Hồ sơ

Ly kỳ hành trình giải oan cho người phụ nữ ngồi tù lâu nhất lịch sử Mỹ

Không có đặc điểm nào trùng khớp với chứng cứ hiện trường vụ sát hại nữ sinh Mitchell ở Reno, Mỹ; không thể giao tiếp bình thường, vậy mà chỉ từ một lời nói vu vơ, bà Cathy Woods phải ngồi tù suốt 35 năm với tội danh Giết người. Mọi việc chỉ được làm sáng tỏ nhờ công nghệ ADN và tấm lòng tốt của người bạn tù.

Cựu thám tử cảnh sát thành phố Reno, Mỹ, John Lawrence Kimpton kết liễu cuộc đời trong căn phòng của bệnh viện Reno, đúng thời điểm kết quả xét nghiệm ADN của kẻ giết nữ sinh Michelle vạch trần quá trình làm hồ sơ gian dối của nhân vật này. Sự gian dối khiến người phụ nữ vô tội Cathy Woods ngồi tù oan suốt 35 năm. Đến khi được trả tự do, bà Cathy Woods đã 66 tuổi với nửa đời tươi đẹp bị Kimpton và đồng phạm trắng trợn đánh cắp.

Vụ án mạng bí ẩn

Tối 24/2/1976, Michelle Mitchell, sinh viên khoa điều dưỡng của đại học Nevada, Reno lái xe từ trường trở về nhà sau buổi học. Tuy nhiên, cô đã phải gọi mẹ đến đón vì xe hỏng giữa đường. Chừng hơn 1 tiếng sau đó, mẹ cô, bà Barbara Mitchell đến nơi nhưng con gái đã không còn ở đó.

Ngay sau đó, bà Barbara cùng chồng và cảnh sát Edwin đưa chó nghiệp vụ đến tìm kiếm Michelle nhưng không có kết quả. Chỉ đến khi một cặp vợ chồng đánh xe về gara gần trường Mitchell theo học, xác của cô gái bất ngờ mới được phát hiện. Mitchell được tìm thấy trong tư thế hai tay trói sau lưng, cổ có nhiều vết rạch. Tại hiện trường, cảnh sát thu được một điếu thuốc lá hút dở và dấu giày in trên sàn của nhà để xe cho thấy người đàn ông đi giày Clark size 9 hoặc 9,5.

Bà Cathy Woods phải ngồi tù oan suốt 35 năm 

Michelle vốn rất sợ nhện hay các gian phòng cũ. Vậy nên việc cô gái đi vào nhà xe cũ một mình gợi nhiều nghi vấn.  Có nhân chứng cho rằng một người đàn ông đã ôm Mitchell từ phía sau khi cô đang đi lấy xe. Người khác lại khẳng định nhìn thấy một người đàn ông chạy trốn khỏi hiện trường vụ án gần thời điểm xảy ra vụ việc.

Nghi vấn xe Michelle va quệt với xe phía trước dẫn đến việc một người đàn ông bị đổ máu cũng được một nhân chứng đặt ra. Cảnh sát cũng tập trung tìm kiếm nam nghi phạm giết người nhưng bất thành. Vụ án rơi vào bế tắc.

Lời “tự thú chết người”    

Vào thời điểm xảy ra án mạng, Cathy Woods đang ở trung tâm thành phố Reno, không xa hiện trường vụ án. Bản thân là người mắc bệnh tâm thần phân liệt, chỉ học được đến lớp 6, Cathy Woods thậm chí rơi vào tình trạng gần như mất ý thức hoàn toàn vào thời điểm 3 năm sau vụ án.

Trớ trêu thay, tháng 3/1979, khi đang điều trị trong viện tâm thần, trong một cuộc chuyện trò vô tình với Carol Sherman, một nhân viên của trung tâm y tế LSU, trong vô thức Cathy Woods huyễn hoặc rằng cô chính là người sát hại Mitchell khi hai người nhắc đến vụ án này. Lời nói bâng quơ của một bệnh nhân tâm thần nặng tới mức không thể duy trì một cuộc trò chuyện thông thường đâu ngờ lại được chuyển tới thám tử Ashley và sau đó tới viên cảnh sát Kimpton, Dennison ở Reno.

Lực lượng điều tra vui mừng được giải thoát khỏi áp lực dư luận vì bế tắc trong việc tìm ra nghi phạm vụ án bấy lâu, nhưng kể từ đây cuộc đời Woods bắt đầu chuỗi ngày đen tối. Dù Woods khác xa với mô tả của nhân chứng về nghi phạm. Cô gái có mái tóc ngắn, tối màu hoàn toàn không có nét gì giống với người đàn ông tóc vàng, cao và đôi giày cô đi cũng nhỏ hơn vết giày tại hiện trường. Hơn nữa, cô không có khả năng tỉnh táo để thực hiện một cuộc chuyện trò bình thường, thậm chí trong lúc thẩm vấn, Woods còn khai linh tinh từng làm việc cho FBI hoặc đang bị mẹ ruột cố gắng đầu độc. Dẫu vậy, Woods vẫn mặc nhiên được xem là nghi phạm.

Trong phiên tòa xét xử ngày 11/12/1980, lời nhận tội vu vơ của cô gái tội nghiệp khi xưa được “vẽ” thêm nhiều chi tiết như Woods đã sửa xe giúp Mitchell, rồi đòi quan hệ tình dục. Khi bị khước từ, Woods đã ra tay sát hại Mitchell, với nhiều vết rạch trên cổ. Woods nhận án chung thân không ân xá.

Phán quyết này bị tòa tối cao bang Nevada hủy bỏ và yêu cầu xét xử lại vào tháng 3/1985. Tại phiên xét xử thứ hai, phía bào chữa có gọi người có thông tin về kẻ thực sự sát hại Michelle ra làm chứng nhưng vẫn không thay đổi được kết quả. Woods bị kết tội lần hai với bản án giữ nguyên.

Sự thật phơi bày

Cuộc đời đầy rủi ro và ngang trái của Woods rốt cuộc cũng có được một may mắn lớn khi vào năm 2013, theo luật, tù nhân có tên Halbower phải nộp mẫu ADN sau khi hắn được ân xá khỏi nhà tù ở Nevada và bị chuyển sang một nhà tù ở tiểu bang Oregon để bắt đầu thụ án vụ giết người 30 năm tù. Hắn đã thụ án tù ở Nevada vì tội Hiếp dâm trong một vụ án khác.

ADN của Halbower cho kết quả trùng khớp với mẫu ADN được tìm thấy trong đầu tàn một điếu thuốc lá hiệu Marlboro bị bỏ lại tại hiện trường ở Reno. Halbower nhanh chóng được xác định là thủ phạm thực sự gây nên cái chết của Michelle. 

Tuy nhiên, công nghệ mới này có lẽ cũng khó lòng cứu người phụ nữ thiểu năng thoát khỏi nỗi oan tày đình nếu không có sự ra tay cứu giúp của người bạn chung phòng tù. Hiểu được nỗi oan của người bạn chung phòng, người bạn tù đã viết thư đề nghị yêu cầu lấy mẫu ADN của Halbower để thử nghiệm và đưa sự việc ra ánh sáng.

Với những bằng chứng mới, bản án của bà Woods một lần nữa bị tòa án hủy bỏ và cho xét xử lại vào tháng 9/2014. Ngày 11/9/2014, sau 35 năm ngồi tù, bà Woods chính thức được tự do và mới đây bà nhận được bồi thường 3 triệu USD (67 tỷ đồng).

67 tỷ đồng hay thậm chí nhiều hơn nữa, dẫu vậy, không thể bù đắp cho chuỗi thanh xuân bị đánh cắp và xóa nhòa những đau khổ mà bà Woods, nạn nhân bị án oan có thời gian bị giam giữ lâu nhất lịch sử Mỹ phải trải qua.

67 tỷ đồng bồi thường cho 35 năm tù oan

Năm 2019, sau thắng kiện ở cấp liên bang, bà Woods được bồi thường 3 triệu USD (67 tỷ đồng) cho chuỗi ngày ngồi tù oan suốt 35 năm. Số tiền bồi thường còn tăng thêm khi đơn kiện đòi bồi thường thiệt hại của bà tiếp tục được gửi tới chính quyền thành phố Reno và những cựu điều tra viên.