Tài chính - Ngân hàng

Lý do Vietnam Airlines "dứt lòng" rao bán 11 máy bay

Việc rao bán máy bay cũ cũng giúp hãng Vietnam Airlines bổ sung dòng tiền để sinh tồn trong dịch Covid-19.

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đang mời đấu giá 11 máy bay A321CEO, sản xuất vào các năm 2004, 2007 và 2008.

Trong 11 tàu bay mà Vietnam Airlines mới mời bán đấu giá, có 2 chiếc từ đợt rao bán năm 2020 chuyển sang và 9 chiếc khác.

Được biết, đây là một phần trong kế hoạch dài hạn của hãng nhằm "trẻ hóa" đội bay thân hẹp. Việc rao bán máy bay cũ cũng giúp hãng bổ sung dòng tiền để sinh tồn trong dịch Covid-19.

Hãng bay cũng đang có nhu cầu thực hiện "sale and leaseback" (bán và thuê lại-PV) một động cơ dự phòng PW1133G-JM kèm một bộ chuyển đổi nhanh động cơ, dự kiến nhận bàn giao vào tháng 7.

Máy bay A321CEO của Vietnam Airlines

Trước đó, tháng 8/2020, hãng đã rao bán 9 chiếc A321CEO sản xuất các năm 2007, 2008 hay xa hơn.

Tháng 10/2019, hãng cũng phát đi thông báo muốn bán 5 chiếc A321CEO đã cũ của hãng trong kế hoạch làm mới đội bay thân hẹp.

Tính đến cuối năm 2020, Vietnam Airlines sở hữu 46 máy bay gồm 1 máy bay TurboProp ATR72-500; 38 máy bay thân hẹp A321CEO; 7 máy bay thân rộng B787-9.

Bên cạnh đó, Vietnam Airlines còn thuê 61 máy bay gồm 6 máy bay TurboProp ATR72-500; 33 máy bay A321CEO và 14 máy bay A350-900; 4 máy bay B787-9 và 4 máy bay B787-10.

Đại diện Vietnam Airlines cho hay dù khả năng thành công thấp do không nhiều hãng bay có nhu cầu mua thêm máy bay trong dịch nhưng hãng vẫn sẽ "kiên trì thực hiện".

Theo báo cáo tài chính quý I/2021 của Vietnam Airlines (mã chứng khoán: HVN), doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần 7.460 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ 2020. Doanh thu giảm mạnh trong khi chi phí không thể tiết giảm tương xứng đã khiến hãng hàng không quốc gia ghi nhận lỗ 4.900 tỷ đồng thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo bảng cân đối kế toán, mục lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến 31/3/2021 ghi nhận - 14.219 tỷ đồng, tức là lỗ luỹ kế của Vietnam Airlines (MCK: HVN) đã lớn hơn khoản vốn điều lệ.

Điều này đồng nghĩa với việc hãng bay đang đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết nếu tình trạng này không sớm được khắc phục. Trước đó, mã HVN cũng đã bị HoSE đưa vào diện cảnh báo từ 15/4.

Ngày 26/3 vừa qua, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 450 quy định về việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

NHNN tái cấp vốn không cần tài sản bảo đảm trên cơ sở đề nghị của TCTD sau khi cho Vietnam Airlines vay. Tổng số tiền giải ngân tái cấp vốn cho TCTD là 4.000 tỷ đồng với mức lãi suất tái cấp vốn 0%...

Thanh Minh (Theo Zing/Tuổi Trẻ/Người Lao Động)