có đến hơn ngàn cây mai rừng. Hoa mai nở khiến không khí xuân thêm rộn ràng.

Hộ trồng mai được nhiều có tiếng ở xã Ia Kênh là ông Rah lan Luih (ngụ làng Mơ Nú). Ông Luih trồng hơn 1.200 gốc, tuổi 5 đến 25 năm.

Theo ông Luih, trước đây mai rừng vùng này rất nhiều, về sau càng khan hiếm nên ông quyết định đưa mai rừng về nhà trồng và nhân rộng. Thấy trồng mai vừa đẹp, vừa có thêm thu nhập nên nhiều người cũng làm theo.

Nhũng cây mai rừng chuẩn bị theo chân người dân xuống phố khoe sắc xuân.

“Mỗi năm vườn mai của tôi cho thu nhập ổn định 25 triệu đồng, có khi nhiều hơn. Tiền bán mai tôi đều để dành và tích góp thêm đã xây được căn nhà hơn 500 triệu đồng. 5 đứa con của tôi cũng học cách trồng mai”, ông Luih chia sẻ.

Tùy nhu cầu của người mua, có thể mua cành hoặc đào cả gốc mai. Những cây mai lâu năm có giá từ 4-6 triệu đồng/cây, những cây nhỏ hoặc cắt cành bán giá từ 500 đến 2 triệu đồng/cây.

Xã Ia Kênh có nhiều hộ trồng mai có tiếng như: vườn mai Huynh Đệ của ông Siu Suik, ông Rah Lan Luih ngụ làng Mơ Nú; vườn mai làng Thong Yố của ông Puih Plêl… Hộ ít cũng có vài cây trước nhà.

Cây mai không chỉ được trồng tập trung thành vườn, nhiều hộ tận dụng diện tích cà phê trồng xen canh. Thậm chí, cây mai còn được tận dụng trồng làm hàng rào cho đẹp.

Nghề trồng mai rừng mang lại thu nhập cao cho người dân.

Chia sẻ về nghề trồng mai, ông Kpăh Ký (ngụ làng O Sơ) cho hay, gia đình ông đã trồng khoảng 300-400 gốc mai rừng. Chủ yếu, vườn mai của ông được trồng xen trong vườn cà phê cho hiệu quả rất tốt, mùa tưới nước có thể tận dụng bón phân và tưới nước luôn cho cây mai.

"Trước đây trồng cho đẹp, nay còn bán được tiền nên bà con rất thích trồng mai trong vườn", ông Ký nói.

Ông Kpă Duan, Bí thư Đảng ủy xã Ia Kênh chia sẻ: “Nhận thấy trồng mai rừng ở địa phương có triển vọng, xã đang hướng đến cho bà con xây dựng mô hình trồng mai rừng và trồng xen canh các vườn đồi, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Trồng mai không chỉ đẹp, có thêm thu nhập, mà hướng đến định hướng của địa phương phát triển du lịch “cao nguyên xanh vì sức khỏe””.

Theo ông Duan, bà con đang trồng mai tự phát là chính, chưa có đầu tư theo chiều sâu, áp dụng kỹ thuật. Tới đây, sẽ đề xuất mở các lớp tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật để bà con tiếp cận, mang lại hiệu quả cao hơn.