Đời sống

Lý do không nên xoa bóp bắp tay sau khi vừa tiêm vắc-xin Covid-19

Sau khi chủng ngừa vắc-xin, nhiều người bị đau nhức, sưng tại vị trí tiêm. Theo các chuyên gia đây là phản ứng bình thường và không nên xoa bóp ở khu vực đó.

Tiêm vắc-xin là một trong những biện pháp quan trọng để bảo vệ mọi người trong đại dịch Covid-19. Dù được tiêm loại vắc-xin nào, bạn cũng cần tuân thủ các hướng dẫn để tối đa hóa khả năng sinh miễn dịch, giảm tác dụng phụ.

Sau khi tiêm vắc-xin, vị trí tiêm bị đau nhức, cứng cơ là những tác dụng phụ phổ biến thường gặp. Theo các chuyên gia, đau nhức cánh tay là phản ứng sớm cho thấy cơ thể nhận biết vắc-xin. Khi được tiêm, cơ thể sẽ coi đó là chấn thương và gửi các tế bào miễn dịch đến cánh tay và làm giãn mạch máu. Các tế bào miễn dịch cũng gây ra chứng viêm giúp bảo vệ cơ thể khỏi cùng một mầm bệnh. Các chuyên gia gọi đây là “khả năng gây phản ứng” của vắc-xin. Một số kích ứng ở cánh tay cũng xuất phát từ việc cơ phản ứng với một lượng nhỏ chất lỏng vắc-xin được tiêm.

Ngoài đau nhức, một số người còn bị phát ban, ngứa, sưng tấy gần vết tiêm... Tình trạng này có thể kéo dài trong nhiều ngày, khiến chúng ta cảm thấy khó chịu. Tuy nhiên các bác sĩ khuyến cáo mọi người không nên chà xát, véo hoặc xoa bóp chỗ tiêm vì có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của vắc-xin Covid-19. Hành động này cũng có thể dẫn đến các tác dụng phụ không mong muốn, gây viêm nhiễm, đau mỏi.

Các chuyên gia đề nghị tránh xoa bóp chỗ tiêm trong vòng vài giờ sau khi chủng ngừa bởi khi đó vắc-xin đạt đến nồng độ cao nhất.

Lời khuyên này cũng được áp dụng cho các loại vắc-xin áp dụng kỹ thuật tiêm bắp khác. Theo đó việc xoa tay vào tổ chức da ở chỗ vết tiêm có thể thúc đẩy và làm gia tăng xuất huyết mao mạch dưới da tại chỗ, dễ dẫn đến sưng tụ máu, nhiễm trùng.

Nếu dùng bàn tay chưa sát khuẩn xoa vào vết tiêm, vi khuẩn gây bệnh có thể theo vết thương chưa kín miệng đi vào cơ thể gây viêm nhiễm tổ chức tại chỗ. Khi sức đề kháng của cơ thể giảm, các vi khuẩn này sẽ xâm nhập vào hệ tuần hoàn máu gây nhiễm độc và nhiễm trùng máu.

Trong khi đó nếu để ý kỹ, bạn sẽ thấy một số nhân viên y tế nhẹ nhàng xoa bóp da trước khi tiêm. Đây là phương pháp thực hành lâm sàng được áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới, làm mềm và thư giãn các cơ ở tay, giúp vắc-xin hiệu quả hơn.

Sau tiêm nếu cảm thấy quá đau và bị cứng khớp, bạn có thể áp dụng một số biện pháp khắc phục như chườm đá, chườm ấm, ngâm nước muối Epsom, tập thể dục nhẹ nhàng cho cánh tay được tiêm. Những hoạt động trên giúp chống lại tác dụng phụ và giảm đau nhanh hơn. Các chuyên gia cũng khuyên những ai nhạy cảm với cơn đau nên tiêm vắc-xin ở cánh tay không thuận.

Minh Hoa (t/h theo VietNamNet, VnExpress)