Tài chính - Ngân hàng

Lý do nhu cầu rút tiền mặt tại ATM dịp Tết năm nay sẽ không tăng nhiều

Việc rút tiền mặt trong dịpTết năm nay được dự báo không nhiều như những năm trước phần vì thu nhập của người dân bị giảm, phần vì thói quen thanh toán của nhiều người đã thay đổi.

Hàng năm, vào dịp cuối năm, cận Tết Nguyên Đán, nhu cầu tiền mặt của cá nhân, doanh nghiệp lại tăng mạnh. Người dân cần tiền để chi tiêu mua sắm còn doanh nghiệp cũng cần lượng lớn tiền mặt để trả lương, thưởng cho nhân viên. Bởi vậy, hình ảnh người dân xếp hàng dài trước các cây ATM ngân hàng để rút tiền những ngày cận Tết đã là hình ảnh đã rất quen thuộc bao năm qua. Tuy nhiên, việc rút tiền mặt trong dịp Tết năm nay được dự báo sẽ không nhiều như những năm trước.

Thói quen thanh toán của người dân đã thay đổi mạnh mẽ trong 2 năm gần đây, chuyển sang thanh toán không tiền mặt. Không chỉ khu vực thành thị mà ở khu vực nông thôn, nhiều người cũng đã dần quen với các hình thức thanh toán như quét mã QR, ví điện tử, chuyển tiền qua mobile banking,...

Theo báo Tin Tức, ngày 28/12, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho biết, nhu cầu rút tiền mặt tại cây ATM dịp cuối năm sẽ không lớn như mọi năm.

Việc rút tiền mặt trong dịp Tết năm nay được dự báo không nhiều như những năm trước. Ảnh minh họa 

“Việc rút tiền mặt giảm là do dịch bệnh Covid-19 kéo dài đã ảnh hưởng đáng kể đến thu nhập của người dân, cùng với đó là xu hướng dịch chuyển mạnh mẽ từ thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán điện tử, từ hệ thống ATM sang các hệ thống thanh toán khác như thanh toán 24/7, điểm thanh toán chấp nhận thẻ, thanh toán bằng di động… Dự báo, nhu cầu rút tiền mặt sẽ không căng thẳng như mọi năm. Ngành ngân hàng sẽ đáp ứng được tốt nhu cầu rút tiền mặt của người dân”, ông Lê Anh Dũng cho biết.

Theo VTV, liên quan đến khả năng hoạt động liên tục của hệ thống ngân hàng trong dịch cuối năm, Ngân hàng Nhà nước cho biết hiện Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) có thể thực hiện được khối lượng giao dịch rất lớn, mỗi ngày có thể lên tới 7 triệu giao dịch chuyển mạch mà vẫn đảm bảo an toàn.

Cách đấy ít ngày, dữ liệu của NAPAS cho thấy, tổng số lượng và giá trị giao dịch xử lý qua hệ thống của đơn vị này trong năm 2021 tăng trưởng 94% về số lượng giao dịch và 131% về giá trị giao dịch so với năm 2020. Cùng với giá trị giao dịch tăng mạnh, số lượng khách hàng trong năm 2021 cũng tăng trưởng hơn 80% so với năm 2020.

Một dữ liệu gây nhiều chú ý là tỉ trọng các giao dịch rút tiền mặt qua ATM trên tổng giao dịch xử lý qua hệ thống của NAPAS tiếp tục giảm mạnh từ 26% năm 2020 xuống mức 12% năm 2021.

Theo báo Tin Tức, thông tin từ NHNN cho biết, hoạt động thanh toán trong nền kinh tế được diễn ra an toàn, hiệu quả, thông suốt; các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng tương đối tốt. Trong 10 tháng của năm 2021 giao dịch qua máy bán hàng chấp nhận thẻ ngân hàng để thanh toán hóa đơn dịch vụ (POS) tăng tương ứng 14,25% và 12,6% về số lượng và giá trị giao dịch so với cùng kỳ; qua kênh Internet tăng tương ứng 49,39% và 29,14%; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 72,67% và 85,09%; thanh toán qua mã phản ứng nhanh QR code tăng tương ứng 54,24% và 120,64% với hơn 90.000 điểm chấp nhận thanh toán qua QR code...

“NHNN luôn coi trọng và xác định quản lý tiền mặt là một nhiệm vụ hết sức quan trọng trong quản lý, điều hành. Việc bảo đảm an toàn kho quỹ trong hệ thống ngân hàng được Ban Lãnh đạo NHNN quan tâm chỉ đạo sát sao, yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định đã được ban hành”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết. 

Ngân hàng Nhà nước mới đây cũng đã có công văn số 8751/NHNN-TT về công tác thanh toán trong thời gian quyết toán năm 2022 để đáp ứng nhu cầu tiền mặt của người dân.

Trong đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể về hoạt động ATM dịp cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán năm 2022 (bao gồm kế hoạch tiền mặt cho ATM, tiếp quỹ ATM, nhân sự cho ATM, bảo trì, bảo dưỡng ATM ...); giám sát chặt chẽ để phát hiện và tiếp quỹ kịp thời đối với các ATM hết tiền; có biện pháp xử lý, ứng phó kịp thời các sự cố, tình huống phát sinh đảm bảo hệ thống ATM hoạt động an toàn, thông suốt (đặc biệt tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đông dân cư có nhu cầu rút tiền mặt lớn ); hỗ trợ, giải quyết kịp thời các vướng mắc của khách hàng trong quá trình giao dịch qua ATM, ưu tiên xử lý nhanh chóng đối với các trường hợp ATM nuốt thẻ.

 

Đào Vũ (Theo báo Tin Tức, VTV, Doanh nghiệp và Tiếp thị)