Giáo dục

"Ma trận" ngành Công nghệ thông tin: Chọn thế nào để không lạc lối?

Với nhu cầu lao động lớn, nhiều trường đào tạo khiến nhiều thí sinh không khỏi băn khoăn khi đưa ra quyết định chọn học ngành Công nghệ thông tin.

Công nghệ thông tin là nhóm ngành đứng thứ 2 trong danh sách các ngành có tỉ lệ tuyển sinh cao nhất (chiếm 11,79%) theo báo cáo của Bộ GD&ĐT và dự báo sẽ vẫn tăng mạnh trong những năm tới.

Nguyên nhân bởi lĩnh vực đào tạo này được sự thu hút của xã hội, hấp dẫn về cơ hội việc làm và phát triển nghề nghiệp, vì vậy cũng được các trường đại học mở rộng quy mô giảng dạy khiến thí sinh không khỏi hoang mang khi chọn lựa.

Chia sẻ với Người Đưa Tin, GS.TS Chử Đức Trình - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ (ĐHQG Hà Nội) cho biết nếu không hiểu kỹ học sinh sẽ rơi vào ma trận các tên ngành.

“Đối với Trường Đại học Công nghệ, ngành Công nghệ thông tin đào tạo kiến thức chung, nhưng những thí sinh ưu tú có khả năng sẽ được tuyển chọn thi đầu vào ngành Công nghệ thông tin chất lượng cao và được sàng lọc hằng năm”, ông Trình cho biết.

Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, cơ sở đào tạo này có thêm ngành Công nghệ thông tin định hướng thị trường Nhật Bản, theo đó các sinh viên phải học thêm về văn hoá doanh nghiệp, ngôn ngữ theo yêu cầu.

“Việc đào tạo gắn với thực tiễn sẽ giúp các em có việc làm ngay khi ra trường. Tuy nhiên, về phía sinh viên tuỳ từng năng lực và định hướng của bản thân để chọn ra ngành phù hợp. Vì chỉ riêng ngành Công nghệ thông tin của một cơ sở đào tạo đã có nhiều nhánh với những mục tiêu khác nhau, tính trên cả nước sẽ còn nhiều hơn nữa, nên cần phải hiểu rõ để chọn lựa”, GS.TS Chử Đức Trình nhìn nhận.

Hiện nay, nhóm ngành Trí tuệ nhân tạo cũng được quan tâm, chương trình ngành này dựa trên nền tảng của khoa học máy tính, dù chọn ngành nào thí sinh cần biết bản của chất đào tạo là gắn với nhu cầu xã hội.

Lấy ví dụ về trí tuệ nhân tạo gắn với văn học, thể hiện qua ứng dụng ChatGPT, song ông Trình nhấn mạnh tất cả vẫn dựa trên nền tảng kiến thức gốc như Toán, Lý, Khoa học tự nhiên...

GS.TS Chử Đức Trình - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ.

Cũng chung ngành đào tạo, ThS Nguyễn Thu Vân – Ban Thư ký tuyển sinh, Trường Đại học Phương Đông thông tin, năm nay nhà trường sẽ tuyển 2.425 chỉ tiêu với 2 phương thức là xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển theo học bạ THPT.

Bà Vân cho biết, vài năm trở lại đây nhóm ngành Công nghệ được sinh viên quan tâm hơn cả, có tỉ lệ tuyển sinh cao, đặc biệt là sau 2 năm Covid-19 các em đăng ký nhiều hơn và nhu cầu việc làm của ngành học này thực sự khan hiếm

Ngoài ra, các ngành học Truyền thông đa phương tiện và Thương mại điện tử cũng được nhiều thí sinh lựa chọn, những ngành này có nền tảng là công nghệ nhưng có được học thêm về các nhóm ngành liên quan.

“Trong thời đại công nghệ số - khi mà hoạt động kinh doanh, kinh tế hay cách thức làm việc đều gắn liền với công nghệ thì hai ngành học chiếm ưu thế”, bà Vân bày tỏ.

Trên thực tế, các ngành liên quan đến công nghệ, điện tử được rất nhiều đại học mở ngành đào tạo, nhưng theo ThS Nguyễn Thu Vân, mỗi trường sẽ có chương trình giảng dạy là khác nhau, tuỳ theo nhu cầu người học để đăng ký. Đặc biệt cần quan tâm đến số tín chỉ được thực tập, học việc tại các doanh nghiệp, cơ sở việc làm để các em có thêm kỹ năng thực hành bên cạnh lý thuyết.

Năm nay, Bộ GD&ĐT sẽ giữ ổn định công tác tuyển sinh đại học như năm trước và tiếp tục triển khai công tác tuyển sinh trực tuyến trên hệ thống chung.

Lịch xét tuyển đại học dự kiến sớm hơn năm ngoái. Theo đó, thí sinh diện tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển cần nộp hồ sơ trước 17h ngày 30/6, nhận kết quả trước 5/7 và xác nhận nhập học trên hệ thống tuyển sinh của Bộ GDĐT trước 17h ngày 15/8.