Thế giới

Lý do nào khiến hãng hàng không lâu đời nhất châu Á đệ đơn xin phá sản?

Philippine Airlines lỗ nặng vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tuy vậy tình hình kinh doanh tồi tệ của hãng bay này đã kéo dài từ lâu.

Theo thông báo chính thức từ hãng hàng không Philippine Airlines (PAL) vào ngày 4/9, công ty này đã đệ đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11, Luật Phá sản  Mỹ tại một tòa án ở New York. 

Trước đó, công ty này đã tiến hành đàm phán với các bên liên quan để có thể thúc đẩy kế hoạch tái cơ cấu. Một hồ sơ song song để được công nhận bảo hộ phá sản ở Philippines theo Đạo luật Phục hồi Tài chính và Phá sản (FRIA) năm 2010 cũng sẽ được thực hiện.

Đây là một phần trong kế hoạch tái cơ cấu và phục hồi do chịu những khoản lỗ nặng nề từ đại dịch Covid-19. Động thái này của Philippine Airlines nhận được sự hậu thuẫn từ chính các công ty tài chính đã cho hãng vay vốn.

Lỗ nặng nề 4 năm liền

Ra đời từ năm 1941, PAL Holding- công ty mẹ của Phillipines Airlines đã gặp liên tục các thách thức ập đến ngay cả trước đại dịch. Năm 1999, hãng hàng không từng đối mặt với hàng loạt cuộc đình công lao động trong khi vật lộn với cuộc khủng hoảng tài chính châu Á và khoản nợ 2 tỷ USD do kế hoạch mở rộng đầy tham vọng của hãng thời điểm đó. 

PAL Holdings đã báo cáo lỗ kể từ quý đầu tiên của năm 2017. Họ cùng đã chịu khoản lỗ kỉ lục 71,7 tỷ peso (1,4 tỷ USD) vào năm 2020, so với mức lỗ 10,3 tỷ peso vào năm trước.

Năm 2020 đánh dấu năm thứ tư liên tiếp ghi nhận những khoản lỗ nặng nề của Philippines Airlines.

Chủ tịch PAL Gilbert Santa Maria cho biết lượng đi lại bằng đường hàng không ở Philippines đã giảm 75% từ mức 30 triệu lượt khách năm 2019 xuống còn 7 triệu lượt khách trong năm 2020 do các biện pháp hạn chế nhằm chống dịch Covid-19. Hãng đã phải hủy hơn 80.000 chuyến bay, khiến doanh thu giảm 2 tỷ USD và phải sa thải 2300 nhân viên. Cổ đông lớn nhất đã rót khẩn cấp hơn 130 triệu USD để giúp hãng duy trì hoạt động.

Theo Chương 11 của Luật Phá sản Mỹ , Philippine Airlines vẫn có thể tiếp tục hoạt động trong quá trình tái cơ cấu. Vì vậy hãng này hiện đang duy trì khoảng 21% chuyến bay so với thời điểm trước đại dịch.

Máy bay Philippine Airlines đậu tại sân bay Manila, Philippines - Ảnh: REUTERS

Kế hoạch tái cơ cấu và phục hồi

Thực ra Philippine Airlines đã chuẩn bị cho việc tái cơ cấu từ cuối năm 2020, trong bối cảnh ngành công nghiệp du lịch và lữ hành đối mặt với nhiều khó khăn do đại dịch. Động thái đầu tiên là hãng này đã cắt giảm 35% nhân viên vào đầu năm nay.

Kế hoạch tái cơ cấu này còn tùy thuộc vào chấp thuận của tòa án, nhưng kỳ vọng sẽ giúp cho Philippine Airlines cắt giảm khoản nợ hơn 2 tỷ USD và nhận được 655 triệu USD vốn mới theo Luật Phá sản. Hãng cho biết sẽ giảm 25% công suất đội bay đang hoạt động và đàm phán lại các hợp đồng để hoàn trả một số máy bay đã đặt mua hoặc thuê trước đó. Philippine Airlines sẽ nhận được 505 triệu USD vốn và khoản tài trợ nợ (debt financing) từ các cổ đông lớn hiện tại. Ngoài ra, họ cũng nhận 150 triệu USD khoản tài trợ nợ từ các nhà đầu tư mới. Hãng đã đạt được thỏa thuận hỗ trợ từ 90% các chủ nợ.

Hãng dự kiến duy trì một số đường bay theo quy định an toàn, tăng cường các hoạt động vận chuyển hành khách và hàng hóa không bị ảnh hưởng bởi đơn bảo hộ phá sản. Công ty cho biết thêm rằng các đại lý du lịch và đối tác thương mại không cần lo lắng về việc sẽ xảy ra sự gián đoạn trong tương lai. 

Tỷ phú Lucio Tan, chủ sở hữu Philippine Airlines, đánh giá đây là bước đột phá giúp chuẩn bị tốt hơn cho các chiến lược mới và duy trì liên kết hàng không Philippines với thế giới.

Ông Lucio Tan nói: "Chúng tôi cảm ơn chân thành đến các bên cho vay, các đối tác hàng không và các chủ nợ đã hỗ trợ kế hoạch này, giúp PAL vượt qua những tác động chưa từng có của đại dịch. Đại dịch toàn cầu đã gây ra gián đoạn đáng kể trên hầu hết các lĩnh vực, đặc biệt là hàng không. Chúng tôi sẽ vươn lên mạnh mẽ trong dài hạn."


Nhà đầu tư đánh giá những động thái tiếp theo của PAL

Aniceto K. Pangan, một nhà kinh doanh cổ phiếu, cho biết rằng quyết định này sẽ ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư nhưng đây là "lựa chọn tốt nhất" cho PAL trong bối cảnh nhu cầu hàng không sụt giảm mạnh do khủng hoảng y tế toàn cầu. "Các nhà đầu tư có thể sẽ cảm thấy tiêu cực về động thái này. Vì điều này thể hiện sự khó khăn trong vận hành công ty. Nhưng, đây là lựa chọn tốt nhất mà ban lãnh đạo có thể thực hiện để duy trì hoạt động qua thời điểm đại dịch".

Japhet Tantiangco, giám sát tài chính cấp cao Philstocks, đánh giá việc hãng nhận được sự chấp thuận của tòa án sẽ "củng cố bảng cân đối kế toán để tiếp tục hoạt động kinh doanh" mà không ảnh hưởng đến cổ phiếu của PAL Holdings.

Trong khi đó, Giám đốc điều hành của Regina Capital Development Corp, Luis Limlingan, thể hiện lo ngại về khả năng phục hồi của PAL. Ông nhấn mạnh "những rủi ro sẽ có khi mua cổ phiếu thời kỳ đại dịch", và sẽ theo dõi "các bước tiếp theo mà hãng hàng không giải quyết số tài sản hiện có và làm thế nào để trả nợ." Trên thực tế, giao dịch cổ phiếu của PAL Holdings đã bị đình chỉ kể từ giữa tháng 6 do công ty kiểm định độc lập không cung cấp được những đánh giá về báo cáo tài chính. 

Kế hoạch giảm công suất đội bay có dẫn đến một đợt giảm nhân sự khác?

Chuyên gia cổ phiếu, Aniceto, cho rằng có khả năng hãng hàng không sẽ thực hiện cắt giảm nhân sự một lần nữa nếu công suất đội bay giảm 25% theo kế hoạch.

Tuy nhiên, giám sát tài chính cấp cao Philstocks, Tantiangco, lại chia sẻ quan điểm khác: "Vì nhu cầu hàng không giảm sút nên đội bay sắp bị loại bỏ có thể chưa được đưa vào sử dụng, do vậy việc cắt giảm đội bay này sẽ không ảnh hưởng đến kế hoạch nhân sự của hãng”.

PAL hiện chưa lên tiếng về việc về sa thải thêm nhân viên hay không. Người phát ngôn của hãng, Cielo Villaluna, cho biết rằng hãng sẽ giải đáp câu hỏi từ giới truyền thông trong cuộc họp báo được dự kiến diễn ra vào thứ Hai 6/9.

Phạm Thu Thanh (theo CNN)