Góc nhìn luật gia

Lý do không thể kết tội ông Trần Bắc Hà?

Trường hợp bị can Trần Bắc Hà chết trong quá trình điều tra mà căn cứ này không liên quan đến các bị can còn lại thì chỉ đình chỉ điều tra riêng đối với bị can Trần Bắc Hà.

Theo nguồn tin của báo Người Đưa Tin, bị can Trần Bắc Hà, cựu Chủ tịch Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) vừa tử vong.

Ông Trần Bắc Hà

Như vậy, vụ án sẽ được giải quyết ra sao khi ông Hà tử vong trong thời gian đang bị tạm giam để điều tra về những sai phạm trong hoạt động ngân hàng tại BIDV?

Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh) cho biết: Mục đích của việc áp dụng trách nhiệm hình sự và hình phạt đối với người phạm tội là nhằm giáo dục họ ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới. Mục đích đó chỉ có thể đạt được nếu áp dụng đối với người còn sống.

Luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật

Do vậy, trong quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố mà xác định được người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác.

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về các căn cứ không khởi tố vụ án hình sự như sau: "Không được khởi tố vụ án hình sự khi có một trong các căn cứ sau:

Không có sự việc phạm tội; Hành vi không cấu thành tội phạm; Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự; Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật; Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự; Tội phạm đã được đại xá; Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác;Tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156  và 226 của Bộ luật hình sự mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố" (Điều 157, BLTTHS năm 2015).

Còn trong giai đoạn điều tra, luật sư Bình cho biết, việc đình chỉ điều tra được quy định tại Điều 230 Bộ luật tố tụng hình sự như sau:

“1. Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra khi thuộc một trong các trường hợp:

a) Có một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155 và Điều 157 của Bộ luật này hoặc có căn cứ quy định tại Điều 16 hoặc Điều 29 hoặc khoản 2 Điều 91 của Bộ luật hình sự;

b) Đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm.

2. Quyết định đình chỉ điều tra ghi rõ thời gian, địa điểm ra quyết định, lý do và căn cứ đình chỉ điều tra, việc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, trả lại tài liệu, đồ vật đã tạm giữ (nếu có), việc xử lý vật chứng và những vấn đề khác có liên quan.

Trường hợp vụ án có nhiều bị can mà căn cứ để đình chỉ điều tra không liên quan đến tất cả bị can thì có thể đình chỉ điều tra đối với từng bị can”.

“Như vậy, đối với trường hợp bị can Trần Bắc Hà chết trong quá trình điều tra mà căn cứ này không liên quan đến tất cả các bị can còn lại thì chỉ đình chỉ riêng đối với bị can Trần Bắc Hà. Các bị can còn lại vẫn phải tiếp tục điều tra, truy tố và xét xử vụ án theo quy định của pháp luật”, luật sư Bình nói.

Theo tài liệu của cơ quan điều tra, cựu Chủ tịch ngân hàng BIDV Trần Bắc Hà chính là người đã ký 12 quyết định phê duyệt chủ trương cho vay mua vật liệu xây dựng cho 12 công ty do Phạm Công Danh đề xuất.

CQĐT xác định, việc ông Danh sử dụng tiền của VNCB đảm bảo cho các công ty vay tiền gây thất thoát cho VNCB hơn 2.550 tỷ đồng.

Liên quan đến việc này, CQĐT xác định ông Trần Bắc Hà đồng ý chủ trương cho 12 công ty vay vốn theo giới thiệu của VNCB, chứ không cho Phạm Công Danh vay và không biết các công ty này do Danh thành lập. Ngân hàng BIDV đã thu đủ gốc, lãi các khoản vay.

Cuối tháng 11/2018, ông Trần Bắc Hà bị khởi tố, bắt tạm giam về tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” xảy ra tại Ngân hàng BIDV.