Tiêu điểm thế giới

Lý do Nga “một mình một ngựa” và nước cờ khiến phương Tây hụt hẫng

Nga đã trở lại trang nhất của các tờ báo phương Tây nhưng không theo cách nước này kỳ vọng.

Theo Tribune, Nga đã trở lại trang nhất của các tờ báo phương Tây, nhưng không phải theo cách mà nước này đã được kỳ vọng xuất hiện trên chính trường thế giới 30 năm trước. Sau đó, vào năm 1991, khi Liên Xô sụp đổ, người ta đã kỳ vọng rằng Moscow sẽ nhanh chóng gia nhập khối liên minh các nước phương Tây. Đó là hy vọng khiến nhóm bảy nước giàu nhất thế giới - G7 - mời Nga tham gia nhóm. G7 trở thành G8.

Tuy nhiên, liên minh đó không tồn tại được bao lâu kể từ khi nước Nga của Tổng thống Vladimir Putin từ chối cuộc chơi và theo đuổi các quy tắc mà các nước phương Tây mong đợi.

Trong một cuốn sách xuất bản năm 1993, nhà xã hội học Francis Fukuyama dự đoán rằng sau nhiều năm xung đột ý thức hệ dẫn đến hai cuộc Thế chiến, sự kết thúc của Chủ nghĩa Cộng sản ở Châu Âu đánh dấu sự kết thúc của lịch sử mô hình này.  

Tổng thống Nga Putin. 

Tác giả cũng dự đoán rằng nền dân chủ đại diện kiểu phương Tây sẽ chiếm ưu thế hơn các hệ thống khác. Những bước đi ban đầu của Moscow trong thời kỳ trước khi ông Putin làm Tổng thống cho thấy, Moscow có thể đang đi theo hướng đó. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra khi ông Putin cầm quyền.

Mọi phân tích về các chính sách của ông Putin đều nên bắt đầu từ các lợi ích địa chính trị của Nga. Trung Đông là một khu vực được ông chủ Điện Kremlin ưu tiên hàng đầu. Động lực chính cho các chính sách của Tổng thống Nga trong khu vực chính là địa chính trị. Đứng đầu trong ưu tiên của ông là nhu cầu kiềm chế và giảm tối đa chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và không để chủ nghĩa cực đoan có thể mở rộng sang Nga cũng như các nước lân cận.

Theo đánh giá về tình hình Nga của ông Dmitri Trenin, giám đốc trung tâm Carnegie Moscow, một số nhóm người nhập cư đã “cam kết trung thành với Nhà nước Hồi giáo tự xưng. Và kể từ những năm 1990, khủng bố là một mối đe dọa thường xuyên trên khắp đất nước Nga, đặc biệt là ở các thành phố lớn”.

Có những lợi ích khác của Nga ở Trung Đông. Một số lợi ích liên quan đến các mưu đồ quân sự và một số liên quan tới kinh tế của Moscow. Ông Putin lo ngại về vấn đề phụ thuộc vào dầu khí của Moscow. Ông cũng quan tâm đến việc phát triển các mặt hàng xuất khẩu khác, bao gồm cả khí tài quân sự và các nhà máy điện hạt nhân. Ông khiến Washington không hài lòng khi đồng ý bán cho Thổ Nhĩ Kỳ một hệ thống radar tiên tiến, hệ thống tên lửa đất đối không S-400 của Nga. Và, bất chấp áp lực hủy bỏ thỏa thuận từ phía chính quyền Trump, việc bàn giao hệ thống vũ khí theo lịch trình đã được thực hiện từ quý đầu tiên của năm 2020.

Dưới nhiệm kỳ nhiều năm của ông Putin, Nga không duy trì hệ thống quản trị theo kiểu phương Tây. Nhưng, nước Nga đã phát triển rất mạnh.

Dựa trên những con số thống kê có thể thấy, nước Nga dưới thời ông Putin đã thay đổi tích cực về đối nội lẫn đối ngoại.

Thomas Graham trên tờ The Financial Times ngày 17/12/2017 nhận định: "Khi ông Putin lên nắm quyền 18 năm trước, nhiệm vụ chính của ông là trả lại cho nước Nga vị thế cường quốc. Ông đã nỗ lực để Nga trở thành một trong số không nhiều các quốc gia xác định cấu trúc, nội dung và đường hướng những vấn đề đối ngoại thế giới. Ông Putin muốn, nếu không có Matxcơva không vấn đề toàn cầu nào có thể giải quyết và ông đã đạt được thành công đáng kể trong việc này".