Giải trí

Kiếm hiệp Kim Dung: Lý do Trương Tam Phong rời Thiếu Lâm lập ra Võ Đang

Trương Tam Phong là nhân vật có thật trong lịch sử Trung Hoa, được cố nhà văn Kim Dung đưa vào tiểu thuyết kiếm hiệp của mình.

Trong tiểu thuyết kiếm hiệp của cố nhà văn Kim Dung, Trương Tam Phong còn được gọi là Trương Chân Nhân, là người sáng lập Võ Đang, tên lúc nhỏ của ông là Trương Quân Bảo. Từ nhỏ, ông đã được mẹ gửi lên chùa Thiếu Lâm làm đồ đệ của Giác Viễn đại sư chùa Thiếu Lâm. Tuy nhiên, cuộc sống của Trương Tam Phong đã trải qua nhiều biến cố đầy kịch tính.

Một trong những sự kiện quan trọng là cuộc tỉ thí võ công giữa Hà Túc Đạo và Giác Viễn đại sư, mà Trương Quân Bảo đã ngẫu nhiên tham gia vào. Cuộc đấu này khiến Hà Túc Đạo thua cuộc và rời khỏi chùa Thiếu Lâm.

Sau khi Hà Túc Đạo đi rồi, phương trượng chùa Thiếu Lâm liền sai người bắt Quân Bảo vì tội học lén võ công. Giác Viễn đại sư vốn yêu thương Quân Bảo như con đẻ, sợ nếu như cậu mà chịu hình phạt của chùa thì sẽ khó bảo toàn tính mạng nên ông đã liều chết cứu Quân Bảo.

Giác Viễn đại sư cho Quân Bảo và Quách Tương (con gái của Quách Tĩnh đại hiệp) vào hai thùng nước rỗng, sau đó ông chạy khỏi chùa Thiếu Lâm. Khi tới chân núi, thoát khỏi sự truy đuổi của tăng nhân, Giác Viễn đại sư do đã bị trọng thương lúc giao đấu với Hà Túc Đạo nên đã kiệt sức và viên tịch. Trước lúc mất ông đã đọc lại toàn bộ Cửu dương chân kinh hay còn gọi là Cửu dương thần công cho Quách Tương và Quân Bảo nghe.

Sau đó, Trương Quân Bảo liền lên núi Võ Đang kiếm một cái hang luyện tập chăm chỉ Cửu dương chân kinh mà Giác Viễn để lại, trong 10 năm sau nội lực đã tiến bộ vượt bậc.

Trương Quân Bảo sau đó còn học phép luyện khí của Đạo gia và nhận ra tầm quan trọng của sự cân bằng giữa âm dương trong võ học. Về sau, trong lúc đi du ngoạn Quân Bảo nhìn thấy 3 ngọn núi hùng vĩ vươn lên đâm vào mây, lại ngộ ra sở học võ công nên đã tự đặt cho mình tên hiệu Tam Phong.

Sau đó, ông sáng lập ra Võ Đang và thu nhận 7 để tử. Khi về già Trương Tam Phong còn tự sáng ra bộ võ Thái cực quyền và Thái cực kiếm danh trấn thiên hạ, với nguyên lý dùng tĩnh chế động, dùng nhu khắc cương.

Quốc Tiệp