Văn hoá

Mặc áo dài thi chạy bộ: “Hãy có một tấm lòng rộng mở!”

“Điều quan trọng là bạn hãy có một tấm lòng rộng mở, một cái nhìn văn hóa về cố đô yêu dấu!”

Câu chuyện áo dài ngũ thân ở Huế lại “nóng” trở lại hai ngày nay. Và bây giờ sức “nóng” không còn là chuyện  ở công sở ngày thứ 2 đầu tuần nữa mà là “lan” cả ra đường đua trong một giải chạy bộ marathon quy mô lớn vừa được tổ chức ở TP.Huế.

Giải đua này mang tên VnExpress Marathon Huế 2020 với 4.500 vận động viên tham gia.

Giải chạy bộ này thu hút nhiều lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế và rất đông người dân tham gia.

Chuyện sẽ không có gì nếu như trong giải lần này không xuất hiện hình ảnh một số vận động viên mặc áo dài để thi đấu. Những hình ảnh này đã dấy lên một cuộc tranh cãi nảy lửa trên mạng xã hội.

Hình ảnh một số vận động viên mặc áo dài thi đấu đã dấy lên cuộc tranh cãi.

Bên cạnh những ý kiến cởi mở cho rằng, việc này tạo nên một sắc màu rất thú vị khiến các vận động viên tham gia và người dân cổ vũ rất thích thú.

“Rất Huế. Vì chương này được mọi người quan tâm, có cả những tỉnh khác tham gia nữa. Việc họ mặc áo dài là để thể hiện tình yêu với Huế. Đôi khi không cần rập khuôn quá cái vấn đề thể thao hay suy nghĩ của bất cứ hình thức nào”, tài khoản Facebook Hoàng Hiếu bình luận.

Tài khoản Trần Tiến Dũng cho rằng: “Mỗi người có một quan điểm. Hãy để họ tự có tự do trong trang phục, truyền tải thông điệp của mình…”.

Tuy nhiên, cũng có một số người lại tỏ ra kịch liệt phản đối bằng những ngôn ngữ nặng nề như: Lố lăng, phi thể thao, làm mất đi nét trang trọng của chiếc áo dài…

Liên quan đến cuộc tranh cãi này, chiều tối ngày 27/12, sau khi giải đã kết thúc, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc sở Văn hoá Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế đã đăng đàn Facebook chia sẻ ý kiến của mình.

Ông Hải dẫn lại lịch sử, áo dài ngũ thân vốn được sáng tạo từ mấy trăm năm trước tại Huế, từ đó lan tỏa ra toàn quốc, trở thành bộ trang phục phổ thông của người Việt, và từ hơn trăm năm trước đã được gọi là quốc phục, nam phục (để phân biệt với Âu phục, trang phục ảnh hưởng của văn minh phương tây).

Áo ngũ thân dành cho cả nam và nữ là thường phục chứ không phải là tế phục, lễ phục nên được người xưa sử dụng trong mọi hoạt động, kể cả trong lao động sản xuất.

“Vì vậy, việc một số vận động viên mặc áo ngũ thân tham gia chạy marathon hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến "thuần phong mỹ tục", hay ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của Huế, vùng đất của văn hóa, di sản. Trái lại, có thể xem đây là một cách thể nghiệm rất thú vị, để có thể hiểu thêm ông bà chúng ta khi xưa họ mặc bộ trang phục ấy khi lao động vất vả thì sẽ có cảm giác ra sao”, Giám đốc sở Văn hoá Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế quan điểm.

Tạo hình cosplay của một vận động viên này đã tạo sự thích thú của nhiều người trong giải chạy bộ này. (Ảnh: Hàn Đăng)

“Huế thật sự trở nên đáng yêu hơn, thú vị hơn khi xuất hiện các tà áo ngũ thân trên đường chạy. Điều quan trọng là bạn hãy có một tấm lòng rộng mở, một cái nhìn văn hóa về cố đô yêu dấu!”, vị giám đốc sở này nhấn mạnh.