Đời sống

Mải chơi không để ý, cháu bé 19 tháng tuổi nuốt ốc vít 1,5cm

Vừa qua, các bác sĩ đã nội soi cấp cứu thành công cho bệnh nhi nuốt phải dị vật là chiếc ốc vít kim loại.

Mới đây, Bệnh viện Sản nhi Ninh Bình cho biết, các bác sĩ vừa nội soi cấp cứu thành công cho bệnh nhi nuốt phải dị vật là chiếc ốc vít bằng kim loại.

Khai thác tiền sử bệnh, trước đó, trong lúc chơi đùa tại nhà, cháu P.G.H., 19 tháng tuổi trú Tp.Tam Điệp, Ninh Bình, đã nuốt phải một dị vật kim loại là chiếc ốc vít sắc nhọn. Sau đó, trẻ được đưa tới Bệnh viện Sản nhi Ninh Bình.

Vào viện, các bác sĩ đã thăm khám, dựa trên kết quả chụp X-quang và nhanh chóng chỉ định gây mê nội soi thực quản dạ dày tá tràng cấp cứu. Sau khoảng 15 phút can thiệp, ê-kíp đã lấy ra dị vật là một chiếc ốc vít dài 1,5cm với một đầu sắc nhọn đã găm tại thân vị của dạ dày bệnh nhi.

Hình ảnh ốc vít dài 1,5cm với một đầu sắc nhọn đã găm tại thân vị của dạ dày bệnh nhi. Ảnh: BVCC.

Trao đổi với Giáo Dục & Thời Đại, đại diện bệnh viện cho biết, sau khi gắp được dị vật ra khỏi dạ dày, sức khỏe cháu bé đã ổn định và được cho xuất viện.

Đây không phải trường hợp trẻ đầu tiên nuốt phải dị vật ở Ninh Bình. Trước đó, ngày 15/11, Bệnh viện Sản nhi Ninh Bình cũng đã can thiệp thành công cho bệnh nhi 8 tuổi (trú huyện Nho Quan, Ninh Bình) nuốt phải dị vật là 3 chiếc tăm tre 2 đầu sắc nhọn dài 5cm, găm vào niêm mạc đại tràng của bệnh nhân.

Theo các bác sĩ, trẻ nhỏ thường vô tình nuốt phải các đồ vật nhỏ ở xung quanh khi chơi, phần lớn là dị vật cản quang. Trong đó, dị vật đồng xu, đồng xèng và pin cúc áo hay gặp nhất.

Dị vật không cản quang thường liên quan đến thức ăn và hay gặp ở trẻ hẹp thực quản như miếng thịt, miếng hoa quả. Đối với trẻ có bệnh lý khiếm khuyết tâm thần kinh, bé có thể chủ động nuốt những đồ vật nguy hiểm.

Phần lớn các dị vật đều đi qua họng vào ống tiêu hóa. Sau đó, dị vật được đào thải tự nhiên theo phân và không gây ra vấn đề gì cho trẻ. Tuy nhiên, khoảng 10 - 20% dị vật gây nguy hiểm và gây ra các triệu chứng cho trẻ, như: Nôn, nuốt đau, nuốt khó, không chịu ăn, tăng tiết nước bọt, đau bụng, nôn máu…

Đặc biệt, các biểu hiện này thường xuất hiện sớm, đôi khi muộn sau vài ngày hoặc thậm chí vài tháng. Bởi, dị vật có thể gây tắc nghẽn, loét và chảy máu ống tiêu hóa cũng như giải phóng các chất độc gây nguy hại cho sức khỏe.

Khuyến cáo của bác sĩ

Trong mọi thời điểm, luôn cần để mắt đến trẻ. Nhất là trong ngày Tết, với quá nhiều đồ ăn là các loại hạt nguy hiểm cho trẻ, chỉ một phút lơ đãng có thể nguy hiểm cho con bạn. Khi đó, Tết sẽ không còn ý nghĩa. Tốt nhất, cha mẹ không nên cho trẻ ăn thạch, nhất là với trẻ dưới 2 tuổi bởi phản xạ đường thở chưa hoàn thiện rất dễ hóc hoặc dùng thìa dằm nhỏ rồi mới cho trẻ ăn... Cũng cần lưu ý, trẻ rất hay vừa ăn vừa chạy nhảy và rất dễ bị hóc. Vì thế, hãy tập cho trẻ thói quen khi ăn không cười đùa, chạy nhảy, thông tin trên Sức khỏe & Đời sống.

Các bậc phụ huynh nên cất các đồ vật nhỏ cẩn thẩn ngoài tầm với của trẻ như: Tiền xu, đồng xèng, cục pin, lego, kim, tăm, gốm thủy tinh dễ vỡ… Đồng thời, cha mẹ cần kiểm tra kỹ lưỡng thức ăn như cá, gà, chim… để đảm bảo rằng không còn xương trong đồ ăn của trẻ. Phụ huynh cũng cần dặn kĩ các việc trên nếu nhờ người khác chăm sóc con.

Trúc Chi (t/h)