Tiêu điểm thế giới

Lý do Nga không dám "lơ là" trước mọi bước đi nguy hiểm của Mỹ ở Venezuela

Nga có một mối quan tâm hợp lý về việc Mỹ thường xuyên sử dụng vũ lực để lật đổ chính quyền chống đối và lập nên chính quyền mới "thân" Washington.

Ngoại trưởng Lavrov bác bỏ thông tin Tổng thống Maduro muốn rời khỏi đất nước.

Cuộc khủng hoảng ở Venezuela đang trong tình trạng bế tắc. Trong áp lực buộc Tổng thống Nicolas Maduro phải từ chức, nỗ lực đảo chính của nhà lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido đã thất bại trong việc kiểm soát các tổ chức quân sự cũng như lực lượng an ninh của nước này.

Kể từ khi Guaido tự xưng là tổng thống lâm thời vào tháng 1, Mỹ đã công khai hậu thuẫn cho nhân vật này, trong khi Nga và Cuba đã tăng cường hỗ trợ cho chính quyền hợp pháp của Tổng thống Maduro, tạo ra một cuộc đụng độ giữa các cường quốc, theo NBC News.

Ông Trump thay đổi lập trường?

Sau cuộc nổi dậy thất bại của nhà lãnh đạo đối lập Guaido, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bất ngờ quay sang công kích Cuba trên Twitter, cáo buộc nước này có các hoạt động ủng hộ Venezuela và đe dọa đưa ra các lệnh trừng phạt khắc nghiệt nhất.

Nhưng một ngày sau đó, chính quyền Trump dường như làm dịu đi lập trường của mình và sử dụng cách tiếp cận “củ cà rốt” với Cuba.

Ngoại trưởng Mike Pompeo khiến nhiều người ngạc nhiên khi ông nói trong một cuộc phỏng vấn vào CBS rằng chính quyền đang làm việc với Chính phủ Cuba về vấn đề Venezuela.

Bình luận về sự thay đổi này, Michael Shifter, chủ tịch Đối thoại Liên Mỹ cho rằng: "Họ không phản đối việc mở các cuộc trò chuyện với các quốc gia có liên minh với Maduro. Mỹ muốn khiến những người ủng hộ Maduro phải rút lui”.

Trong khi đó, một số nhà phân tích cho rằng Nga và Mỹ đang tham gia nhiều hơn vào Venezuela sau khi dành nhiều tháng cáo buộc nhau can thiệp vào quốc gia Nam Mỹ này.

Vào thứ Sáu tuần trước, hai nhà lãnh đạo Trump và Putin đã nói chuyện điện thoại trong một giờ đồng hồ, với phần lớn nội dung tập trung vào Venezuela, theo tuyên bố từ Nhà Trắng.

Tổng thống Trump sau đó nói trong một cuộc họp báo rằng, ông Putin đã bảo đảm với ông về việc không muốn dính líu đến Venezuela và Nga đang tìm cách giải quyết tình trạng hỗn loạn.

Cùng với đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Ngoại trưởng Mike Pompeo đã gặp nhau hôm 6/5 tại Phần Lan để thảo luận thêm về tình hình Venezuela sau những tuyên bố đáp trả nhau tuần qua.

“Cuộc thảo luận nhằm truyền đạt cho người Nga một số hình thức đảm bảo rằng người Mỹ kêu gọi người Nga đứng ngoài cuộc không phải là chiếm đoạt tài sản của Nga”, chuyên gia Matthew Matthew Rojansky, giám đốc Viện Kennan của Trung tâm Wilson, cho biết.

Sự hiện diện của Cuba

Nga không muốn nhìn thấy sự can thiệp của Mỹ kéo dài vô thời hạn.

Cuba và Venezuela là hai quốc gia có quan hệ chặt chẽ trong hai thập kỷ qua. Mỹ đã nhiều lần nói rằng có hơn 20.000 nhân viên an ninh Cuba ở Venezuela trực tiếp hỗ trợ cho Tổng thống Maduro. Các quan chức Cuba đã liên tục bác bỏ cáo buộc này.

“Cuba duy trì khoảng 20.000 người ở Venezuela và 94% tham gia vào các nhiệm vụ y tế”, theo Johanna Tablada, một quan chức của bộ Ngoại giao Cuba, cho biết trong một cuộc họp báo tuần trước.

Mặc dù không nói rõ 6% còn lại là ai, nhưng các quan chức Cuba nói rằng họ không có quân đội ở Venezuela và không tham gia vào các hoạt động an ninh.

Vì sao Nga duy trì sự quan tâm?

Đầu tuần trước, ông Pompeo cho biết Tổng thống Maduro đã lên kế hoạch chạy trốn khỏi Venezuela nhưng Nga yêu cầu ông ở lại đất nước - một tuyên bố mà Nga và Tổng thống Maduro đã bác bỏ kịch liệt.

Hiện Nga có các lực lượng ở Venezuela như một phần trong quan hệ đối tác quân sự. Vào cuối tháng 3, hai máy bay quân sự đã chở thêm khoảng 100 nhân viên tới Venezuela trong nhiệm vụ bảo dưỡng vũ khí.

Mối quan hệ giữa hai nước cũng gắn bó chặt chẽ về kinh tế. Trong những năm gần đây, công ty dầu mỏ nhà nước Nga Rosneft đã trở thành đối tác lớn nhất của Venezuela.

Giới phân tích cho biết, Nga có một mối quan tâm hợp lý về việc khi lãnh đạo phe đối lập Guaido lên nắm quyền, Chính phủ mới sẽ xóa sạch quyền sở hữu của họ tại quốc gia này.

Đối với Nga, Venezuela cũng có một giá trị địa chính trị trong việc hiện diện ở Tây bán cầu. Trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, Nga đã lo ngại về việc Mỹ là cường quốc thống trị duy nhất trên thế giới.

“Người Nga quan tâm đến việc Mỹ sử dụng sức mạnh để cưỡng chế thay đổi chính quyền mà họ không thích thành các chính quyền thân thiết với mình”, chuyên gia Rojansky nêu quan điểm.

Người Nga đã theo dõi những gì họ tin là các hoạt động thay đổi chính quyền do người Mỹ giật dây, chẳng hạn như ở Ukraine, Georgia, Kyrgyzstan và Balkan.

“Vì lý do đó, họ rất lo lắng rằng mô hình này có thể tiếp tục vô thời hạn”, chuyên gia  Rojansky nói thêm.

Đối với Nga, Venezuela cũng là cơ hội để giáng một đòn mạnh vào Tây bán cầu sau khi Washington ủng hộ một cuộc đối đầu chống Điện Kremlin ở Ukraine.

Bolton đóng vai trò quan trọng

Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton từng nhiều lần khẳng định không có sự can thiệp của nước ngoài vào quá trình dân chủ ở Venezuela. Ông Bolton đã đề cập đến Nga và Cuba, nhưng không nhận rằng Mỹ cũng đang can thiệp.

Mỹ đã thực hiện các bước khiêu khích kể từ khi Bolton lĩnh xướng vấn đề. “Bolton là một nhân vật chủ chốt. Ông ấy đang mang đến những kinh nghiệm từ thời Chiến tranh Lạnh và đối với ông ấy, sự tham gia của Cuba là mối quan tâm lớn”, chuyên gia Shifter nói.

Trong phe đối lập của Venezuela, có những người hoan nghênh áp lực ngoại giao và kinh tế mà Mỹ đang sử dụng chống lại chính quyền Maduro trong khi một số người vẫn cảnh giác với sự can thiệp của quân đội Mỹ.