Góc nhìn luật gia

Lý giải động cơ gây án vụ anh trai truy sát gia đình em gái ở Thái Nguyên

Vụ anh trai truy sát khiến 3 người thân trong gia đình em gái thương vong ở Thái Nguyên cho thấy người phạm tội trong vụ án là người có địa vị, học thức và từng trải. Vậy điều gì khiến họ trở nên tàn bạo như vậy?

Lý giải động cơ gây án

Liên quan đến vụ án anh trai chém 3 người nhà em gái thương vong tại Thái Nguyên (tối 14/9), PV Người Đưa Tin, đã có cuộc trao đổi với luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng tại Văn Phòng Luật Sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP. Hà Nội để phân tích về những nguyên nhân dẫn đến vụ án trên. 

Luật sư Đặng Văn Cường phân tích, thời gian gần đây liên tục xảy ra những vụ "thảm sát" từ những người ruột thịt trong gia đình như tại huyện Đan Phượng (Hà Nội) mới đây là Thái Nguyên.

Đối tượng gây án đều có nhân thân tốt, từng có địa vị xã hội, hoặc có điều kiện kinh tế nhất định,  từng trải và không còn nông nổi. Do đó, nguyên nhân không phải là thiếu giáo dục, không phải là đối tượng có bản tính côn đồ, máu lạnh.

Đối tượng Bùi Xuân Hồng tại cơ quan công an.

Điều đó chỉ có thể giải thích là khi mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm. Trong những vụ án như thế này thì mâu thuẫn không phải là nhất thời mà đã diễn ra trong một thời gian dài, một quá trình. Do đó, hung thủ tích tụ những suy nghĩ tiêu cực kéo dài, những bực tức, uất hận dồn nén, không có lối thoát và không có hướng giải quyết tích cực. 

Những suy nghĩ tiêu cực kéo dài đó làm đối tượng nảy sinh ý định trả thù, khi mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm thì những suy nghĩ tiêu cực tích tụ suốt một thời gian dài gặp tương tác của xã hội, tình huống có vấn đề khiến cảm xúc bùng nổ và từ một "người hiền như đất" bỗng chốc biến thành một "con quỷ dữ", sẵn sàng ra tay sát hại bất cứ ai, kể cả đó là người thân.

Khi đó, đối tượng phạm tội dường như mất lý trí, không nghĩ ngợi gì nữa, không phân biệt tình lý, không nể nang tình cảm, chỉ có thù hận và quyết tâm trả thù, chỉ làm sao nhanh chóng kết thúc sự việc bằng hung khí và sau đó có thể là tự vẫn.

Nghi phạm trong những vụ án này không giống những vụ án "cướp giết" thông thường, không đơn giản chỉ vì lòng tham, thói lưu manh, côn đồ bất chấp pháp luật... Có thể đối tượng suy nghĩ rằng, anh em không bằng người dưng nên càng thêm thù hận. Từ đây, chỉ cần hoàn cảnh tác động, xô đẩy, cảm xúc lên cao không kiềm chế được thì đối tượng sẽ thực hiện hành vi thú tính, điên cuồng sát hại người khác.

Về chế tài xử lý, với hành vi dùng hung khí nguy hiểm là dao tấn công vào những vùng trọng yếu, hành động quyết liệt nhằm sát hại nhiều người thì chắc chắn rằng ông Hồng sẽ bị xử lý về tội Giết người theo quy định tại khoản 1, Điều 123 Bộ luật hình sự, với các tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự là giết nhiều người. 

Luật sư Đặng Văn Cường.

Bởi vậy, hình phạt mà ông Hồng phải đối mặt sẽ là khung hình phạt cao nhất: từ 12 đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Cụ thể tội danh và hình phạt được Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định như sau: Điều 123. Tội giết người.

Việc quyết định hình phạt đối với ông Hồng thế nào sẽ căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, nhân thân và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Ông Hồng có thể được áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là nhân thân tốt, thành khẩn khai báo, có thành tích trong công tác... Tuy nhiên cũng sẽ bị áp dụng các tình tiết định khung, tăng nặng trách nhiệm hình sự là giết 02 người trở lên (kể cả trường hợp chỉ có 01 nạn nhân chết, các nạn nhân còn lại không chết).

Ngoải ra, các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự khác cũng có thể xem xét để áp dụng như: Có tính chất côn đồ (nếu lý do nhỏ nhặt) hoặc vì động cơ đê hèn (nếu mục đích là xấu...). Với hậu quả nghiêm trọng như vậy thì có lẽ ông Hồng sẽ phải đối diện với mức án rất nghiêm khắc, có thể là tù chung thân hoặc tử hình.

Trong vụ án này để phục vụ cho công tác phòng ngừa, cũng như để giải quyết triệt để vụ án,  cơ quan điều tra sẽ phải làm rõ nguyên nhân, động cơ của hành vi phạm tội, làm rõ cảm xúc và diễn biến tâm lý tội phạm của ông Hồng. Yếu tố về nhân thân, nguyên nhân, động cơ mục đích cũng là những yếu tố tác động đến mức hình phạt của người đàn ông này.

Ngoài hình phạt nêu trên, người đàn ông này còn phải trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại về tính mạng, sức khỏe cho các nạn nhân, thiệt hại bao gồm: Tiền chi phí cứu chữa, phục hồi chức năng, tiền thu nhập bị mất, bị giảm sút, tiền công người chăm sóc, tiền chi phí mai táng với nạn nhân thiệt mạng, tiền nghĩa vụ cấp dưỡng và tiền bồi thường tổn thất về tinh thần cho thân nhân của họ....

"Dù mức án ông Hồng phải đối diện là bao nhiêu, mức bồi thường thiệt hại thế nào đi nữa, tai tiếng ở đời sẽ không bao giờ hết được, những người còn lại trong gia đình ông Hồng cũng sẽ rất đau lòng. Nỗi đau sẽ nhân đôi khi cả bị hại và bị can đều là người thân thích, ruột thịt trong gia đình.

Bởi vậy, vụ án này cũng sẽ là một bài học cho tất cả mọi người. Những mâu thuẫn, tranh chấp không thể tự giải quyết được, hòa giải được, cần phải chuyển đến tòa án để giải quyết và tòa án có trách nhiệm phải thụ lý, giải quyết kịp thời, hóa giải mâu thuẫn bằng những phán quyết có tình, có lý thì mới bớt được những vụ án đau lòng như vậy.

Cần có hợp đồng cho vay rõ ràng với người thân

Cũng chung quan điểm với luật sư Cường, luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) cho còn biết, ngoài ra, theo thông tin báo chí thì nghi can còn mang theo cả súng.

Tuy chưa biết đó là loại súng gì nhưng nếu đó là súng quân dụng thì hung thủ còn phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 304 Bộ luât hình sự với Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự

Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 07 năm. Hoặc có thể theo Điều 306, Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ.

Luật sư Diệp Năng Bình khuyến cáo, cần thiết có hợp đồng cho vay rõ ràng với người thân để làm căn cứ giải quyết.

Cơ quan chức năng cũng cần làm rõ, tại thời điểm gây án nghi can có bị bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự (theo quy định tại Điều 21, Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi năm 2017) nhưng có thể áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh theo quy định tại khoản 1, Điều 49, Bộ luật hình sự.

Còn trong trường hợp kết luận giám định xác định ông Hồng không bị mắc bệnh tâm thần, hoặc bệnh khác nhưng trước khi kết án, hoặc khi thụ án mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác, cơ quan có thẩm quyền có thể áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với đối tượng theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 49 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi năm 2017. Sau khi khỏi bệnh, hung thủ vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự nếu không có lí do khác để được miễn trách nhiệm hình sự.

"Trước tình trạng rất nhiều vụ án xuất phát từ mâu thuẫn liên quan đến tiền bạc, người thân trong gia đình do tin tưởng lẫn nhau nên khi vay mượn không lập giấy tờ, biên nhận mà chỉ thông qua lời nói.

Từ đó, không ít người vay trở mặt, không chịu trả lại. Luật sư Bình khuyến cáo, khi cho người khác vay tiền (kể cả người thân) việc tốt nhất nên làm là lập một hợp đồng vay tài sản hoặc một giấy vay tiền. Khi xảy ra tranh chấp cần khởi kiện, đây sẽ là nguồn chứng cứ quan trọng chúng ta có thể đưa cho Tòa", Luật sư Bình khuyến cáo.

Như báo Người Đưa Tin đã đưa, vào khoảng 18h ngày 14/9, ông Bùi Xuân Hồng (SN 1956, trú tại phường Thịnh Đán, TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) mang theo 1 dao bầu cán gỗ, 1 con dao bấm, 1 khẩu súng có 3 viên đạn bên trong và 1 can chứa 1,5 lít xăng đến nhà em gái là bà Bùi Thị H. (SN 1959, trú phường Chùa Hang, TP. Thái Nguyên) để tìm gặp Nguyễn Thành V. (SN 1981, con rể bà H.) đòi số tiền 3 tỷ đồng.

Tại nhà bà H., ông Hồng đã gặp anh V. và xảy ra xô xát. Sau đó, ông Hồng dùng dao đâm khiến anh V. ngã gục. 

Lúc này ông Nguyễn Văn Th. (SN 1954, chồng bà H.) xông vào đẩy ông Hồng ngã xuống đất. Bà H. cùng con gái tên Nguyễn Thị Phương Th. (SN 1983) chạy ra giữ ông Hồng. Trong lúc giãy dụa, ông Hồng đã rút được tay đang cầm dao để đâm tiếp ông Th. và bà H.

Lúc này nghe tiếng tri hô, hàng xóm đã sang kéo ông Hồng ra ngoài và đưa người bị thương đi cấp cứu. Tuy nhiên vết thương quá nặng khiến bà H. đã tử vong, còn ông Th. và anh V. hiện vẫn đang được cấp cứu.