Tiêu điểm thế giới

Lý do máy nghe lén và tin tặc bất lực trong việc xâm nhập vào hệ thống của TT Putin

Trong suốt 19 năm cầm quyền, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã vô hiệu hóa hàng loạt kẻ nghe lén, tin tặc cũng như những người chơi khăm. Cựu sĩ quan tình báo KGB này luôn được bảo vệ chặt chẽ và giữ bí mật tuyệt đối.

Theo RBTH, ông Putin không sử dụng điện thoại thông minh hay thiết bị nhắn tin nào, và hiếm khi lên mạng internet. Cho tới gần đây, người dân Nga vẫn không rõ liệu ông Putin có biết gì về trang YouTube hay không. Bởi lẽ chỉ có một dịp hồi năm 2015, ông Putin công khai tuyên bố rằng ông có sử dụng internet.

Năm 2017, tổ chức WikiLeaks công bố vụ rò rỉ lớn nhất các tài liệu của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) về các công cụ theo dõi và đánh cắp thông tin, trong đó có 5 máy chủ dành cho thiết bị nghe lén mang mật danh PocketPutin.

Về mặt giả thuyết, các máy chủ này có thể theo dõi các thiết bị do Tổng thống Nga sử dụng, như máy tính và điện thoại (nếu có).

Tổng thống Nga Putin 

Trước thông tin trên, Điện Kremlin giải thích: “Chúng tôi sẽ kiểm tra điều này”. Điện Kremlin cũng cho biết thêm, Washington không che giấu việc nghe lén các quan chức Nga nên WikiLeaks đã không theo kịp thực tế.

Nhưng các quan chức Nga nói chung và Tổng thống Putin nói riêng là trường hợp đặc biệt. Nếu các gián điệp nước ngoài hay những kẻ nghe lén muốn nghe lén ông Putin thì họ phải đến rất rất gần.

Không sử dụng điện thoại thông minh

“Sở hữu một chiếc smartphone là tình nguyện phô bày bản thân... Khi bạn chọn một chiếc điện thoại thông minh, bạn ý thức rằng mình đã đánh dấu vào ô chọn cho phép công khai mọi thứ”, thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov từng nhận định.

Theo quan điểm của ông Peskov, Tổng thống không nên sở hữu điện thoại thông minh, “đặc biệt là ở một quốc gia như Nga”.

Ông Peskov tiết lộ lý do Tổng thống Putin không sử dụng điện thoại thông minh là bởi thiết bị này có thể khiến người đứng đầu nước Nga bị lộ thông tin cá nhân cũng như các thông tin quan trọng khác, đe dọa tới an ninh quốc gia.

Giới báo chí năm nào cũng đặt câu hỏi với ông Peskov về smartphone dành cho Tổng thống. Tuy nhiên, câu trả lời họ nhận được luôn giống nhau.

Và chính Tổng thống Putin hồi năm 2015 cũng khẳng định: “Nếu tôi có một chiếc điện thoại di động, nó sẽ không ngừng rung chuông. Thậm chí ở nhà, tôi cũng chẳng bao giờ nhấc điện thoại lên”.

Những ai có thể gọi điện trực tiếp cho ông Putin?

Các Bộ trưởng và lãnh đạo Phủ Tổng thống có thể gọi điện trực tiếp cho nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin theo hệ thống liên lạc của Chính phủ - Thư ký báo chí Dmitry Peskov cho biết điều này khi trả lời phỏng vấn của tờ Luận chứng và sự kiện.

"Họ có thể trực tiếp đến gặp Tổng thống khi ông Putin ở chỗ làm" - ông Peskov nói và thêm rằng, nếu vị Bộ trưởng nào muốn liên lạc với ông Putin vào thời điểm khác thì yêu cầu của họ được truyền đạt thông qua các trợ lý và sĩ quan tùy tùng. Ông Peskov cũng lưu ý, trong Điện Kremlin có những nhân viên giao tiếp với Tổng thống thường xuyên hơn cả ông.

"Khi chuyện nói về những việc mà Tổng thống công khai trước đại chúng thì cách này cách khác tôi đều có mặt ở gần bên. Thế nhưng phần đáng kể trong công việc của Tổng thống diễn ra không công khai", ông Peskov cho biết.

Không sử dụng mạng xã hội

Ông Peskov còn cho biết ông Putin không cần sử dụng mạng xã hội Twitter để truyền tải thông điệp tới người dân và cử tri ủng hộ như Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Cũng theo người phát ngôn Điện Kremlin, Tổng thống Putin thường đọc báo và tạp chí để nắm bắt tin tức. "Tổng thống đọc rất nhiều, thường là trên máy bay bởi đó mới là ngôi nhà thật sự của ông. Ông Putin không ngại dùng Internet và thường tự mình đọc tin tức trên đó. Chuyên cơ của ông Putin được trang bị kết nối Internet", ông Peskov nói.

Ông Putin từng nhiều lần khẳng định không có điện thoại thông minh, không thích và không có thời gian dùng mạng xã hội. "Ai cũng nói rằng mọi người đều dùng điện thoại thông minh, nhưng tôi chẳng có", Tổng thống Nga phát biểu vào tháng 2/2018.

Bảo mật thông tin tuyệt đối

Ở Nga, có một quy tắc tuyệt đối: Với các chủ đề có tầm quan trọng cấp quốc gia, ông Putin sẽ chỉ nói chuyện thông qua một đường dây điện thoại bảo mật của chính phủ (chiếc điện thoại màu vàng kiểu cổ thường thấy trên bàn làm việc của ông Putin).

Không ai có thể nghe lén điện thoại này bởi tín hiệu giọng nói trong đường dây này đã được số hóa và mã hóa bằng một khóa mật mã phức tạp. Để giải mã được tín hiệu đó sẽ phải mất khoảng 18 tháng. Và ngay cả khi có “bẻ được khóa mật mã” thì việc nghe lén cũng không thể xảy ra vì trong cuộc điện đàm, khóa mật mã sẽ được thay đổi nhiều lần một cách ngẫu nhiên. Các chuyên gia an ninh Nga đã xây dựng hệ thống bảo mật tuyệt đối này cho nhà lãnh đạo của mình.

Nhưng đối với các chuyên gia liên lạc của Kremlin, các từ “không thể” hay “vô tác dụng” có lẽ chưa đủ. Họ còn tìm kiếm các giải pháp an ninh mà kẻ khác chỉ có thể vô hiệu hóa bằng cách can thiệp vào các quy luật vật lý.

Chúng ta từng thấy bức ảnh về Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng điện đàm với Tổng thống Putin, trong đó vây quanh ông Trump là một nhóm trợ lý và cố vấn. Điều này không xảy ra trong điện Kremlin. Trong những tình huống đó, thi thoảng bên cạnh ông Putin mới có một trợ lý về các vấn đề quốc tế hoặc (rất hiếm) một vị bộ trưởng (chẳng hạn, khi đang thảo luận về vấn đề dầu khí). Và đâu đó trong căn phòng bên trong Bộ Ngoại giao Nga có một phiên dịch viên chuyên nghiệp được kết nối cùng đường dây. Tất cả chỉ có vậy.

Tổng thống Putin có thể thực hiện cuộc gọi từ bất cứ nơi đâu ông muốn như máy bay, ô tô, tàu ngầm, hay khu rừng Tuvan mà ông yêu quý tuy nhiên phải thông qua một liên kết an toàn.

Xem thêm >> Lý do chỉ Nga mới có thể đẩy Iran ra khỏi Syria