Gia đình

Ly hôn và nỗi buồn từ những con số

Không ít cặp đôi yêu nhau, quyết định đi đến hôn nhân nhưng lại hoàn toàn chẳng mấy quan tâm, tìm hiểu về Luật Hôn nhân gia đình trong giai đoạn tiền hôn nhân.

Gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn. Pháp luật có những quy định rất rõ ràng để điều chỉnh các hành vi, ứng xử trong vấn đề hôn nhân gia đình ngày càng phù hợp hơn.

Tuy nhiên, có điều đáng nói ở đây là, có không ít cặp đôi yêu nhau, quyết định đi đến hôn nhân nhưng lại hoàn toàn chẳng mấy quan tâm, tìm hiểu về Luật Hôn nhân gia đình trong giai đoạn tiền hôn nhân. Nếu như tất cả cặp đôi trước khi ràng buộc nhau bằng tờ giấy đăng ký kết hôn biết được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình, họ sẽ có cái nhìn văn minh hơn, cư xử với nhau thận trọng hơn trong đời sống hôn nhân gia đình.

Theo số liệu báo cáo của Toà án Nhân dân tỉnh Đồng Nai, trong năm 2022, trên địa bàn tỉnh đã giải quyết 11.329/13.040 vụ việc hôn nhân gia đình. Số liệu của ví dụ này cho thấy những điều đáng suy ngẫm.

Ra quyết định đi đến bước đường cùng của hôn nhân là hết sức khó khăn. Phụ nữ thường là những người muốn cứu vãn cuộc hôn nhân để giữ cho con cái có một cuộc sống trọn vẹn tình yêu thương gia đình. Họ sợ cuộc hôn nhân đổ vỡ sẽ gây ra những ngã rẽ nghiệt ngã cho những đứa con, một phần họ không tự tin vào tài chính của mình sau hôn nhân, hoặc sợ hãi không được gặp lại con.

Một thẩm phán tại Toà án Nhân dân huyện Thống Nhất (Đồng Nai) cho biết: “Những năm gần đây, tỷ lệ ly hôn trên địa bàn huyện tăng cao. Mỗi năm tăng khoảng 18% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu là sự bất đồng trong ứng xử, khó khăn về kinh tế, sự lạm dụng về tinh thần và thể xác của người bạn đời, khác biệt về lối sống và giá trị, lừa dối, ngoại tình, cảm giác không còn yêu thương, hết trách nhiệm. Hiện nay phụ nữ chủ động đi làm, tự chủ tài chính, nên không còn xu hướng cam chịu những ông chồng bảo thủ như xưa nữa. Đặc biệt là giới trẻ hiện nay có xu hướng yêu nhanh, cưới vội, nên khi sống chung thường không hoà hợp, ly hôn chóng vánh”.

Nhưng hậu quả sau ly hôn, đó là con cái thiếu đi tình thương của một trong hai người cha/mẹ, ảnh hưởng trực tiếp đến tâm, sinh lý của con trẻ. Thực tế, đằng sau các cuộc ly hôn, biết bao số phận, bao mảnh đời rơi vào cảnh nghiệt ngã, bất hạnh, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Thiết nghĩ, các cặp đôi trước khi ly hôn hãy nghĩ đến con rồi nghĩ đến mình để có cách cư xử văn minh hơn, đỡ gây tổn thương nhất cho những đứa trẻ non nớt đã phải gánh cú sốc đầu đời mang tên “đổ vỡ và chia ly”.

Chính vì vậy, để kéo giải tình trạng ly hôn ngày càng tăng cao, trước hết các cơ quan chức năng, đoàn thể...cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về Luật Hôn nhân gia đình 2014, Luật Bình đẳng giới năm 2006, Luật Trẻ em năm 2016…

Đối với cấp cơ sở nâng cao chất lượng tổ hoà giải, thực hiện tốt công tác hoà giải ngay khi có mầm mống phát sinh trong quan hệ gia đình. Từng người trẻ trước khi kết hôn có trách nhiệm với chính mình, nên chủ động tìm hiểu về Luật Hôn nhân gia đình năm 2014, để hiểu về trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong gia đình, chuẩn bị sẵn tâm lý, cách ứng xử cho phù hợp, có kỹ năng xử lý các tình huống phát sinh, biết phòng ngừa khi xung đột cuộc sống xảy ra tránh những hậu quả đáng tiếc trong tương lai.